Nguy cơ dịch COVID-19 xấu nhất trong mùa Đông Xuân

Cập nhật, 08:31, Thứ Sáu, 16/10/2020 (GMT+7)

Theo GS.TS Nguyễn Thanh Long- quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, hiện trong cộng đồng đã 42 ngày không ghi nhận ca nhiễm SARS-CoV-2 mới, nhưng nguy cơ xâm nhập luôn thường trực và là yếu tố để có thể gây bùng nổ dịch bất cứ lúc nào, bất cứ thời điểm nào.

“Đây là thời điểm quan trọng để chúng ta chuẩn bị và triển khai tất cả các biện pháp quan trọng cần thiết để chống dịch, bởi mùa đông năm nay dự báo là rất khốc liệt trong chống dịch COVID-19. Nhiều quốc gia đã phát hiện ca bệnh xâm nhập trở lại và lây nhiễm ra cộng đồng.” - quyền Bộ trưởng nhấn mạnh.

Lơ là đeo khẩu trang

Một số người dân chủ quan không đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng như sân bay, bệnh viện.
Một số người dân chủ quan không đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng như sân bay, bệnh viện.

Con số 42 ngày không có dịch COVID-19 trong cộng đồng làm người dân yên tâm trong lòng, song trong đợt dịch trước, Việt Nam có tới 99 ngày an toàn mà dịch COVID-19 vẫn quay trở lại.

Theo Bộ Y tế, dù dịch bệnh đang được kiểm soát tốt, song nguy cơ xuất hiện dịch COVID-19 vẫn có nguy cơ luôn thường trực, vẫn còn mầm móng lây lan trong cộng đồng. Nhất là khi không ít người dân, chính quyền lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Cùng với yêu cầu người dân thực hiện tốt khuyến cáo 5K (khẩu trang- khử khuẩn- khoảng cách- không tụ tập- khai báo y tế), thì Bộ Y tế vẫn luôn nhấn mạnh vai trò đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, đến các địa điểm và trên phương tiện giao thông công cộng; rửa tay thường xuyên bằng xà bông hoặc dung dịch sát khuẩn; hạn chế tụ tập đông người tại nơi công cộng, giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc. Song những ngày gần đây, biện pháp phòng bệnh đơn giản này dường như đã bị lơ là.

Việc đeo khẩu trang, cũng như giữ khoảng cách với người xung quanh là yếu tố then chốt để phòng COVID-19.

Việc này đã được người dân đồng thuận thực hiện rất tốt khi dịch bệnh xảy ra trong cộng đồng, nhưng với hơn 1 tháng không có ca mắc mới trong cộng đồng đã có không ít người có tâm lý chủ quan.

Theo quan sát, ở những nơi công cộng, người dân một số nơi vẫn có tâm lý chủ quan, lơ là phòng dịch, trong quá trình tham gia giao thông, hoặc tới công viên, đi siêu thị, đi chợ,… thậm chí vô bệnh viện không ít người dân vẫn không đeo khẩu trang.

Chị Phạm Mai Anh (TP Vĩnh Long) cho biết: “Tôi vừa đi công tác Hà Nội về, dù khuyến cáo người dân đến sân bay phải đeo khẩu trang, song khi tới phòng chờ, thì một số người kéo khẩu trang xuống nói chuyện, đi lại trong khuôn viên này”.

Ở các chợ, dù được ban quản lý chợ khuyến cáo người dân, tiểu thương đeo khẩu trang, song vẫn còn nhiều người phớt lờ. Không ít người dù có khẩu trang trên mặt nhưng chỉ đeo lấy lệ bởi chiếc khẩu trang luôn bị kéo xuống thấp phía dưới cằm.

Một chị đi chợ cho biết: “Đeo suốt ngày ngộp thở hổng nổi luôn, chị đeo xíu cũng phải kéo xuống cho thoáng. Cũng sợ bệnh lắm chớ, nhưng giờ thấy nhóc người cũng không đeo nên đôi khi đi ra ngoài chị cũng quên mang khẩu trang”.

Chuẩn bị kịch bản đối phó dịch trong mùa Đông Xuân

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh rà soát lại các phương án phòng, chống dịch bệnh. Trong ảnh: Người dân khai báo y tế tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Vĩnh Long.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh rà soát lại các phương án phòng, chống dịch bệnh. Trong ảnh: Người dân khai báo y tế tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Vĩnh Long.

Đó là nhận định của quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long tại buổi giao ban trực tuyến triển khai công tác phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế với các địa phương vào ngày 13/10.

Tại cuộc họp, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá công tác phòng chống dịch, song đến nay chưa có bất cứ đánh giá nào đầy đủ của các nước về dịch COVID-19, với rất nhiều khó khăn trong cuộc chiến này.

Nhiều dự báo cho thấy dịch COVID-19 có thể kéo dài tới cuối năm 2021 mới hết và cao điểm sẽ vào mùa đông. Hơn nữa, hiện chưa có vắc xin ngừa COVID-19 nào được đăng ký chính thức lưu hành trên thế giới, nên việc tiếp cận vắc xin của các nước là thách thức rất lớn.

“Chúng ta nhận định được tình hình dịch, đánh giá những nguy cơ như vậy để chủ động trong phòng chống dịch. Chúng ta tuyệt đối không được lơ là, chủ quan vì nguy cơ dịch xâm nhập vào Việt Nam rất cao”- GS.TS. Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Về nguyên tắc phòng chống dịch, Việt Nam vẫn giữ 5 nguyên tắc là ngăn chặn; phát hiện; cách ly; khoanh vùng dập dịch và điều trị hiệu quả, nhưng “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, trong giai đoạn hiện nay có thể nói nguyên tắc quan trọng nhất là phát hiện, ngăn không cho dịch từ bên ngoài xâm nhập vào Việt Nam; vấn đề tiếp theo là giám sát phát hiện các ca bệnh.

“Nếu phát triển càng sớm thì chúng ta càng triển khai các biện pháp chống dịch hiệu quả. Nguyên tắc là khoanh vùng gọn, cách ly triệt để, điều trị hiệu quả.

Trong giai đoạn hiện nay, cần phải chuẩn bị kịch bản ứng phó với tình huống xấu nhất trong mùa Đông Xuân năm nay, nếu không chúng ta sẽ rơi vào tình trạng hoang mang, “cuống” trong chống dịch”- quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế lưu ý các địa phương cần rà soát lại tất cả các kịch bản phòng chống dịch, nhất là tình huống dịch xảy ra ở bệnh viện, nhà máy có nhiều công nhân.

Đồng thời, ngăn chặn dịch có hiệu quả từ bên ngoài, tập trung vào diện chuyên gia nước ngoài, những người hồi hương, những người nhập cảnh. Vì vậy, các địa phương có cửa khẩu cần phối hợp biên phòng giám sát, quản lý chặt chẽ người nhập cảnh, cách ly, giao trách nhiệm rõ ràng.

Các địa phương cần chủ động tăng cường đầu tư, nâng cao năng lực xét nghiệm, tiến hành đấu thầu mua sắm ngay trang thiết bị, vật tư chống dịch để không bị động khi dịch xảy ra trên địa bàn.

Theo thông tin từ BCĐ quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, tính đến trưa 14/10, Việt Nam đã chữa khỏi 1.026 bệnh nhân/1.113 bệnh nhân COVID-19. Tiểu ban điều trị cho biết đến thời điểm này nước ta không còn trường hợp bệnh nhân COVID-19 nào nặng.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN