Lạc nội mạc tử cung- cần khám và điều trị kịp thời

Cập nhật, 21:26, Thứ Sáu, 30/10/2020 (GMT+7)

 

Bình thường tế bào nội mạc tử cung chỉ xuất hiện trong lòng tử cung, song ở một số trường hợp nó có thể xuất hiện ở cổ tử cung, ống dẫn trứng, buồng trứng, bàng quang, ổ bụng… gọi là lạc nội mạc tử cung.
Bình thường tế bào nội mạc tử cung chỉ xuất hiện trong lòng tử cung, song ở một số trường hợp nó có thể xuất hiện ở cổ tử cung, ống dẫn trứng, buồng trứng, bàng quang, ổ bụng… gọi là lạc nội mạc tử cung.

Lạc nội mạc tử cung (LNMTC) là một bệnh lý phụ khoa thường gặp, chiếm 5-10% số phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Theo TS.BS. sĩ Hồ Thị Thu Hằng- Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long, LNMTC là bệnh lý lành tính, song diễn tiến bệnh thường dai dẳng gây tác động xấu về xã hội và tâm lý. Sự lạc chỗ của tuyến nội mạc tử cung và mô đệm nằm bên ngoài tử cung gây nên tình trạng viêm mãn tính, phát triển, thoái hóa theo chu kỳ kinh nguyệt gây đau đớn kéo dài giảm chất lượng cuộc sống, trường hợp nặng có thể dẫn đến vô sinh.

Ảnh hưởng bệnh lên sức khỏe phụ nữ

Đau bụng kinh là một trong những triệu chứng rất khó chịu đối với phái nữ. Các cơn đau dữ dội và dai dẳng ở vùng chậu gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống, công việc và học tập. Đôi khi đó trở thành nỗi ám ảnh của chị em mỗi khi tới kỳ “đèn đỏ”. Đa phần phụ nữ mắc phải đều cam chịu mà không thăm khám bác sĩ để được điều trị, vì nghĩ đó là hiện tượng bình thường. Một trong những nguyên nhân phổ biến của đau bụng kinh là bệnh lý LNMTC.

Ở tuổi dậy thì, tới kỳ hành kinh là chị P.M.A. (36 tuổi, TP Vĩnh Long) thường xuyên đau bụng dữ dội. Chị cho biết: “Tới kỳ tôi đau quằn quại, bủn rủn tay chân, đau toát mồ hôi… Nhất là khi đi đại tiện, đau muốn xỉu luôn. Kinh nguyệt vừa ra nhiều, kéo dài cả tuần rồi đau vậy riết. Mỗi khi tới tháng, tôi phải thủ sẵn thuốc giảm đau bụng kinh mới học nổi, không thì nằm bẹp luôn”.

Rồi chị tiếp lời: “Lúc đó, mẹ tôi cũng nghĩ tùy cơ địa nên chuyện đau bụng kinh là bình thường nên tôi không đi khám. Tới khi lấy chồng, trong quá trình mổ lấy thai, bác sĩ phát hiện tôi bị LNMTC và xử lý bóc nang LNMTC trong ổ bụng luôn. Nhờ đó, mà tới kỳ kinh tôi giảm 90% cơn đau”.

Bệnh viện (BV) Phương Châu Sa Đéc vừa tiếp nhận và phẫu thuật trường hợp bệnh nhân 50 tuổi đến viện trong tình trạng đau bụng nặng kèm theo bị hành kinh nhiều trong 1 năm nay, dù có khám và điều trị nhưng không cải thiện. Khi vào BV với tình trạng thiếu máu nặng, người bệnh được các bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán lạc tuyến nội mạc trong cơ tử cung gây thống kinh, cường kinh, thiếu máu nặng phải phẫu thuật kịp thời.

Cần khám và điều trị kịp thời LNMTC

Theo TS.BS. Hồ Thị Thu Hằng, các triệu chứng của LNMTC thường là: đau dữ dội trong giai đoạn hành kinh (có người đau đến ngất đi); mệt mỏi, buồn nôn, hoa mắt, tay chân rã rời, ra kinh nhiều; cơn đau lúc đầu ít và ngắn, càng về sau cơn đau càng lâu, càng nhiều và kéo dài theo chu kỳ kinh; đau khi quan hệ vợ chồng, thỉnh thoảng có ra huyết; đau khi đi đại tiện (LNMTC ở vách trực tràng).

Và quan trọng hơn LNMTC là một trong những nguyên nhân khiến cho việc thụ thai ở phụ nữ trở nên khó khăn. Khi lớp nội mạc dày lên sẽ khiến cho tinh trùng khó đi vào buồng trứng. LNMTC làm giảm chất lượng trứng cũng như khả năng thụ tinh và khả năng di chuyển của tinh trùng. Do đó dễ dẫn đến tình trạng vô sinh.

Khi có những dấu hiệu của bệnh lạc nội mạc tử cung, phụ nữ đi khám và kiểm tra phụ khoa sớm để được các bác sĩ tư vấn và điều trị hợp lý.
Khi có những dấu hiệu của bệnh lạc nội mạc tử cung, phụ nữ đi khám và kiểm tra phụ khoa sớm để được các bác sĩ tư vấn và điều trị hợp lý.

Các nghiên cứu y tế cho thấy: có khoảng từ 10- 15% phụ nữ vô sinh do LNMTC. Nó thường xảy ra khi các lớp mô dày và dính chặt vào nhau. Một điều đáng lưu ý nữa là bệnh này rất dễ tái phát và khó điều trị dứt điểm. Vì các triệu chứng dễ bị nhầm lẫn nên nhiều chị em không thăm khám thường xuyên khiến lớp lạc nội mạc ngày càng dày hơn.

Với chẩn đoán chính xác, LNMTC có thể được điều trị thành công để giảm mức độ nghiêm trọng và để nó không can thiệp vào các hoạt động hàng ngày của phụ nữ. Điều trị LNMTC nhằm làm giảm đau, tăng trưởng mô chậm và trong một số trường hợp, ngăn ngừa bệnh tái phát, điều trị vô sinh nếu có. Theo đó, các lựa chọn điều trị gồm: bằng nội tiết để kích thích sự rụng trứng; thuốc điều chỉnh lượng hormon và giảm đau; phẫu thuật thông thường, hoặc phẫu thuật nội soi ổ bụng (cắt tử cung và 2 buồng trứng trong trường hợp LNMTC nặng, phụ nữ đủ con).

Việc điều trị cần kiên trì, tùy thuộc vào mức độ, giai đoạn bệnh và tuổi của bệnh nhân. “Để ngăn ngừa LNMTC, phụ nữ nên đi khám phụ khoa nếu có dấu hiệu đau bất thường lúc có kinh (thấy chu kỳ kinh nguyệt của mình không ổn định, lượng kinh thất thường) hay khi quan hệ tình dục; nên có con sớm sau khi lập gia đình. Hạn chế dùng các thuốc chứa Estrogen cao; kiêng giao hợp khi hành kinh”- BS. Hồ Thị Thu Hằng cho biết.

Các nghiên cứu khoa học gần đây ước tính có đến 10% phụ nữ trong độ tuổi từ 25- 40 mắc phải LNMTC và phụ nữ Châu Á có xác suất mắc bệnh cao hơn phụ nữ ở các khu vực khác. Đặc biệt, các triệu chứng của LNMTC rất dễ bị nhầm với các hiện tượng sinh lý khác, nên rất nhiều chị em chỉ phát hiện sau khi mắc bệnh nhiều năm.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN