Phòng nhiễm bệnh giun, sán

Cập nhật, 13:37, Thứ Sáu, 17/07/2020 (GMT+7)

 

Khi tiếp xúc với đất, cát, nhất là ở khu vực có nuôi chó, mèo phải rửa tay bằng xà phòng thật sạch, đặc biệt là trẻ em.
Khi tiếp xúc với đất, cát, nhất là ở khu vực có nuôi chó, mèo phải rửa tay bằng xà phòng thật sạch, đặc biệt là trẻ em.

Theo Viện Sốt rét, ký sinh trùng và côn trùng TP Hồ Chí Minh, nhiễm giun, sán là bệnh lý rất phổ biến trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam vì giun, sán có mặt rất nhiều trong môi trường như: đất, rau không sạch, phân, nước dãi của động vật…

Nguy hiểm nhiễm giun sán từ chó, mèo

Tất cả mọi người đều có nguy cơ bị mắc phải. Giun sán có đường lây truyền qua phân thải của động vật. Nếu động vật ăn thức ăn có giun sán sẽ nhiễm trong cơ thể.

Đặc biệt trong những năm gần đây số trường hợp nhiễm giun đũa chó, mèo ngày càng tăng, nguyên nhân chủ yếu do nuốt phải trứng giun đũa chó, mèo từ môi trường nhiễm vào đường tiêu hóa qua thức ăn và nước uống.

Việc nuôi chó, mèo để trông giữ nhà và làm cảnh là sở thích của rất nhiều người, không kể ở thành thị hay nông thôn. Song, việc nuôi chó mèo, để vệ sinh bừa bãi nhất là ở vùng nông thôn rất phổ biến, đây chính là nguồn lây nhiễm bệnh.

Nhiều người dù không tiếp xúc trực tiếp với chó mèo nhưng vẫn nhiễm giun do ăn thực phẩm có chứa ấu trùng từ phóng uế của chó, mèo phát tán ra môi trường.

Theo Viện Sốt rét, ký sinh trùng và côn trùng TP Hồ Chí Minh, giun đũa chó trưởng thành sống trong ruột non của chó.

Trứng giun theo phân thải ra đất, chuyển thành ấu trùng và phát tán ra môi trường rồi nhiễm vào nước uống, thức ăn, nếu ăn phải thức ăn có chứa ấu trùng giun, nhất là khi ăn rau sống, người dân sẽ dễ nhiễm bệnh.

Trẻ em là đối tượng dễ bị nhiễm ấu trùng giun đũa chó, mèo nhất do hay tiếp xúc với đất, hay ngậm, liếm đồ chơi, mút tay, chơi với chó, mèo…

Nhiễm ấu trùng giun đũa chó mèo là một bệnh rất nguy hiểm. Do người không phải là vật chủ chính nên ấu trùng giun đũa chó, mèo không phát triển thành giun mà theo máu di chuyển tới các bộ phận trong cơ thể và có thể ký sinh tại bất kể cơ quan nào trong cơ thể, như: gan, phổi, hệ thần kinh trung ương, mắt, khớp. Khi ấu trùng ký sinh ở bộ phận nào, chúng sẽ gây tổn thương cho bộ phận đó.

Ngoài gây ngứa, nổi ban trên da, khi ấu trùng ký sinh ở mắt, người bệnh có dấu hiệu mắt mờ, khám thường thấy viêm mang bồ đào hay viêm kết mạc sung huyết đỏ kèm ngứa. Nếu ấu trùng ký sinh ở nội tạng, như: gan, phổi thì gây đau bụng, ho, đau ngực, khó thở.

Ngoài ra, ấu trùng giun đũa chó, mèo cũng có thể ký sinh đến não và làm tổ gây nhức đầu, nôn ói, yếu nửa người, liệt, co giật, chóng mặt, động kinh viêm não, màng não, dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời.

Vì vậy, khi phát hiện các triệu chứng, như: nổi ban, mẩn ngứa vài ngày không tìm thấy nguyên nhân, kèm theo sốt nhẹ hay đau mỏi, tê bì chân tay, động kinh, co giật, hay viêm dây thần kinh thị giác hoặc ở thần kinh ngoại biên… người bệnh cần đi làm xét nghiệm Eliza máu để phát hiện nhiễm ấu trùng giun đũa chó, mèo.

Phòng bệnh nhiễm giun, sán

Trong buổi lễ phát động phòng chống bệnh giun, sán, sốt xuất huyết Viện Sốt rét, ký sinh trùng và côn trùng TP Hồ Chí Minh truyền tải nhiều kiến thức phòng chống giun, sán và bệnh sốt xuất huyết cho học sinh, giáo viên và cả phụ huynh tại xã Tân Mỹ (Trà Ôn), góp phần giúp mọi người nhận biết các biện pháp phòng chống các căn bệnh này, đặc biệt là bệnh nhiễm giun, sán.

Chị Thạch Thị Như Y (xã Tân Mỹ) chia sẻ: “Gia đình tui có nuôi 2 con chó để giữ nhà, 1 con mèo. 2 đứa nhỏ con tui cũng khoái chơi chó, mèo lắm. Nghe bác sĩ nói chó, mèo cũng lây bịnh giun sán nên tui phải xổ giun định kỳ cho con; không cho con chơi với chó mèo và tuân thủ ăn chín uống chín, rửa tay xà bông”.

Còn em Sơn Hoàng Long- học sinh Trường Tiểu học Tân Mỹ A (Trà Ôn)- cho biết: “Bác sĩ nói chúng ta phải dọn dẹp nhà cửa, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, không được lấy phân người và súc vật bón cây, bón rau. Chúng ta phải ăn chín uống sôi, tiếp xúc với động vật phải rửa tay bằng xà bông sạch sẽ”.

Theo PGS. TS Lê Thành Đồng- Viện trưởng Viện Sốt rét, ký sinh trùng, côn trùng TP Hồ Chí Minh, để phòng ngừa bệnh nhiễm giun, sán, mọi người cần lưu ý giữ gìn vệ sinh cá nhân, rửa tay sạch trước khi ăn, nhà cửa phải được lau dọn sạch sẽ, ăn chín, uống chín, cần bỏ thói quen ăn sống tái; nếu ăn rau sống phải rửa sạch dưới vòi nước đang chảy...

Tắm cho chó, mèo thường xuyên, khám sức khỏe ở cơ sở thú y và xổ giun định kỳ; không thả rông chó, mèo và có biện pháp xử lý chất thải của chó, mèo một cách hợp lý tránh để trở thành nguồn phát tán bệnh ra cộng đồng.

Một số triệu chứng bệnh giun sán thường gặp là ngứa da, nổi mề đay tại cánh tay, cẳng tay, bụng, lưng, mặt trước đùi, có người phù mặt và mí mắt. Đôi khi kém ăn, đau bụng thoáng qua. Tuy nhiên, cũng có trường hợp bệnh diễn biến âm thầm không có triệu chứng. Bệnh thường gặp ở trẻ em nhiều hơn người lớn.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN

Các tin khác: