"Chỉ cần 1 ngày còn sống, tôi vẫn cứu người đột quỵ"

Cập nhật, 06:06, Thứ Bảy, 29/02/2020 (GMT+7)

Hơn 20 năm trong ngành y, TS.BS Trần Chí Cường- Giám đốc Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Quốc tế S.I.S Cần Thơ (BV Tim mạch- Đột quỵ), Chủ tịch Hội Can thiệp thần kinh TP Hồ Chí Minh- được nhiều bệnh nhân (BN) quý mến bởi sự chân thành và hết lòng vì BN.

TS. BS Trần Chí Cường (bìa phải) cùng các đồng nghiệp trong phòng can thiệp nội mạch. Suốt ngày trong phòng mổ, các bác sĩ phải đối diện với các tia độc hại gấp 500 lần chụp X-quang bình thường.
TS. BS Trần Chí Cường (bìa phải) cùng các đồng nghiệp trong phòng can thiệp nội mạch. Suốt ngày trong phòng mổ, các bác sĩ phải đối diện với các tia độc hại gấp 500 lần chụp X-quang bình thường.

Ông là người đặt viên gạch đầu tiên, người biến “BV đột quỵ” trong mơ thành BVĐK S.I.S hiện đại bậc nhất Việt Nam với mong muốn“xóa bỏ nỗi ám ảnh 97% người dân miền Tây đến trễ giờ vàng trong cấp cứu đột quỵ”, “giúp cho bà con trị bệnh với chi phí thấp nhất”, trở thành hiện thực. Và, ông có lời thề rằng: “1 ngày tôi còn sống, khi người bệnh nghèo bị đột quỵ đến BV mình mà còn cơ hội thì bằng mọi giá tôi sẽ cứu họ”.

Bác sĩ là “thợ sửa mạch máu não bị hỏng”

TS. BS Trần Chí Cường (sinh năm 1976, tại huyện Châu Thành- Đồng Tháp). Ông là bác sĩ được đồng nghiệp trân quý vì là “thợ sửa mạch máu não bị hỏng”.

Đứng trước BN bất kể đó là ai, sang giàu hay nghèo khó, trái tim ông ra lệnh: Cứu! Bằng mọi giá cứu sống, trả BN về với cuộc đời.

Ông sở hữu đôi bàn tay khéo léo xử lý can thiệp nhiều nhất các ca cấp cứu mạch máu não bằng DSA. Hàng ngàn BN trở về từ cõi chết nhờ bàn tay và tấm lòng nhân hậu của anh.

BS Chí Cường tốt nghiệp chuyên khoa Thần kinh và có thời gian tu nghiệp tại Thái Lan về kỹ thuật “Can thiệp mạch máu thần kinh”, do Trường ĐH Y khoa Bicetre (Pháp) phối hợp cùng Trường ĐH Y khoa Mahidol tổ chức.

Năm 2006, BS Chí Cường trở về Việt Nam mạnh dạn đem kiến thức học được ở nước ngoài trình bày và BV Đại học Y dược (TP Hồ Chí Minh) chính thức triển khai thực hiện kỹ thuật can thiệp trong lòng mạch điều trị bệnh mạch máu não và tủy sống và ông là người thực hiện chính.

Mỗi năm nhờ vào kỹ thuật can thiệp nội mạch, hàng ngàn BN mắc bệnh mạch máu não và tủy sống đã được cứu sống. Song vào thời điểm đó, các kỹ thuật này là rất mới mẻ với nền y khoa Việt Nam.

Không dừng lại ở đó, BS Trần Chí Cường tiếp tục học chuyên sâu rồi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ vào năm 2012, lúc ông mới 36 tuổi.

Hơn 20 năm trong ngành y, ông luôn thấm nhuần lời dạy “lương y phải như từ mẫu”. Bằng thái độ làm việc nghiêm túc, tận tâm, hết lòng, ông luôn được BN và đồng nghiệp tin yêu, quý trọng bởi tài năng và đức độ của một lương y có tâm với nghề.

TS.BS Trần Chí Cường trăn trở, mỗi năm ĐBSCL có 10.000 trường hợp đột quỵ, trong số đó có hơn 97% đến BV sau “thời gian vàng” do các BN đột quỵ trong vùng hầu hết phải lên TP Hồ Chí Minh để cấp cứu dẫn đến tỷ lệ tử vong hoặc tàn phế rất cao. Với việc cấp cứu, can thiệp kịp thời các trường hợp đột quỵ, sẽ giúp họ giành lấy sự sống, hạn chế tỷ lệ tàn phế.

Ông chia sẻ: “Ở TP Hồ Chí Minh, nếu không có tôi BN đột quỵ vẫn có thể khám với bác sĩ khác. Nhưng ở Cần Thơ thì rất khác, BN đột quỵ thì nhiều mà chưa có cơ sở y tế chuyên sâu nào cả. Làm việc tại BV ở TP Hồ Chí Minh, tôi chỉ có thể cứu được 100 người nhưng về đây tôi có thể cứu được 1.000 người”.

Đó là chia sẻ chân thành của ông trong ngày khánh thành BVĐK Quốc tế S.I.S. Ông cho biết, BV này là tâm huyết và nỗ lực không ngừng nghỉ của ông và các cộng sự để hướng tới mục tiêu: mở ra nhiều cơ hội cứu sống BN đột quỵ và giảm thiểu tối đa số bệnh nhân bị trễ “thời gian vàng” cấp cứu khi phải lên tận TP Hồ Chí Minh.

12 tháng cứu sống gần 1.000 BN đột quỵ miền Tây

Ông K.D.T. (51 tuổi, Hậu Giang) là ca đột quỵ chỉ còn 1% cơ hội sống, được BVĐK Quốc tế S.I.S Cần Thơ cứu sống. Ông T. vào viện trong tình trạng hôn mê sâu, xuất huyết cầu não rất nặng, đồng tử co nhỏ, mất phản xạ ánh sáng 2 bên, sốt cao 40-41 độ C…

Đứng trước sự sống mong manh như vậy, thông thường các bác sĩ khuyên người nhà nên chở bệnh nhân về. Song, từ phản xạ chân phải của BN nhúc nhích rất nhẹ, gia đình và các bác sĩ quyết tâm níu giữ cơ hội sống cho ông. Kỳ diệu thay, 3 ngày sau ông hồi tỉnh.

TS. BS Trần Chí Cường đã tổ chức các lớp đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực đột quỵ, tim mạch cho bác sĩ trong và ngoài nước đến học hỏi tại BV về công nghệ mới trong chẩn đoán, điều trị, phòng ngừa đột quỵ, đào tạo chuyên sâu về can thiệp nội mạch DSA. “Đối với nhiều người khi đào tạo cho học trò thì sẽ giữ lại một chút cho bản thân mình khác biệt nhưng với tôi thì không. Tôi muốn sẽ có nhiều bác sĩ chuyên sâu, chất lượng cao về lĩnh vực này trên toàn thế giới để có thể cứu được nhiều người hơn”- TS. BS Trần Chí Cường chia sẻ.

Ông Trương Văn Bột (Trà Ôn- Vĩnh Long) thoát khỏi “lưỡi hái tử thần” nhờ các bác sĩ S.I.S điều trị kịp thời đột quỵ. Vợ ông kể lại: “Ổng ngồi đưa võng thì một bên tay chân xụi đơ, tui thấy kỳ chạy đến kêu ổng cũng hổng có ư hử gì hết.

Ở nhà cũng tưởng ổng trúng gió, liền lấy chanh nặn vô miệng; rồi bấm 2 bên hông ổng cũng hổng biết đau. Chuyển qua BV đột quỵ, bác sĩ chụp MRI cho biết não bị ứ máu, rồi can thiệp kịp thời, nhờ vậy từ từ ổng khỏe”.

Các bác sĩ cho biết: Chẩn đoán BN bị đột quỵ cấp, qua chụp MRI mạch máu não thì phát hiện có ổ nhồi máu vùng thân nền. Ông được chỉ định dùng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch. Nhờ được đưa đến BV trong “thời gian vàng” nên BN hồi phục nhanh chóng sau khi được can thiệp.

Ông Đ.T.Đ. (72 tuổi, ở quận Cái Răng- TP Cần Thơ) được đưa đến BVĐK S.I.S trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở trong 5 phút, không đo được huyết áp và được các bác sĩ cứu sống kịp thời.

TS. BS Trần Chí Cường nhận định, đây là trường hợp đầu tiên sau hơn 20 năm làm ngành y mà ông cảm nhận được sự sống kỳ diệu đến vậy, ngừng tim, ngừng thở mà vẫn có thể hồi phục tốt. Nó càng đặc biệt và hy hữu hơn khi BN có rất nhiều bệnh nền, tổng trạng kém như: tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh động mạch vành đã đặt stent, viêm đa khớp.

Trong trường hợp cứu sống hy hữu đó, người nhà góp công lớn khi họ trang bị đầy đủ kiến thức, hotline BV sẵn sàng trong danh bạ, phản xạ nhanh. Chỉ cần đến trễ 5 phút nữa thôi, dù bác sĩ giỏi đến mấy, phương tiện tốt bao nhiêu, người bệnh cũng không qua khỏi.

Đó là rất nhiều ca trong gần 1.000 trường hợp đột quỵ, được BVĐK Quốc tế S.I.S can thiệp cấp cứu kịp thời trong 1 năm đi vào hoạt động.

Theo TS.BS Trần Chí Cường, BV điều trị khoảng 10.000 lượt người bệnh thần kinh- đột quỵ, trong đó có 2.361 trường hợp cấp cứu. Đặc biệt là có 781 ca đột quỵ nguy kịch và cứu sống gần 95% số BN (740 ca).

“Thời gian qua rất nhiều ca thập tử nhất sinh, có thể nói là không còn hy vọng nhưng tôi và các anh em bác sĩ đã cứu sống được họ. Tôi có thể tự tin nói rằng, tỷ lệ tái thông mạch máu não ở BV đạt tỷ lệ gần như 100%, tỷ lệ tai biến, biến chứng chưa đến 1%”- BS Chí Cường khẳng định.

Nói về mức độ nguy hiểm của căn bệnh đột quỵ, BS Chí Cường cho biết: Bệnh đột quỵ là một trong những nguyên nhân gây tử vong và tàn phế hàng đầu, có thể xảy ra mọi lúc mọi nơi và mọi đối tượng trong xã hội. “BN đột quỵ nếu đến muộn sau 6 giờ, đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả điều trị.

Cơ hội sống- còn cũng như chất lượng cuộc sống sẽ mất dần theo thời gian cho dù có đủ các trang thiết bị hiện đại vì mỗi một phút trôi qua trong bộ não của BN đột quỵ sẽ có 2 triệu tế bào thần kinh mất đi”- ông nói.

TS.BS Trần Chí Cường chia sẻ, BV tạo điều kiện điều trị cho cả người giàu lẫn người nghèo. Tôi đến với nghề như một cái duyên, chính tình người, lòng trắc ẩn trước những vấn đề sinh tử của đồng loại đã giữ tôi lại và ngày gắn bó yêu quý hơn cái nghề mình đã chọn. Khi đến BV đột quỵ, BN không có tiền cũng được cứu, lập BV không vì mục đích cuối cùng là lợi nhuận.

“Qua 1 năm hoạt động, BV cũng có gặp khó khăn, do có khá nhiều BN nghèo… nhưng BV vẫn cam kết đúng mục tiêu cứu người và đã cứu được khá nhiều BN tạo được niềm tin lớn trong cộng đồng”- BS Cường nói với nụ cười rất hiền.

Qua 1 năm khánh thành BV, có không ít ca bệnh khiến TS.BS Trần Chí Cường trăn trở: “Trong 781 ca đột quỵ nguy kịch mà BV tiếp nhận trong năm 2019 vừa qua, chỉ có 110 ca đến trong thời gian vàng (chiếm 18%). Nhiều người ở ĐBSCL bệnh đột quỵ, song gia đình không biết chuyển đến BV nào cho phù hợp, hoặc không nhận biết được người thân bị bệnh đột quỵ làm mất đi “thời gian vàng” điều trị. Đồng thời, anh mong muốn hợp tác của quý BV (chuyển viện cấp cứu, chuyển giao công nghệ, hội chẩn liên viện,…) giúp bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não được tiếp cận với bệnh viện chuyên khoa kịp giờ vàng, tăng tỷ lệ chữa trị thành công.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN