Đột quỵ và cách phòng ngừa

Cập nhật, 15:31, Thứ Sáu, 28/12/2018 (GMT+7)

 

Mọi người cần khám sức khỏe định kỳ, phát hiện sớm các bệnh lý nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim, xơ vữa động mạch… để chữa trị kịp thời.
Mọi người cần khám sức khỏe định kỳ, phát hiện sớm các bệnh lý nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim, xơ vữa động mạch… để chữa trị kịp thời.

Đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não, là căn bệnh rất phổ biến và nguy hiểm trong xã hội hiện đại. Hậu quả do đột quỵ để lại rất lớn, người bệnh có thể bị liệt nửa thân, mất khả năng giao tiếp, mất khả năng kiểm soát tiểu tiện, thậm chí hôn mê sâu và tử vong.

Nhiều người chưa biết về đột quỵ

Anh Lê Văn Hải (xã Trường An- TP Vĩnh Long) cho biết, cha anh 55 tuổi, nhà làm vườn lao động tay chân nhiều nhưng sức khỏe khá tốt, ít bệnh vặt. Tuy nhiên, đùng một cái cha anh than mệt, chóng mặt rồi té xỉu. Cả nhà quýnh quáng đưa đến bệnh viện cấp cứu, mới biết cha bị nhồi máu não.

Theo Thạc sĩ, BS CK1 Nguyễn Trung Tín (BVĐK Triều An- Loan Trâm), đột quỵ là bệnh lý gây tử vong đứng hàng thứ ba sau tim mạch và ung thư nhưng đứng đầu trong những nguyên nhân gây tàn phế.

Đột quỵ để lại di chứng nặng nề cho người bệnh và gia đình, nhất là di chứng sa sút trí tuệ. Khi người bệnh đột quỵ không phục hồi được, gia đình họ sẽ mất đi 1 lao động và nếu nặng, cần thêm 1 người chăm sóc. Nếu người bệnh được phát hiện kịp thời và đưa đi cấp cứu, việc chữa trị sẽ khả quan hơn. Vấn đề là làm sao để biết được triệu chứng của bệnh và xử trí đúng cách.

Đột quỵ não xảy ra khi máu cung cấp đến 1 vùng não bị gián đoạn. Khi đó, các tế bào não sẽ thiếu oxy và dần bị chết đi. Nguyên nhân: tắc mạch (do huyết khối, mảng xơ vữa,…) hoặc do xuất huyết não (mạch máu não vỡ ra do huyết áp cao, do dị dạng mạch máu não). Đột quỵ đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Các yếu tố nguy cơ bao gồm: lối sống, béo phì hay thừa cân, không vận động thể lực, uống bia rượu nhiều hoặc sử dụng chất kích thích, hút hoặc ngửi khói thuốc lá…

Bệnh lý nội khoa đi kèm: cao huyết áp, tiểu đường, mỡ máu cao, bệnh lý tim mạch... Các yếu tố khác: lớn tuổi, giới tính (nam thường gặp hơn nữ), sử dụng thuốc ngừa thai hoặc liệu pháp hormon có Estrogen,...

Dấu hiệu nhận biết đột quỵ là người bệnh bất ngờ bị méo 1 bên mặt, kèm theo méo miệng. Có thể bị yếu, liệt 1 cánh tay, 1 bên chân hoặc nửa người. Bệnh nhân đột ngột không nói được hoặc nói ngọng, ú ớ, không gọi được người xung quanh. Người bệnh còn có thể đột ngột bị đau đầu dữ dội, buồn nôn, choáng váng, mất thăng bằng, không thể tự đi lại được.

Làm thế nào để phòng ngừa căn bệnh đột quỵ nguy hiểm?

Đáng lưu ý, nhiều trường hợp người trẻ tuổi, đang khỏe mạnh, không bệnh tật cũng có thể bị đột quỵ bất cứ lúc nào mà không hề có dấu hiệu báo trước. Theo Bệnh viện ĐH Y dược TP Hồ Chí Minh, hiện nay, tỷ lệ người bị đột quỵ dưới 45 tuổi được bệnh viện tiếp nhận chiếm khoảng 30%.

Em N.H.V. (22 tuổi) đang là sinh viên năm cuối chuyên ngành thủy sản vốn không bia rượu, thuốc lá, đang sinh hoạt như thường ngày, bỗng nhiên nói ngọng, yếu tay chân bên phải. Vào cấp cứu tại Bệnh viện ĐH Y dược, bệnh nhân được chụp động mạch não cho thấy bị hẹp não giữa bên trái. Với sự hợp sức can thiệp của nhiều chuyên gia thần kinh, bệnh nhân được cứu sống.

Theo Thạc sĩ, BS CK1 Nguyễn Trung Tín (BVĐK Triều An- Loan Trâm), người bệnh đột quỵ nếu được cấp cứu kịp thời trong “thời gian vàng” thì cơ hội hồi phục như trước rất cao. Nếu người bệnh đột quỵ không được cấp cứu trong “thời gian vàng” thì hậu quả rất nặng nề, có thể liệt nửa người, hôn mê sâu, thậm chí tử vong.

Việc xử trí đột quỵ cần làm càng sớm càng tốt. Đối với đột quỵ do nhồi máu, tốt nhất trong vòng 4,5 giờ kể từ thời điểm khởi phát bệnh. Khi đó, bệnh nhân sẽ được điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết hoặc dùng dụng cụ hút huyết khối hoặc kết hợp cả 2. Còn từ sau 4,5- 6 giờ thì chỉ có thể thông mạch bằng dụng cụ hút huyết khối. Qua 6 giờ là đã hết thời gian vàng, hiệu quả điều trị sẽ giảm đi nhiều.

Bác sĩ Nguyễn Trung Tín khuyến cáo, để phòng tránh nguy cơ đột quỵ, mọi người cần: có lối sống lành mạnh, không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia, tăng cường vận động và tập thể dục thể thao; giảm ăn mặn, giảm mỡ béo, tăng cường rau xanh và trái cây. Bên cạnh đó, mọi người cũng cần khám sức khỏe định kỳ, phát hiện sớm các bệnh lý nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim, xơ vữa động mạch… để chữa trị kịp thời.

Khi phát hiện người thân bị đột quỵ hãy gọi ngay cho cấp cứu. Trong thời gian chờ đợi nhân viên y tế đến, đặt bệnh nhân nằm nghiêng trên giường tránh tụt lưỡi cản trở lưu thông đường hô hấp, đắp chăn mỏng để tránh mất nhiệt, không cho bệnh nhân ăn uống để phòng ngừa nôn ói, trào ngược thức ăn vào trong đường thở, không cho uống bất cứ thuốc gì kể cả thuốc hạ áp. Chú ý không cạo gió, không xoa bóp, không nặn chanh- BS CK1 Nguyễn Trung Tín (BVĐK Triều An- Loan Trâm) cho biết.


“Đột quỵ có thể xảy ra bất ngờ với bất kỳ ai, không phân biệt tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp, tình trạng sức khỏe mà không hề có những dấu hiệu báo trước”, TS. bác sĩ Nguyễn Bá Thắng- Trưởng Đơn vị Đột quỵ, Phó trưởng Khoa Thần kinh, Bệnh viện ĐH Y dược TP Hồ Chí Minh cho biết.

Bài, ảnh: MAI ANH