Khí độc từ khói thuốc!

Cập nhật, 05:50, Thứ Năm, 01/11/2018 (GMT+7)

Không chỉ ảnh hưởng đến người hút, khói thuốc lá cũng gieo rắc bệnh tật đến người thường xuyên hít phải khói thuốc thụ động.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm, thế giới có 600.000 ca tử vong do hút thuốc thụ động. Tại Việt Nam, có tới 70% trẻ dưới 5 tuổi bị phơi nhiễm với khói thuốc lá thụ động.

Dù có trẻ em, dù biết tác hại của thuốc lá đến sức khỏe, song nhiều người vẫn thản nhiên hút thuốc.
Dù có trẻ em, dù biết tác hại của thuốc lá đến sức khỏe, song nhiều người vẫn thản nhiên hút thuốc.

Người lớn vô ý thức, trẻ hít khói độc

Theo nghiên cứu do Hội Y tế công cộng Việt Nam thực hiện năm 2015, tỷ lệ người phơi nhiễm với khói thuốc lá thụ động tại nhà hàng, quán bar, cà phê chiếm 80- 90%, gấp 2-3 lần so với các địa điểm khác như: giao thông công cộng, cơ quan nhà nước, trường học…

Đến một số quán cà phê, quán ăn tại TP Vĩnh Long, chúng tôi dễ dàng bắt gặp hình ảnh nhiều người cầm trên tay điếu thuốc lá và sẵn sàng nhả khói, bất kể ảnh hưởng đến người khác, đặc biệt các quán có nhiều trẻ em.

Sáng chủ nhật, khu vui chơi trẻ em của quán cà phê trên đường Võ Văn Kiệt (Phường 2- TP Vĩnh Long) có rất đông trẻ nhỏ được ba mẹ dẫn đến quán ăn sáng. Dù khu vực cửa kính, có máy lạnh song trẻ em vào ra rất đông. Cạnh đó, những bàn cà phê đặt kế bên, có 4 người vô tư “nhả khói”.

2 thanh niên ngồi trò chuyện rôm rả, vô tư “phả khói trắng”. 3 bạn nữ trong bàn cười vui vẻ, “hít khói” mà không hề phàn nàn gì. Người cha ngồi bàn sát cửa ra vào, vừa “phả” thuốc vừa nhâm nhi ly cà phê đá, mắt thì dõi theo con trai đang vui chơi trong phòng cùng các bạn. Bàn bên phải có em bé chừng 7 tháng tuổi nhún nhảy trên chân mẹ; bé trai ngồi chơi điện thoại. Còn người cha thì thản nhiên “nhả khói”.

Đó là khu vực có nhiều trẻ em, còn khu vực hồ cá thì cũng “đậm sặc” mùi thuốc lá. Có bé gái mặc đầm hồng rất xinh, ngồi cho cá ăn, còn người cha thì “ý thức” hơn, ngồi kế bên con nhưng điếu thuốc đưa ra xa, mỗi khi hít hay “nhả” khói thì anh “nhả” về phía xa con.

Tại khu vực hồ cá quán cà phê trên đường Phạm Thái Bường (Phường 4- TP Vĩnh Long), không ít người nghiện thuốc cũng vô tư “nhả khói” dù có nhiều trẻ em đến quán vui chơi, xem cá Koi.

“Có người cha ngồi kế bên giữ con cho cá ăn cũng hút thuốc. Tôi rất giận nhưng con họ mà họ còn không ý thức cứ hút phà vô mặt con nên tôi đành ẵm con mình tránh xa”- chị Minh Nguyệt (TP Vĩnh Long) bức xúc.

Trên chiếc phà di chuyển từ xã Quới An sang xã Quới Thiện (Vũng Liêm), người đàn ông đá chân chống xe, cho tay vào túi quần lấy ra một bao thuốc lá và chiếc bật lửa. Điếu thuốc được đốt lên, ông cho vào miệng và phả ra một làn khói trắng. Thời gian chờ phà hơn 30 phút để “vượt sông” ông đã đốt 3 điếu thuốc. Khu vực mái che mát của phà, có thêm 3 người hút thuốc.

Để tránh xa khói thuốc, chị Hạ Nghi cùng chồng ẵm con gái 3 tuổi ra đứng phía trên phà. Chị cho biết: “Thà chịu trận đứng giữa nắng, còn hơn đứng trong mát chịu khói thuốc”. Đứng chưa được 3 phút thì cách đó 3 xe máy, 1 người lại đốt thuốc, chị lắc đầu thở dài.

Phòng chống tác hại thuốc lá

Mặc dù không trực tiếp hút thuốc nhưng nhiều người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em vẫn hàng ngày, hàng giờ chịu ảnh hưởng bởi tác hại của thuốc lá. Những người hút thuốc bệnh đã đành nhưng còn những người không hút thuốc rất khó chịu, ngạt thở với khói thuốc thì phải có cách gì phòng tránh.

Sau thời gian triển khai Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, các hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá ở nước ta được triển khai đồng bộ và đã có rất nhiều chuyển biến tích cực.

Theo quy định này, cần thành lập các đoàn thanh tra liên ngành để kiểm tra việc thực hiện luật, đặc biệt là quy định về cấm hút thuốc lá tại nơi công cộng. Ngoài ra, cần tuyên truyền về các hành vi bị nghiêm cấm trong luật: nghiêm cấm bán thuốc lá tại các địa điểm có quy định cấm hút thuốc…

“Cơ quan chức năng phải làm quyết liệt hơn nữa, xử phạt thế nào, ai xử phạt vẫn còn là câu chuyện dài chưa có hồi kết để một quy định tốt thực sự đi vào cuộc sống”- chị Lê Thị Quyến (xã Long Phước- Long Hồ) nói.

Hiện nay, người nghiện thuốc lá cũng đã biết tránh những nơi có “cái vòng tròn đỏ gạch chéo điếu thuốc”, trường học, bệnh viện, nơi công cộng đã giảm bớt khói thuốc.

Song trong xã hội, do tình làng nghĩa xóm, trong từng gia đình, những nơi cần giữ sức khỏe cho người thân lại đang khó bài trừ khói thuốc. Đã đến lúc để phụ nữ, trẻ em thẳng thắn có ý kiến phản đối khói thuốc ngay khi có người hút dù đó là ai.

Trong phòng khách, hãy bỏ hẳn cái gạt tàn, không bày thuốc lá, bật lửa, diêm trong các đám tiệc, liên hoan… Cần thiết dán biểu tượng cấm hút thuốc ngay trong nhà của mình như một sáng kiến im lặng mà lại có hiệu lực.

ThS.BS Nguyễn Tuấn Lâm- chuyên gia của WHO- cho hay: Thuốc lá có chứa 7.000 hóa chất, trong đó có tới 69 loại hóa chất gây ung thư. Trong khói thuốc có chứa những loại hóa chất vô cùng độc hại mà chúng ta không thể tưởng tượng ra như: acetone (chất tẩy trong thuốc sơn móng tay), amoniac (chất tẩy rửa sàn nhà và bồn vệ sinh), DDT/Dieldrin (thuốc trừ sâu), Arsenic là chất được sử dụng trong thuốc diệt chuột, CO (khí thải ô tô), Toluene (dung môi công nghiệp), Methanol formaldehyde (chất để ướp xác người chết)…

Những chất này khi đi vào cơ thể sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thần kinh, mạch máu và nội tiết gây ra những bệnh tim mạch, giảm trí nhớ và các bệnh ung thư. Thuốc lá là tác nhân có thể gây ra 14 loại ung thư, trong đó người ta thường thấy rõ nhất là liên quan đến bệnh ung thư phổi. Đáng chú ý, 75% số người chết do ung thư hiện nay có liên quan đến khói thuốc. Tức là cứ 100 người chết do ung thư thì có 75 người chết do có liên quan đến thuốc lá.

Bài, ảnh: MAI ANH