Phụ huynh lo lắng trước dịch bệnh tay chân miệng

Cập nhật, 16:13, Thứ Sáu, 26/10/2018 (GMT+7)

Bệnh tay chân miệng (TCM) đang có dấu hiệu bùng phát ở nhiều tỉnh, thành trong đó có Vĩnh Long. Nhiều phụ huynh lo lắng và tìm cách bảo vệ con mình không bị lây nhiễm bệnh này.

Trẻ em điều trị bệnh TCM tại Bệnh viện đa khoa tỉnh.
Trẻ em điều trị bệnh TCM tại Bệnh viện đa khoa tỉnh.

Dịch bệnh diễn biến phức tạp

Những ngày qua, các cơ sở khám chữa bệnh trong tỉnh Vĩnh Long luôn trong tình trạng quá tải bệnh nhi. Số trẻ em đến khám điều trị nội, ngoại trú tăng gấp 2, 3 lần so với các tháng trước.

Trong đó, phần lớn trẻ mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp, TCM và sốt xuất huyết. Đây là những bệnh thường gặp khi thời tiết thay đổi nhưng cũng rất nguy hiểm nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Một trong những bệnh đang gia tăng nhanh hiện nay là bệnh TCM. 9  tháng năm 2018, cả nước có trên 60.000 bệnh nhân mắc bệnh TCM. Tại Vĩnh Long, riêng trong tháng 10,  toàn tỉnh ghi nhận 302 ca bệnh (171 ca tại các bệnh viện trong tỉnh, 131 ca ở các bệnh viện ngoài tỉnh), so với 77 ca ở tháng 9, bệnh tăng 225 ca (tương ứng 292,21%).

Đây là căn bệnh lây truyền trực tiếp từ người này sang người khác khi tiếp xúc với dịch mũi, họng, nước bọt, chất dịch từ mụn nước hoặc phân của người bị nhiễm bệnh nên rất dễ lây lan thành dịch, đặc biệt là những nơi đông trẻ như trường mầm non, mẫu giáo.

Theo BS,CK2 Trần Thị Tuyết Mai- Trưởng khoa nhi Trung tâm Y tế Vĩnh Long, bệnh TCM năm nay diễn tiến phức tạp hơn những năm trước. Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút đường ruột gây ra, trong đó 50% trường hợp được xác định mắc vi rút chủng Enterovirus 71 (EV71), một chủng virus có độc tính mạnh, lây lan nhanh.

Bệnh lây từ người sang người qua tiếp xúc với nước bọt, dịch tiết mũi họng, các bọng nước vỡ của người bệnh và thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Khi có dấu hiệu của bệnh phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để điều trị kịp thời.

Các bệnh do nhiễm siêu vi và liên quan đến đường hô hấp cũng tăng cao, chiếm gần 50% số bệnh nhi nhập viện điều trị. Trong đó, phần lớn trẻ mắc bệnh viêm hô hấp trên, viêm phế quản, viêm phổi. Bệnh tuy có thể khỏi sau vài ngày điều trị và chăm sóc tốt nhưng cũng rất nguy hiểm nếu không được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời.

Dấu hiệu sớm để đưa trẻ đi viện:

    Sốt cao.

    Quấy khóc.

    Giật mình.

    Đừng đợi bé có biểu hiện nặng như khó thở, vả mồ hôi, ngủ lịm…việc điều trị sẽ khó khăn hơn.

Cần phòng bệnh cho con

Chị Nguyễn Thanh Hoa (xã Tân Qưới Trung- Vũng Liêm) đưa con gái Thảo Vy 4 tuổi đến khám tại Bệnh viện đa khoa tỉnh cho hay: “Mấy ngày qua con tôi bị sốt, bác sĩ nói cháu bị sốt siêu vi. Hôm nay cháu đi tái khám, nhưng nghe bệnh TCM nhiều trẻ bị, tôi lại lo, lỡ con hết bệnh này lại lây bệnh kia thì tội con”.

Có con đang học mầm non tại Phường 1, TP Vĩnh Long, chị Trần Thị Thanh Phương cho biết, bình thường, cứ đến giai đoạn giao mùa như bây giờ là con chị dễ ho, sổ mũi nên chị rất lo con có thể nhiễm thêm bệnh TCM. "Hiện nay thông tin bệnh TCM đang bùng phát rất nhiều. Con mình sức đề kháng đã kém, mà lỡ nhiễm virus gây bệnh này nữa thì không biết sẽ ra sao”.

Trước tình hình nhiều bệnh truyền nhiễm gia tăng trên địa bàn, ngành y tế Vĩnh Long đang tăng cường triển khai nhiều biện pháp khống chế không để bệnh bùng phát thành dịch lớn, đặc biệt là dịch sốt xuất huyết và TCM. Các ổ dịch nhỏ được phun hóa chất khống chế kịp thời và việc cách ly trẻ bệnh cũng được các trường học quan tâm thực hiện.

Để phòng ngừa TCM, cha mẹ cần rửa tay cho trẻ bằng xà phòng  trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh.
Để phòng ngừa TCM, cha mẹ cần rửa tay cho trẻ bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh.

Theo BS Trương Hữu Khanh- Trưởng khoa Nhiễm- Thần kinh (Bệnh viện Nhi đồng 1- TP Hồ Chí Minh) không ít phụ huynh lo lắng cho con nghỉ học nhưng không cần thiết phải nghỉ học. Vì nghỉ học cũng không biết nghỉ tới bao giờ.

Tốt nhất vẫn thực hiện biện pháp phòng ngừa rửa tay trước khi đến trường, khi ra khỏi trường, về đến nhà. Trẻ bị TCM thường gặp ở trẻ dưới 3 tuổi có biểu hiện ban đầu bằng bỏ ăn, chảy nước miếng do lở miệng, có hoặc không có kèm theo sốt.

Có thể nổi mụn nước ở lòng bàn tay, bàn chân sau khi lở miệng. Trong các nhà trẻ hiện nay giáo viên và ban giám hiệu đã thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa TCM cho các bé từ hướng dẫn của ngành y tế rồi.

Để chăm sóc trẻ tại nhà, người lớn không kiêng ăn uống để trẻ có đủ chất, nên cho trẻ ăn thức ăn loãng, mềm, dễ tiêu, ăn nhiều rau, uống nhiều nước. Nếu trẻ nổi mụn nước, không kiêng cử tắm rửa, phải vệ sinh tốt, không bôi bất kỳ loại thuốc gì lên mụn nước. 

Đặc biệt phải chú ý đến việc rửa tay cho trẻ, không sơ sài bỏ qua phần rửa tay cho những người tiếp xúc với trẻ như người thân, cô giáo, nhân viên y tế.

Trước khi chăm sóc trẻ, cha mẹ cần rửa tay thật sạch, cách ly trẻ với những bé khác xung quanh. Theo dõi bệnh liên tục, phải hạ sốt ngay khi phát hiện trẻ nóng sốt. Nếu trẻ tiếp tục sốt cao, nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế.

Nếu trẻ có các dấu hiệu như: sốt, chảy nước bọt nhiều, miệng, lòng bàn tay, chân nổi mụn nước… có thể trẻ đang bị TCM.

Phụ huynh nên thông báo với nhà trường (nếu trẻ đang đi học). Trường hợp lớp học hoặc nơi ở có nhiều trẻ bị bệnh này cùng thời điểm, nhà trường và địa phương phải báo ngay với trung tâm y tế dự phòng để nhân viên y tế xử lý, phòng chống bệnh lây lan trên diện rộng.

Theo BS Trương Hữu Khanh, 90% em bé bị TCM có thể điều trị tại nhà hay tái khám tại trung tâm y tế gần nhà vì đa số các trường hợp chỉ mắc độ 1 và độ 2A thôi. Chỉ khi có biến chứng từ độ 2B mới cần điều trị ở tuyến trên, tỷ lệ này chỉ khoảng 5%. Khi thấy bé sốt cao không hạ, sốt trên 2 ngày, nhợn ói nhiều thì đi khám ngay. Nếu trẻ có giật mình chới với, run tay chân, tay chân lạnh, yếu tay chân, da nổi bông, thở mệt thì khả năng biến chứng nặng rồi, nên đi bệnh viện ngay.

Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG