Thuốc lá và bệnh tim mạch

Cập nhật, 13:54, Thứ Sáu, 18/05/2018 (GMT+7)

Ngày Thế giới không thuốc lá (31/5) năm 2018, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lựa chọn chủ đề “Thuốc lá và bệnh tim mạch”.

Thông qua chủ đề này, WHO muốn thông tin tới cộng đồng mối liên hệ giữa việc sử dụng thuốc lá và các bệnh tim mạch. WHO kêu gọi các quốc gia cần có những hành động kịp thời và hiệu quả nhằm làm giảm nguy cơ mắc và tử vong do các bệnh về tim mạch liên quan đến sử dụng thuốc lá.

Hút thuốc lá trong bệnh viện, bên cạnh trẻ nhỏ.
Hút thuốc lá trong bệnh viện, bên cạnh trẻ nhỏ.

Nhiều tác hại với người hút thuốc lá

Theo thống kê của WHO, mỗi năm trên thế giới có khoảng 7 triệu ca tử vong do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá, trong đó khoảng 900.000 ca tử vong do hút thuốc lá thụ động. Hút thuốc lá là một trong các nguyên nhân chính gây các bệnh tim mạch, trong đó có đột quỵ- căn bệnh nguy hiểm gây tử vong hàng đầu trên thế giới cũng như tại Việt Nam.

Tại Việt Nam, thống kê cho thấy số trường hợp tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 73% trong tổng số tử vong do bệnh tật và thương tích. Một trong những nguyên nhân là do tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao.

Cùng với các tổn thất về sức khỏe, hút thuốc lá cũng gây ra tổn thất về kinh tế và là một trong những nguyên nhân của sự đói nghèo.

Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá của người trưởng thành Việt Nam năm 2015 cho thấy, số tiền mua thuốc lá là 31.000 tỷ đồng/năm. Bên cạnh đó, tổng chi phí điều trị và tổn thất do mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong với 5 nhóm bệnh do hút thuốc lá là hơn 23.000 tỷ đồng/năm.

Theo nghiên cứu trên quy mô quốc gia từng công bố, 15,6 triệu người Việt Nam trên 15 tuổi hiện đang hút thuốc lá và đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN về số người hút thuốc lá cao nhất. Hệ lụy đi cùng là 28,5 triệu người không hút thuốc lá phải tiếp xúc với khói thuốc lá tại nhà và tương ứng là 5,9 triệu người ở nơi làm việc.

Chứa hơn 7.000 hóa chất trong đó có 69 chất gây ung thư, khói thuốc lá là nguyên nhân quan trọng gây 25 căn bệnh ung thư trong đó có 12 loại ung thư phổ biến ở Việt Nam: ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa- hô hấp, ung thư khoang miệng, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ,...

Và với những người hít thuốc lá thụ động (họ không hề muốn) cũng phải chịu các tác động bệnh tật như người hút thuốc lá, gồm: ung thư phổi, nhiễm trùng đường hô hấp, các bệnh về tim mạch.

“Thâm niên” hút thuốc, muốn bỏ không dễ

Anh Việt Hùng (36 tuổi) hút thuốc gần 20 năm nay. Làm nghề buôn bán, hút thuốc và mời thuốc lá với anh tương tự như “lời chào” trong công việc.

Anh chia sẻ, chưa có ý định bỏ thuốc nhưng vài năm nay đôi lúc thấy mệt trong người do hút thuốc quá nhiều, anh đã chuyển từ thuốc “nặng” sang thuốc “nhẹ” hơn! Song, như vậy có nghĩa là anh vẫn đang hút thuốc lá.

Hút thuốc lá khi đi cà phê là thói quen của nhiều thanh niên.
Hút thuốc lá khi đi cà phê là thói quen của nhiều thanh niên.

Tương tự, anh Nguyễn Thành (37 tuổi) làm việc trong cơ quan nhà nước. Như một số bạn bè, anh hút thuốc từ thời còn sinh viên và thói quen đã ngót nghét 20 năm nay.

Nay đôi lần anh Thành có ý định bỏ thuốc lá, vì ảnh hưởng vợ con và người xung quanh, nhưng ra cà phê và nhất là bên bàn nhậu, ý định đó thất bại ngay lập tức. “Khó mà kiềm lại những lúc nói năng, hát hò lại có men rượu”- anh Thành chia sẻ như có lỗi với ý định của mình.

Có thể chưa hoặc đã đi kiểm tra y tế mà không có dấu hiệu nào trong 12 bệnh ung thư phổ biến ở người hút thuốc lá như đã nói nhưng anh Thành, anh Hùng cũng như nhiều người hút thuốc lá cảm thấy lo về bệnh tật.

Chuyên gia y tế từng chia sẻ về vấn đề này, không hẳn hút thuốc lá là bị ung thư phổi và ngược lại. Tuy nhiên, nguy cơ của người mắc bệnh đường hô hấp hay ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là rất cao khi hút thuốc lá so với người không hút thuốc.

Vẫn có người từng hút đã bỏ thuốc lá nhưng chỉ là số rất ít. Còn người có ý định bỏ mà chưa được hoặc hạn chế lại số lượng hoặc hút loại thuốc nhẹ hơn thì vẫn còn nhiều.

Hưởng ứng ngày Thế giới không thuốc lá (31/5) hàng năm, Bộ Y tế triển khai Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá (25- 31/5), nhằm tăng cường sự quan tâm của các ngành, các cấp, các tổ chức và quần chúng nhân dân đối với công tác phòng chống tác hại thuốc lá. Luật Phòng chống tác hại thuốc lá cũng được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/5/2013, với mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng, giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do các căn bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá.

Bài, ảnh: TƯỜNG VÂN