Đầu mùa sốt xuất huyết, phòng bệnh hơn trị bệnh

Cập nhật, 07:40, Thứ Sáu, 11/05/2018 (GMT+7)

Mùa mưa bắt đầu cũng là lúc sốt xuất huyết (SXH) xuất hiện nhiều hơn. Mọi người đều có thể bị SXH, đối tượng dễ mắc SXH là trẻ em và nếu phát hiện trễ, có thể để lại hậu quả lâu dài, thậm chí tử vong. Đẩy lùi SXH là nhiệm vụ của mọi người, bằng những hành động đơn giản nhất ngay trong nhà mình.

Mọi người đều có khả năng mắc bệnh sốt xuất huyết, nhất là trẻ nhỏ.
Mọi người đều có khả năng mắc bệnh sốt xuất huyết, nhất là trẻ nhỏ.

Không thể lơ là

Báo cáo Sở Y tế cho thấy, ca bệnh truyền nhiễm này lưu hành tại tỉnh đầu năm đến nay giảm. Trong tháng 4, ghi nhận có 36 ca (28 ca tại các bệnh viện trong tỉnh, 8 ca ở các bệnh viện ngoài tỉnh), giảm 89 ca (71,2%) so cùng kỳ năm ngoái.

Bác sĩ Huỳnh Thanh Tân- Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Vĩnh Long- cho biết, vài tuần qua SXH có giảm. Tuy nhiên, do bắt đầu vào mùa mưa, nên bệnh dự báo có chiều hướng tăng.

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, 4 tháng đầu năm nay đã ghi nhận 42 ca SXH. Đưa chúng tôi đến phòng bệnh nặng, bác sĩ chuyên khoa 2 Vũ Thị Thu Hương- Trưởng Khoa Nhi- cho biết: “Đối tượng dễ mắc bệnh là trẻ em nhưng đối với bé này thì lại đặc biệt hơn vì bé sốt sâu lại còn co giật kéo dài”.

Cũng theo bác sĩ Thu Hương thì có những trường hợp do phát hiện trễ, bệnh nhân sốt sâu, phức tạp và khi nhập viện thì đã suy đa cơ quan.

Bệnh nhi Nguyễn Quốc V. (6 tuổi ở xã Quới An- Vũng Liêm) nằm ngủ mê man trên giường bệnh.

Ngồi bên cạnh là mẹ em- chị Trần Thị Ngọc Xê- với đôi mắt thâm quầng, nói: “Tôi đưa con lên thẳng bệnh viện tỉnh từ hôm qua, sau 3 ngày cháu sốt cao quá, mà còn giật giật nữa. Đó giờ cháu chưa bao giờ sốt kiểu như vậy”.

Chị Xê không giấu được lo lắng khi nghe bác sĩ chẩn đoán con trai chị bị SXH: “Ở nhà cháu hay nghịch và đi chơi xung quanh xóm, ở vườn thì cũng có muỗi, tôi thấy muỗi không nhiều nên cho bé ngủ võng”. Từ khi bé V. nhập viện, chị Xê gọi điện về quê kêu chồng giăng mùng cho bé thứ 2 ngủ trưa (mới 18 tháng) “cho yên tâm”.

Dù trẻ em là đối tượng dễ mắc SXH nhưng bất cứ ai cũng không được lơ là với muỗi, đặc biệt là phụ nữ mang thai, những người có tiểu cầu thấp,… Phụ nữ mang thai do sự thay đổi của cơ thể làm hệ miễn dịch yếu đi. Đặc biệt căn bệnh này nguy hiểm cho cả mẹ và bé.

Một trong những biến chứng của bệnh là làm giảm số lượng tiểu cầu do đó ảnh hưởng rất lớn đến người có tiểu cầu thấp. Khi mắc bệnh SXH, những người này dễ gặp biến chứng của bệnh hơn. Ngoài ra, những người bị viêm gan mãn tính cũng dễ bị ảnh hưởng do chức năng đông máu kém.

Phòng hơn trị

Theo các bác sĩ, triệu chứng SXH thường xuất hiện đột ngột với sốt cao, người mệt mỏi rũ rượi, nhức đầu, đau sau hốc mắt, đau cơ, có khi kèm theo nôn mửa, tiêu chảy, đau vùng thượng vị (vùng trên rốn và dưới mũi xương ức).

Một người khi bị sốt cao liên tục, uống thuốc hạ sốt không giảm và sau 3 ngày vẫn chưa hết thì khả năng cao là bị bệnh SXH.

Ở khối dự phòng, bác sĩ Huỳnh Thanh Tân cho hay sẽ tăng cường giám sát để phát hiện sớm và xử lý kịp thời, triệt để các ổ dịch SXH.

Có kế hoạch thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng, phun thuốc diệt muỗi chủ động tại những địa bàn nguy cơ cao gắn với vận động người dân phòng SXH trong cộng đồng và nhằm hưởng ứng ngày ASEAN phòng chống SXH giữa tháng 6 hàng năm.

Nhắc lại kiến thức cơ bản ai cũng làm được để phòng SXH, bác sĩ Huỳnh Thanh Tân nói đó là hạn chế môi trường sống và sinh sôi của lăng quăng và muỗi. Chưa có vắc xin phòng và thuốc điều trị đặc hiệu, nên phòng chống SXH hiệu quả nhất chính là dựa vào người dân và ý thức cộng đồng.

Cụ thể là dọn dẹp nơi sống thoáng đãng, làm quang quẻ môi trường quanh nhà, đậy kín tất cả lu hũ chứa nước, thả cá vào nơi chứa nước để cá ăn lăng quăng.

Với trẻ, là đối tượng nguy cơ mắc SXH cao nhất, phụ huynh tránh muỗi chích cho trẻ bằng quần áo dài tay, ngủ mùng kể cả ban ngày. Điều rất quan trọng, một khi trẻ sốt cao và không giảm với thuốc hạ sốt thì người nhà đưa đến cơ sở y tế để chẩn đoán, can thiệp, vì khả năng cao đó là SXH.

Nhiều người lầm tưởng SXH chỉ mắc phải một lần trong đời nên lơ là, thực chất vi rút gây bệnh SXH có 4 chủng huyết thanh khác nhau: DEN-1, DEN-2, DEN-3, DEN-4.

Khi bệnh nhân đã bị nhiễm với chủng vi rút nào thì chỉ có khả năng tạo được miễn dịch với chủng vi rút đó. Như vậy, nếu đã bị SXH thì nguy cơ bị lại vẫn rất cao. Vì vậy, chúng ta không được chủ quan mà phải luôn luôn chuẩn bị các biện pháp phòng ngừa

SXH là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. SXH gặp ở mọi lứa tuổi và xảy ra quanh năm. Loài muỗi vằn sống chủ yếu trong nhà và có thể sinh sản trong bất kỳ dụng cụ chứa nước nào. Do đó mùa nào, nơi nào có dụng cụ chứa nước sử dụng dù đó là nước mưa, nước sông hay nước máy mà không kiểm soát lăng quăng, thì sẽ có muỗi vằn và sẽ phát sinh bệnh SXH.

 

Bài ảnh: CAO MINH