Vào đợt cao điểm bệnh tay chân miệng

Cập nhật, 15:22, Thứ Sáu, 14/10/2016 (GMT+7)

Bệnh tay chân miệng (TCM) đang gia tăng số ca mắc, đến khám, điều trị nội trú tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Vĩnh Long vài tuần gần đây. Thực tế này đúng với thời điểm bắt đầu vào đợt “đỉnh” dịch thứ 2 trong năm (khoảng tháng 9 đến tháng 11). Tuy bệnh đông hơn, nhưng số trường hợp bệnh nặng không nhiều như mọi năm.

Một bệnh nhi TCM nặng (độ 2B nhóm I) có chỉ định dùng kháng sinh tại phòng bệnh nặng thuộc Khoa Nhi (ảnh chụp ngày 12/10).
Một bệnh nhi TCM nặng (độ 2B nhóm I) có chỉ định dùng kháng sinh tại phòng bệnh nặng thuộc Khoa Nhi (ảnh chụp ngày 12/10).

Chị Trần Ngọc Liên (ngụ Phường 1- TP Vĩnh Long), hôm 12/10 đang chăm con điều trị TCM tại BVĐK tỉnh.

Chị nói: “Trước đó một ngày cháu bé đi học về thì hầm hầm cái đầu. Cháu nó ngủ đêm giật mình mấy lần. Tui thấy khác lạ, sáng ngày đưa vào bệnh viện khám và bác sĩ cho nhập viện”. Tại Khoa Nhi, bác sĩ chẩn đoán cháu M. 17 tháng tuổi- con chị Liên- bị bệnh TCM độ 2B nhóm I. Cháu bé được điều trị theo phác đồ TCM của Bệnh viện Nhi đồng I (TP Hồ Chí Minh), có chỉ định dùng kháng sinh.

Đây là trường hợp TCM diễn biến khá phức tạp ngay từ khi người nhà vào viện. Tuy nhiên đó chỉ là con số ít tại BVĐK tỉnh so cùng kỳ 2 năm lại đây. Tới thời điểm này, BVĐK tỉnh đều xử trí thành công.

Theo thống kê của Phòng Kế hoạch tổng hợp tại BVĐK tỉnh Vĩnh Long, từ đầu tháng 9 đến 11/10, đã có khoảng 540 lượt trẻ em vào khám ngoại trú bệnh TCM và trên 100 bệnh trong số đó nhập viện điều trị, với các độ bệnh ở độ nhẹ gồm: 1 (9 bệnh), 2A (106 bệnh) và độ nặng là 2B (chỉ 1 bệnh).

Còn số liệu của Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm Trung tâm Y tế dự phòng Vĩnh Long đến 11/10: toàn tỉnh có hơn 1.440 ca bệnh TCM. Có ngày có đến hàng chục ca bệnh, nhất là vào thời điểm từ tháng 9 đến nay- đợt cao điểm dịch bệnh thứ 2. Tuy nhiên, tổng ca bệnh giảm nhẹ so cùng kỳ năm 2015, ít ca bệnh nặng, không có tử vong.

Bác sĩ Đặng Thị Thu Vân- Phó Khoa Nhi cho biết, thông thường bệnh TCM sẽ được thống kê ở các nơi: phòng khám, bệnh tại phòng và khu bệnh nặng. Tại phòng khám nhi, bác sĩ sẽ phân độ để có phương hướng điều trị. Nếu độ 1 (nhẹ) với các biểu hiện như hồng ban tay, chân, có hoặc không có sốt thì sẽ cho bệnh nhi về với các khuyến cáo điều trị tại nhà.

Ở độ 2A (cũng là độ nhẹ) với biểu hiện có giật mình, sốt nhẹ hoặc gần với độ 2B với biểu hiện quấy khóc, bứt rứt, sốt cao kéo dài, giật mình thấy rõ... thì có chỉ định cho trẻ nhập viện. “Điều trị bệnh TCM chủ yếu là điều trị triệu chứng, từ độ 2B trở lên có thể có dùng kháng sinh điều trị theo phác đồ”- bác sĩ Đặng Thị Thu Vân cho biết.

Tuy nhiên, để đi đến độ 2B hay tới độ 3, tức ở trường hợp phải dùng kháng sinh thì việc điều trị rất tốn kém. Theo bác sĩ Đặng Thị Thu Vân, trong trường hợp như bé M. nói trên hoặc ca bệnh tương tự điều trị theo phác đồ và có chỉ định dùng kháng sinh, thì có khi trong 8 giờ phải dùng 4 lọ kháng sinh đặc trị với giá mỗi lọ gần 5 triệu đồng.

Về biểu hiện bệnh và các khuyến cáo đối với bệnh TCM, bác sĩ chuyên khoa II Phan Văn Năm- Phó Giám đốc BVĐK tỉnh cho biết, khi thấy trẻ sốt, nổi bóng nước ở lòng bàn tay/chân, loét miệng/lưỡi,... thì người nhà nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám, điều trị.

Còn với bệnh nặng, trẻ có biểu hiện sốt cao liên tục (không đáp ứng thuốc hạ sốt), giật mình chới với (có thể thấy rõ), thở nhanh bất thường, yếu liệt các chi, ói mửa,... thì nhanh chóng đưa trẻ vào bệnh viện cấp cứu.

“Vấn đề phát hiện sớm để can thiệp kịp thời, hạn chế bệnh chuyển độ nặng, sẽ giúp đảm bảo chất lượng điều trị là yếu tố đặt ra từ đầu đối với các phụ huynh trong phối hợp với cơ sở y tế xử trí bệnh TCM ở con em mình”- bác sĩ Phan Văn Năm nói.

Các bác sĩ chuyên khoa nhi vẫn đưa ra khuyến cáo rất quen thuộc, nhưng không thừa đối với việc phòng ngừa TCM đối với trẻ ở gia đình, trường học và trong cộng đồng. Đó là hạn chế cho trẻ lành tiếp xúc với trẻ bị TCM, rửa tay/chân sạch bằng xà phòng, vệ sinh đồ dùng dụng cụ, đồ chơi trong nhà và trường học.

Theo bác sĩ, người lớn cũng là nguyên nhân gây lây bệnh TCM ở con em mình, bằng việc cưng nựng một đứa trẻ nào đó (có thể) đã mắc TCM mà không hay, rồi vô tình về lây cho các trẻ khác (cũng qua ẵm bồng, cưng nựng)... Tuân thủ những điều nên làm trên, hạn chế những điều cần tránh đã nói, sẽ giảm nguy cơ mắc và lây lan TCM cho trẻ.

 

Trao đổi với bác sĩ Phan Văn Năm- Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Vĩnh Long, đến sáng 12/10, còn 23 ca bệnh nội trú điều trị TCM trong số 134 trường hợp điều trị nội trú các bệnh. Bệnh đông, nên bệnh viện phân loại và cho các trẻ nằm riêng biệt nhau để hạn chế lây lan. Biên chế giường bệnh của Khoa Nhi có 118, nhưng thực kê lên 180 giường. Đang vào mùa mưa dầm, lượng bệnh nhi mắc các bệnh về hô hấp nhiều, bệnh TCM đông như gần đây, đã gây quá tải.

 

  • ™Bài, ảnh: MINH THÁI