Bệnh xương khớp trở thành vấn đề đáng lo ngại toàn cầu

Cập nhật, 08:36, Thứ Hai, 02/05/2016 (GMT+7)

Bệnh xương khớp được xem là vấn đề y tế đáng lo ngại trên phạm vi toàn cầu và cũng đang tăng nhanh ở Việt Nam. 

Ngày càng nhiều người trẻ gặp các vấn đề về thần kinh cột sống. Ảnh: TT.
Ngày càng nhiều người trẻ gặp các vấn đề về thần kinh cột sống. Ảnh: TT.

Nghiên cứu về các bệnh cơ xương khớp thường gặp ở người dân tại TP HCM do bác sĩ Hồ Phạm Thục Lan và đồng nghiệp thực hiện cho thấy bệnh bắt đầu thể hiện rõ từ độ tuổi 40, trong đó tần suất chung của thoái hóa khớp là 66%, những vị trí thường gặp nhất gồm cột sống thắt lưng (43%) và khớp gối (35%).

Khoảng 23-29% phụ nữ Việt Nam trên 50 tuổi có triệu chứng loãng xương, tỷ lệ này tương đương với các nước Âu Mỹ. Hiện nay tỷ lệ người cao tuổi tăng nhanh tỷ lệ thuận với các bệnh về cơ xương khớp được xác định là một trong những vấn đề y tế quan trọng.

Theo Bác sĩ Paul D’Alfonso, chuyên gia thần kinh cột sống tại trung tâm Maple Healthcare, bệnh về xương khớp không chỉ là vấn đề đáng lo ngại của riêng Việt Nam mà còn ở các quốc gia có nền y học tiên tiến trên thế giới.

 Nghiên cứu sức khỏe quốc gia Mỹ (National Health Interview Survey NHIS) năm 2008 ghi nhận tần suất của bệnh cơ xương khớp trong dân số trưởng thành chiếm đến gần 50%.

Nhiều năm công tác trong lĩnh vực điều trị bệnh về thần kinh cột sống, bác sĩ Paul nhìn nhận thực tế hầu hết mọi người khi bị bệnh xương khớp  đổ lỗi cho tình trạng thoái hóa theo chu trình tự nhiên của cơ thể.

Tuy nhiên trong thực tế còn có rất nhiều nguyên nhân mang tính chủ quan khác như áp lực công việc, chế độ dinh dưỡng không hợp lý, thói quen ít vận động, tư thế làm việc và sinh hoạt không khoa học... cũng gây các bệnh về cơ xương khớp và đẩy nhanh quá trình lão hóa. Đó là lý do ngày càng nhiều người trẻ mắc các bệnh này.

Theo bác sĩ Paul, thông thường khi các cơn đau không quá nghiêm trọng, nhiều người chọn giải pháp sống chung với bệnh hoặc trông chờ vào hiệu quả giảm đau của thuốc, vật lý trị liệu.

Chỉ khi tình trạng đau đớn kéo dài ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống, họ mới chịu phẫu thuật. Đây được xem là giải pháp cuối cùng để giảm các cơn đau, tuy nhiên việc mổ xẻ tiềm ẩn nhiều rủi ro và nguy cơ tái phát hậu phẫu.

Xu hướng điều trị bệnh cột sống không dùng thuốc, không phẫu thuật ngày càng được nhiều người lựa chọn bởi tính an toàn và hiệu quả.

Từ khi chính thức hình thành vào năm 1985, phương pháp trị liệu thần kinh cột sống đã trở nên phổ biến tại 120 nước trên thế giới, riêng tại Mỹ, loại hình này xếp thứ hai trong nhóm dịch vụ sức khỏe lớn nhất. Vài năm trở lại đây, một số bác sĩ đã áp dụng phương pháp liệu thần kinh cột sống (Chirpractic) tại Việt Nam.

Bác sĩ Paul giải thích, tất cả chức năng trong cơ thể con người được điều khiển bởi hệ thần kinh. Khi sự căng thẳng ảnh hưởng xấu đến hệ thần kinh cản trở các hoạt động của cơ thể, gây ra các triệu chứng như đau lưng, đau đầu, tê nhức và nhiều vấn đề khác.

Sự mất cân bằng này có thể xuất phát từ tình trạng căng thẳng, trượt ngã, vận động sai tư thế, thói quen ngủ không đúng cách, tai nạn xe, tập thể dục quá sức, chấn thương do thể thao hoặc trong quá trình lao động.

Mất cân bằng cột sống gây sức ép lên đốt sống và hệ thần kinh, sinh ra các cơn đau và cảm giác khó chịu dai dẳng, ảnh hưởng đến khả năng hoạt động thường ngày.

Phương pháp trị liệu thần kinh cột sống dựa trên nguyên lý tác dụng lực lên hệ thần kinh cột sống của bệnh nhân, giúp nới lỏng và thư giãn các mô cơ, điều chỉnh cột sống trở về trạng thái bình thường và cân bằng, giải phóng các áp lực lên thần kinh cột sống.

Tùy từng bệnh nhân, bác sĩ có thể chỉ định thêm một số phương pháp vật lý trị liệu giúp tăng tuần hoàn máu. Chẳng hạn như chạy máy xung điện giúp giảm co thắt cơ bắp và giảm đau.

Chườm lạnh giúp giảm viêm và sưng tấy cơ. Phương pháp giảm áp cột sống giúp kéo giãn khoảng cách của các đĩa đệm, giảm áp lực lên các dây thần kinh. Mục đích cuối cùng là giúp cột sống hoạt động lại bình thường, các cơn đau sẽ tự nhiên biến mất.

Nhiều nghiên cứu tại Mỹ cho thấy trị liệu thần kinh cột sống mang lại hiệu quả cao trong điều trị đau cổ, đau lưng, đau đầu, thoát vị đĩa đệm, cong vẹo cột sống, thoái hóa và viêm khớp, đau thần kinh tọa, vai đông cứng, đau đầu gối, chân và gót chân, khuỷu tay, tê buốt chân, tay, giảm áp cột sống...

Phương pháp này không chỉ tập trung điều trị bệnh mà còn đề cao vai trò của việc thiết lập kế hoạch trong và sau điều trị. Bệnh nhân luôn được bác sĩ hướng dẫn tập thể dục, thay đổi các hoạt động thường ngày, thay đổi thái độ để để điều trị và ngăn ngừa các cơn đau mãn tính tùy vào thể trạng và bệnh lý của mỗi người.

Theo VNExpress