Phòng sốt xuất huyết và nguy cơ vi rút zika: Diệt muỗi, lăng quăng- không ai làm tốt bằng người dân

Cập nhật, 10:29, Thứ Sáu, 08/04/2016 (GMT+7)

Ngay lúc này, biện pháp quan trọng nhất để cắt đứt nguồn lây truyền bệnh do vi rút Zika trong cộng đồng là diệt lăng quăng, diệt muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết (SXH) và vi rút Zika. Đây là giải pháp quan trọng trong bối cảnh đã có ca bệnh do vi rút Zika xuất hiện tại Việt Nam vài ngày qua.

Trẻ chơi ban ngày cũng cần được quan tâm, nhắc nhở để tránh bị muỗi chích. Muỗi truyền bệnh SXH và vi rút Zika (nếu có) chích vào ban ngày, trong khi chúng ta chỉ mắc màn ngủ ban đêm.
Trẻ chơi ban ngày cũng cần được quan tâm, nhắc nhở để tránh bị muỗi chích. Muỗi truyền bệnh SXH và vi rút Zika (nếu có) chích vào ban ngày, trong khi chúng ta chỉ mắc màn ngủ ban đêm.

Bệnh do vi rút Zika là bệnh truyền nhiễm cấp tính từ người bệnh sang người lành qua muỗi Aedes. Muỗi Aedes vừa truyền bệnh do vi rút Zika vừa truyền bệnh SXH.

Bệnh do vi rút Zika có thời gian ủ bệnh 3- 12 ngày, người mắc bệnh thường có biểu hiện sốt, phát ban và một số triệu chứng khác như đau cơ, nhức đầu, đau mắt.

Khoảng 80% trường hợp nhiễm vi rút không có biểu hiện triệu chứng và hầu hết trường hợp mắc bệnh đều có khả năng hồi phục hoàn toàn.

Tính đến ngày 7/4, Việt Nam ghi nhận 2 trường hợp mắc bệnh do vi rút Zika, một tại tỉnh Khánh Hòa và một tại TP Hồ Chí Minh. Trường hợp mắc Zika ở TP Hồ Chí Minh là một phụ nữ 33 tuổi đang mang thai.

Đáng chú ý trường hợp mắc Zika ở Khánh Hòa là một phụ nữ trên 60 tuổi, làm việc nội trợ nên chủ yếu ở nhà. Bộ Y tế đang truy nguyên nguồn gốc mắc bệnh do vi rút Zika đối với những người này tại địa bàn.

Tại tỉnh Vĩnh Long, kế hoạch phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika cũng đã được xây dựng căn cứ 3 tình huống theo khuyến cáo Bộ Y tế.

Theo đó, tình huống 1: khi chưa ghi nhận ca bệnh tại tỉnh Vĩnh Long (tăng cường truyền thông trong cộng đồng về kiến thức, biện pháp phòng chống dịch bệnh Zika, giám sát phát hiện sớm ca bệnh nhằm xử lý triệt để, tránh lây lan ra cộng đồng); tình huống 2: khi có các ca bệnh rải rác tại tỉnh (khoanh vùng, xử lý kịp thời triệt để ổ dịch nhằm hạn chế thấp nhất việc lây lan ra cộng đồng); tình huống 3: khi dịch bệnh lây lan trong cộng đồng (đáp ứng nhanh, khoanh vùng, xử lý kịp thời nhằm giảm thiếu tối đa các trường hợp mắc, biến chứng, tử vong).

Ngày 2/4 vừa qua, UBND tỉnh đã tổ chức phát động chiến dịch “Người dân tự diệt muỗi, diệt lăng quăng phòng chống bệnh do vi rút Zika, SXH” trên toàn tỉnh.

Tại lễ phát động, lãnh đạo các huyện đã ký cam kết với BCĐ phòng chống dịch bệnh tỉnh về việc tăng cường các hoạt động phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika và SXH nói riêng, các dịch bệnh khác nói chung.

Theo đó, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long nhấn mạnh “công tác dự phòng là hết sức quan trọng trong phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika và SXH”.

Báo cáo đến ngày 3/4 của Trung tâm Y tế dự phòng, toàn tỉnh ghi nhận 264 ca bệnh SXH tính từ đầu năm, tăng nhẹ so cùng kỳ năm ngoái.

Theo bác sĩ Huỳnh Thanh Tân- Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng, đơn vị được giao tổ chức phối hợp giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh đến tận ấp, xã, phường, hộ gia đình; củng cố các đội chống dịch cơ động, hỗ trợ các địa phương khi cần thiết; triển khai điều tra, xử lý triệt để ổ dịch; triển khai chiến dịch diệt lăng quăng, phun hóa chất chủ động những nơi có nguy cơ cao; thường trực chống dịch để sẵn sàng điều tra, xử lý ổ dịch.

Bác sĩ Trần Văn Út- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Long- cho rằng phòng chống dịch bệnh nói chung và bệnh do vi rút Zika là trách nhiệm chung của các cấp, ngành và toàn thể cộng đồng.

Về cam kết giữa các huyện với BCĐ phòng chống dịch bệnh của tỉnh, bác sĩ Trần Văn Út đề nghị trung tâm y tế phối hợp với phòng y tế các huyện và các đơn vị y tế trên địa bàn thực hiện tốt kế hoạch phòng chống dịch bệnh, mà trước hết là tập trung chiến dịch “người dân tự diệt muỗi và lăng quăng để phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika và SXH”.

Ông Trần Hoàng Tựu- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long- đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể tích cực tham gia chiến dịch.

Yêu cầu toàn thể nhân dân hưởng ứng mạnh mẽ bằng những việc làm cụ thể hàng ngày nhằm diệt muỗi, diệt lăng quăng để phòng ngừa ngay từ đầu dịch bệnh SXH lây lan, cũng như nguy cơ bệnh do vi rút Zika có thể xảy ra.

Để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, mọi người, mọi nhà hãy tích cực chủ động diệt muỗi, diệt lăng quăng tại hộ gia đình mình. Không có lăng quăng sẽ không có SXH và bệnh do vi rút Zika. “Không ai làm tốt việc này bằng chính người dân”- Phó Chủ tịch Trần Hoàng Tựu nhấn mạnh.

Trước 2 ca bệnh vừa ghi nhận mới đây, hiện các đơn vị thuộc Bộ Y tế đang tập trung truy tìm nguồn lây bệnh do vi rút Zika. Bộ Y tế ngày 5/4 cũng đã ban hành hướng dẫn tạm thời chăm sóc phụ nữ mang thai trong bối cảnh dịch bệnh do vi rút Zika.

Bài, ảnh: MINH THÁI