Cẩn thận với "bác sĩ mạng"

Cập nhật, 14:29, Thứ Năm, 31/03/2016 (GMT+7)

Thời công nghệ, mọi người ai cần gì thì cứ “hỏi anh google”, nhất là thói quen “thăm, khám” sức khỏe thường xuyên trên mạng. Về điều này, chưa hẳn đã chính xác hoàn toàn mà có khi còn gây hại.

Sức khỏe là quan trọng hàng đầu, nhất là trẻ nhỏ không nên tự khám bệnh trên Internet. (Ảnh mang tính minh họa)
Sức khỏe là quan trọng hàng đầu, nhất là trẻ nhỏ không nên tự khám bệnh trên Internet. (Ảnh mang tính minh họa)

Thăm, khám “bác sĩ mạng”

Tìm kiếm thông tin sức khỏe trên mạng ngày một phổ biến. Đối với không ít người, nếu có vấn đề về sức khỏe thì chẳng cần đi khám bác sĩ cho mất thời gian, chỉ việc lên google gõ vài từ khóa là có thể tự chẩn đoán rồi mua thuốc uống là xong.

Gần đây, chị H.A. rất ám ảnh căn bệnh ung thư chết người, nên hễ cơ thể có gì lạ là lập tức lên thăm, khám anh bạn “bác sĩ” thân thiết là Internet. Chị tìm hiểu nguyên nhân, dấu hiệu và phương pháp điều trị cũng như cách phòng tránh trên mạng để tự chẩn đoán cho mình.

“Dạo này mỗi ngày lên mạng là tôi thấy rất nhiều các thông tin về bệnh ung thư. Tôi thật sự sợ hãi, hễ có bài thuốc nào được đăng trên mạng là ngay lập tức tôi chia sẻ về trang cá nhân để dành.

Thông tin nhiều đến nỗi tôi không biết cái nào là đúng nhất, nhiều khi các thông tin còn mâu thuẫn với nhau, nhưng thông qua Internet tôi cũng biết rõ hơn về căn bệnh này để bớt hoang mang”- chị H.A chia sẻ.

Rất nhiều bà bầu và các bà mẹ trẻ nuôi con nhỏ cũng là “khách hàng” thân quen của “bác sĩ mạng”. Có thể nói, hàng ngày, hàng giờ khi có bất cứ vấn đề gì các chị em cũng lên google để tìm hiểu, thậm chí nhiều trường hợp các chị còn tin tưởng tuyệt đối google hơn cả kinh nghiệm của ông bà cha mẹ về cách chăm sóc con nhỏ, cách nuôi dưỡng thai nhi, thậm chí điều đó còn gây mâu thuẫn trong quan hệ gia đình.

Có thể thấy là đối tượng thường bắt bệnh trên mạng phần đông là chị em phụ nữ vì tâm lý hay lo lắng, sợ sệt và e ngại đi khám bệnh tại các cơ sở y tế. Nhiều phụ nữ đã sống trong sợ hãi, lo lắng, đau khổ nhiều năm liền vì tưởng mình bị bệnh khi tra cứu thông tin trên mạng.

Do yếu tố tâm lý tác động nên khi tra cứu thông tin sức khỏe trên Internet, người ta thường tự chẩn đoán mình có khả năng mắc bệnh nặng và rất sợ sự thật nên không can đảm đối diện.

Không nên lạm dụng

Việc đánh giá và lựa chọn những thông tin chính xác và phù hợp qua mạng Internet không phải là vấn đề dễ dàng, nhất là lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Những thông tin sai lệch có thể gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và tính mạng con người.

Thời gian gần đây, nhiều bệnh viện liên tục tiếp nhận những ca biến chứng do bệnh nhân lướt web tìm thông tin về triệu chứng bệnh rồi tự chữa trước khi đến bác sĩ khám.

Sức khỏe của con người vô cùng quan trọng, trong thời đại Internet, có thể tìm hiểu hay nhờ bác sĩ tư vấn, nhưng cụ thể thế nào thì phải trực tiếp đi khám tìm ra nguyên nhân và cách điều trị phù hợp.

Có trường hợp của một chị khi thấy con gái 3 tuổi của mình bị nổi vài cục hạch nhỏ ở sau gáy và cổ, ngay lập tức chị lên mạng tra cứu thông tin và vào diễn đàn chia sẻ với các mẹ khác thì nhận được nhiều thông tin cho là chị quá lo xa, con họ đứa nào cũng bị vậy, đó là những hạch bạch huyết rất bình thường của cơ thể.

Chị lấy đó làm yên tâm, bẵng đi thời gian sau, khi các cục hạch bị rỉ mủ, cả nhà hốt hoảng lập tức đưa đi nhập viện thì được bác sĩ thông báo là bé bị lao hạch và do để quá lâu bị biến chứng. Bà mẹ trẻ được một phen sợ hãi nhớ đời, cũng may là bé không bị nguy hiểm đến tính mạng.

Tự ý dùng thuốc cho trẻ em là đặc biệt nguy hiểm vì theo các bác sĩ nhi khoa, trẻ em có sức đề kháng kém, các biểu hiện bệnh lại không rõ ràng, dễ nhầm lẫn giữa các bệnh với nhau. Vì vậy, khi cha mẹ tự ý chữa bệnh cho con theo kiểu “lướt mạng” thì khó thể đúng bệnh. Mà ngay cả khi đúng bệnh thì tùy từng trẻ sẽ có đơn thuốc khác nhau.

Theo các bác sĩ, không ít thông tin về y tế, sức khỏe trên mạng bị “nhiễu” vì mục đích kinh doanh của các công ty dược hay phòng khám tư. Nhiều người lợi dụng diễn đàn để quảng cáo sản phẩm của mình khiến người tiêu dùng lầm tưởng đó là thông tin y tế chính thống.

Việc tìm hiểu thông tin chăm sóc sức khỏe trên Internet là rất nên làm, rất có lợi để bổ sung kiến thức cho bản thân, nhưng cần hiểu thông tin ấy chỉ chung chung, không nên coi đó là vị “bác sĩ” đáng tin cậy để khám và chữa bệnh, nhất là đối với trẻ nhỏ.

Bài, ảnh: HẢI YẾN