Chưa thể chuyển đổi Trung tâm thành Bệnh viện Phục hồi Chức năng

Cập nhật, 16:35, Thứ Bảy, 27/12/2014 (GMT+7)

Đến nay, Trung tâm Điều dưỡng và Phục hồi Chức năng tỉnh Vĩnh Long, chưa thể đổi tên thành Bệnh viện Phục hồi Chức năng. Nguyên nhân là do cơ sở vật chất hiện vẫn còn mượn của Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật rất chật hẹp nên chưa triển khai được các thiết bị kỹ thuật điều trị chuyên khoa sâu; chưa đáp ứng được nhu cầu điều trị vật lý trị liệu- phục hồi chức năng của người bệnh trong toàn tỉnh ngày càng tăng.


Phòng tập vật lý trị liệu

Trong điều kiện khó khăn kéo dài nhiều năm nhưng Trung tâm Điều dưỡng và Phục hồi Chức năng đã làm tốt công tác chuyên môn ở tuyến tỉnh cũng như phủ đều ở tuyến cơ sở.

Đặc biệt, công tác hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học, thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học như: Ứng dụng, cải tiến khoa học kỹ thuật làm hệ thống kéo giãn khớp gối và cổ bàn chân bằng tạ thay cho kỹ thuật kéo giãn bằng tay trong điều trị các trường hợp tổn thương gây cứng khớp gối, co rút gân gót của bệnh nhân; khảo sát đánh giá hoạt động phục hồi chức năng - chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng giai đoạn 1994- 2014 tại tỉnh Vĩnh Long; phân tích thực trạng, nhu cầu dịch vụ phục hồi chức năng, mạng lưới phục hồi chức năng dịch vụ cộng đồng hiện tại và đề xuất quy hoạch phát triển phục hồi chức năng giai đoạn 2015- 2020, định hướng đến năm 2030 mô hình phục hồi chức năng cho phù hợp với người khuyết tật...

Hiện toàn tỉnh đang quản lý 30.958 người khuyết tật, chiếm 2,91% dân số. Trong đó, trẻ em từ 0 đến 15 tuổi: 1.579 người.

Tin, ảnh: QUANG THUẦN