71% bệnh nhân sảng rượu cảm xúc không ổn định

Cập nhật, 07:53, Thứ Sáu, 26/12/2014 (GMT+7)

Đó là một trong nhiều đặc điểm lâm sàng ở 31 bệnh nhân sảng rượu điều trị tại Khoa Tâm thần- Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long (tháng 1- 11/2014). Các kết quả khác còn có: mất ngủ chiếm 100%, chán ăn 80,6%, mệt mỏi 74,2%, ảo thị 67,4%, hoang tưởng bị hại 61,3%.

Theo nhận định, dù đây là khảo sát trong phạm vi nhỏ, thời gian ngắn, nhưng kết quả rất đáng tham khảo. Nông dân chiếm 38,7% trong số đối tượng mắc sảng rượu, kế đến là thất nghiệp, nghề tự do.

Đáng chú ý trong phạm vi khảo sát có 9,7% đối tượng sảng rượu là công chức, viên chức. Số lượng rượu ở nhóm bệnh nhân được khảo sát có uống từ 600- 1.000ml rượu mỗi ngày, chiếm 58,1%, và uống kéo dài 5- 10 năm chiếm 65,5%.

Kết quả điều trị sảng rượu hồi phục ở mức trung bình và kém chiếm 16,1%, còn lại hầu hết điều trị khá, tốt và không có trường hợp tử vong. Sảng rượu được điều trị sớm, tích cực, hợp lý sẽ làm thay đổi tần suất xuất hiện của một số triệu chứng, hội chứng và có kết quả điều trị khả quan hơn.

DĨ HIÊN