Chung tay vì một xã hội không bạo lực gia đình

Cập nhật, 05:48, Chủ Nhật, 16/07/2023 (GMT+7)
Thư viện tỉnh giới thiệu sách về công tác gia đình.
Thư viện tỉnh giới thiệu sách về công tác gia đình.

(VLO) Bạo lực gia đình (BLGĐ) không chỉ tổn thương về sức khỏe và tinh thần mà còn khiến cho không ít gia đình tan vỡ, đẩy những đứa trẻ vào cảnh ly tán... Trong những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã quan tâm đưa nội dung công tác gia đình vào chương trình, kế hoạch công tác trong nhiệm kỳ, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của gia đình và phòng, chống BLGĐ.

Xây dựng tính gương mẫu ở mỗi gia đình

BLGĐ là hành vi cố ý gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế của thành viên này đối với thành viên khác trong gia đình.

Điều tra quốc gia bạo lực với phụ nữ được Bộ Lao động-TB-XH, Tổng cục Thống kê, Quỹ Dân số Liên hiệp quốc tại Việt Nam thực hiện, công bố năm 2020 cho thấy: Có 31,6% phụ nữ phải chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong 12 tháng.

Đáng chú ý có 90,4% phụ nữ bị BLGĐ không tìm kiếm sự giúp đỡ; chỉ 4,8% tìm kiếm sự giúp đỡ của công an. 

Nguyên nhân của BLGĐ xuất phát từ gia đình chưa no ấm; chưa làm tốt chức năng kinh tế, tổ chức đời sống, đảm bảo các nhu cầu: ăn, mặc, ở, học tập, chữa bệnh, giải trí, hưởng thụ văn hóa.

Gia đình chưa bình đẳng trong lao động, sinh hoạt, hưởng thụ; thiếu quan tâm chăm sóc, tôn trọng nhau; còn phân biệt đối xử. BLGĐ cũng do gia đình chưa hạnh phúc; mọi thành viên trong gia đình chưa thật đoàn kết, thương yêu, tôn trọng nhau; không có sự trao truyền văn hóa cho thế hệ sau…

Thành quả nổi bật trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” là phát huy tinh thần tự giác của người dân trong thực hiện chính sách pháp luật của nhà nước góp phần đẩy lùi nạn BLGĐ.

Các ngành đoàn thể trong tỉnh thành lập nhiều CLB với những nội dung phong phú, đa dạng trong việc xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, bình đẳng, hạnh phúc.

Trong đó, hội LHPN các cấp với vai trò đoàn thể bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ đã xây dựng nhiều CLB sinh hoạt mang tính cộng đồng, giáo dục cao.

Thông qua các buổi sinh hoạt, các thành viên đã lồng ghép, tuyên truyền một cách khéo léo, hiệu quả những quy định của pháp luật.

Đây chính là những tuyên truyền viên tạo hiệu ứng tích cực để người dân có thêm nhiều kiến thức, gương mẫu nuôi dạy con cái, xây dựng gia đình hạnh phúc, giảm thiểu tình trạng BLGĐ.

Xã Mỹ An (Mang Thít) là một trong những địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền. Bà Nguyễn Thị Hồng Vân- Chủ tịch Hội LHPN xã Mỹ An, cho biết: Trên địa bàn xã có 9 CLB gia đình phát triển bền vững với 225 thành viên và 9 nhóm công tác phòng chống BLGĐ. Hiện nay ở xã chưa có trường hợp nào xảy ra BLGĐ, tỷ lệ gia đình văn hóa đạt trên 95%.

Việc xây dựng ý thức được ươm mầm từ thế hệ trẻ. Ông Bùi Tiến Hưng- Giám đốc Công ty TNHH Giáo dục và đào tạo Thiên Niên Kỷ (TP Hồ Chí Minh) trao đổi cùng các em học sinh chuyên đề phòng chống bạo lực học đường, BLGĐ.

Ông Bùi Tiến Hưng kể: “Những câu chuyện kể, những bài học nhỏ mà “mưa dầm thấm lâu” để nhân cách các em dần hoàn thiện.

Tham gia nhiều chương trình “Học kỳ quân đội”, có em rất nghịch ngợm, nhưng qua những bài học về gia đình, các em khóc thật nhiều khi bộc lộ tình cảm cho ba mẹ bằng cách viết thư, kể chuyện… Ý thức được xây dựng thì các em chính là người xây những mái ấm hạnh phúc, không BLGĐ trong tương lai”.

Tăng cường trách nhiệm ngăn chặn BLGĐ

Theo Sở Văn hóa-TT-DL, thời gian qua công tác phòng, chống BLGĐ ngày càng được các cấp, các ngành quan tâm.

Nhiều mô hình, đề án, CLB được triển khai, nhân rộng ở các địa phương. Riêng ngành văn hóa đã triển khai, nhân rộng mô hình can thiệp phòng, chống BLGĐ và đề án tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam tại 104/107 xã, phường, thị trấn.

Các địa phương đã thành lập 696 CLB gia đình phát triển bền vững, 562 nhóm phòng, chống BLGĐ, 752 tổ hòa giải cơ sở…

Năm qua, các CLB gia đình phát triển bền vững và nhóm phòng, chống BLGĐ đã tổ chức sinh hoạt được khoảng 10.000 cuộc, ước khoảng 150.400 lượt người tham dự.

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác phòng, chống BLGĐ, UBND tỉnh đã ký Quyết định số 1324 ban hành Kế hoạch thực hiện chương trình về phòng, chống BLGĐ trong tình hình mới đến năm 2025. Mục tiêu đến năm 2025, đạt 40% số hộ gia đình tham gia các buổi nói chuyện chuyên đề về phòng, chống BLGĐ; phấn đấu đạt trên 70% người có nguy cơ bị BLGĐ được trang bị kiến thức, kỹ năng về ứng phó khi bị BLGĐ; phấn đấu đạt 95% những người bị BLGĐ khi phát hiện được bảo vệ, trợ giúp pháp lý và chăm sóc sức khỏe. Cùng với đó, 95% xã, phường, thị trấn duy trì mô hình phòng, chống BLGĐ…

Tham gia cuộc thi tìm hiểu kiến thức về “Xây dựng gia đình văn hóa, hạnh phúc bền vững”, anh Thạch Mo Nát (xã Đông Bình, TX Bình Minh) xây dựng tiết mục “Duy trì hạnh phúc gia đình”, kể câu chuyện có thật ở ấp Phù Ly 1, xã Đông Bình, có một anh trong xóm thất nghiệp do dịch COVID-19, ở nhà la rầy, đánh đập vợ con.

Nhờ thành viên CLB gia đình phát triển bền vững giúp đỡ, tuyên truyền, anh vượt qua thử thách cuộc sống, ích kỷ của bản thân, xây dựng gia đình hạnh phúc. “Chúng tôi muốn truyền tải thông điệp không BLGĐ, yêu thương, đoàn kết, sẻ chia giúp chúng ta vượt qua hết mọi khó khăn trong cuộc sống”- anh Mo Nát cho biết.

Giám đốc Sở Văn hóa-TT-DL Vĩnh Long Phan Văn Giàu, cho biết, hàng năm, BCĐ công tác gia đình cấp tỉnh, huyện đều tổ chức kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện công tác gia đình tại các địa phương, nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc của địa phương, đề ra giải pháp nhằm hỗ trợ địa phương thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam.

“Mỗi cá nhân hãy cùng nhau vun vén cho gia đình ngày càng phát triển bền vững, cùng chung tay xây dựng gia đình bình an- xã hội hạnh phúc”, ông Phan Văn Giàu, nhấn mạnh.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ