Ôn thi "nước rút"- đừng học kiểu ôm đồm

Cập nhật, 10:52, Thứ Tư, 20/06/2018 (GMT+7)
Ngày 24/6 tới, kỳ thi THPT quốc gia sẽ bắt đầu. Trong ảnh: BCĐ kỳ thi THPT quốc gia tại Vĩnh Long kiểm tra cơ sở vật chất tại một điểm thi.
Ngày 24/6 tới, kỳ thi THPT quốc gia sẽ bắt đầu. Trong ảnh: BCĐ kỳ thi THPT quốc gia tại Vĩnh Long kiểm tra cơ sở vật chất tại một điểm thi.

Cùng với các thí sinh trong cả nước, hơn 10.500 thí sinh Vĩnh Long sắp bước vào kỳ thi THPT quốc gia. Ở giai đoạn “nước rút” này, ngoài kiến thức thì bản lĩnh, sự tự tin là yếu tố quan trọng góp phần quyết định kết quả thi.

Đừng học tràn lan

Những ngày ôn thi cuối cùng, học sinh đôi lúc cảm thấy chán nản, hoang mang vì không biết mình đã ôn luyện đủ hay chưa? Theo các chuyên gia tâm lý, thời gian 5-7 ngày trước thi, thí sinh không nên học tràn lan vì không thể nhớ hết mà còn tự tạo áp lực cho mình.

Thầy Nguyễn Bá Tường- Hiệu trưởng Trường THPT Lưu Văn Liệt (TP Vĩnh Long) cho ý kiến về môn Toán do thầy giảng dạy: Môn Toán thi trắc nghiệm, bài thi có 50 câu được làm trong 90 phút, tương ứng 1,8 phút cho mỗi câu.

Thời gian ngắn thì đề sẽ không quá phức tạp để các em giải nhanh. Thầy Tường nói thêm: “Ôn thi môn Toán, học sinh ngoài rèn kỹ năng giải nhanh cần hiểu các dạng câu hỏi cần giải toán trên máy tính, giải trên máy tính kết hợp suy luận hay chỉ cần suy luận”.

Điều quan trọng mà thầy Tường cũng như các giáo viên ôn môn tự nhiên cho là thí sinh nên nắm vững là kiến thức chung. Những công thức Toán, Lý, Hóa, Sinh dù là cơ bản nhưng là nền tảng của mọi vấn đề.

Đầu tiên, các em nên lướt lại toàn bộ kiến thức cần thiết cho kỳ thi, có thể xây dựng dưới dạng sơ đồ, sau đó xem phương pháp của mỗi dạng bài, câu hỏi. Nguyễn Cao Phong- thí sinh có điểm thi tốt nghiệp cao nhất năm 2017- chia sẻ: “Khi đi thi, đừng nghĩ mình sẽ được bao nhiêu điểm mà hãy nghĩ mình sẽ cố gắng hết sức”.

Nguyên tắc chung của những bài thi trắc nghiệm là “không bỏ sót câu trả lời nào” dù biết hay không biết, câu dễ làm trước, khó làm sau. Điểm lưu ý là không nên quá lệ thuộc vào máy tính ở những bài toán cơ bản, điều này sẽ làm mất thời gian dễ dẫn đến không kịp làm hết bài thi.

Đối với môn Ngữ văn, phần đọc hiểu thí sinh cần nắm vững cấu trúc yêu cầu của các câu hỏi. Đừng quên nghiên cứu những văn bản gần đây có tính thời sự cao.

Với đoạn văn ngắn không cần viết dài, tránh mất thời gian. Đối với cách ôn cho bài nghị luận văn học là nhớ ý chính các tác phẩm và không quên làm đề cương trước khi làm bài thi.

Học sinh lớp 12A1, Trường THCS- THPT Hòa Bình (Trà Ôn) trong những ngày ôn thi cuối cùng.
Học sinh lớp 12A1, Trường THCS- THPT Hòa Bình (Trà Ôn) trong những ngày ôn thi cuối cùng.

Tâm lý vững, điểm số cao

Chuyên gia tâm lý TS. Huỳnh Anh Bình- Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp TP Hồ Chí Minh- vừa có đợt tư vấn tâm lý cho thí sinh tỉnh Vĩnh Long tham gia kỳ thi THPT quốc gia 2018.

Theo TS. Huỳnh Anh Bình, việc chuẩn bị tâm lý tốt sẽ có kết quả tốt. Một trong những lưu ý quan trọng là thí sinh đừng tự tạo ra áp lực cho bản thân.

Nên nhớ, sự ổn định về mặt tâm lý trước khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia sẽ giúp các em hoàn thành bài thi một cách hiệu quả nhất.

Rất nhiều thí sinh tự tạo ra áp lực trước kỳ thi và điều này tất yếu dẫn đến kết quả bài làm đi ngược lại sự kỳ vọng và những nỗ lực của bản thân. Chính các tác nhân bên ngoài như: phòng thi, cách thi, nội dung thi,… là những yếu tố gây ra sự xáo trộn tâm lý của các em.

“Do vậy, các em cần tìm hiểu kinh nghiệm của các anh chị đi trước, môi trường phòng thi có những gì… sẽ giúp các em tự tin, xóa đi bỡ ngỡ và bình ổn về mặt tâm lý khi bước vào kỳ thi trọng đại”- TS. Anh Bình nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, để đạt tâm lý tốt trong phòng thi, TS. Huỳnh Anh Bình khuyên thí sinh nên chuẩn bị đầy đủ mọi thứ từ sớm. Hãy chào đón ngày thi với tâm trạng nhẹ nhàng, tập trung ôn tập môn thi tiếp theo hoặc nghỉ ngơi để tái tạo năng lượng thay vì day dứt về kết quả đã qua và nên dùng nước suối, sô-cô-la và đến sớm 30 phút!

“Các em nhớ phải tháo hết nhãn hiệu nước suối, sô-cô-la và báo với các thầy cô giám thị phòng thi nhé”- TS. Anh Bình cười.

Nếu trong lúc làm bài, các em cảm thấy lo sợ và nếu càng cố gắng, càng suy nghĩ thì các em sẽ càng bế tắc nhiều hơn, TS. Huỳnh Anh Bình nói: “Các em nên thực hiện một vài động tác sau: hãy nhắm mắt lại, úp mặt xuống bàn và ngừng suy nghĩ về bài thi 15 giây, hít thở sâu, đều đặn, để đầu trống rỗng và thanh thản. Sau đó, từ từ mở mắt ra và bắt đầu làm bài tiếp”.

Bài tập này sẽ giúp não quay trở lại trạng thái cân bằng và chắc chắn các em sẽ sáng suốt hơn để tháo gỡ những rắc rối trong bài làm.

Ôn tập đúng cách, vừa sức, nhẹ nhàng sẽ tạo cho thí sinh tâm lý thoải mái nhất, bình tĩnh nhất để “vượt vũ môn” với phong độ cao nhất có thể.

Những điểm tựa tinh thần

Thí sinh luôn mong mỏi tìm được một chỗ dựa về mặt tinh thần và “địa chỉ” tin cậy để các em lựa chọn đầu tiên, động lực thúc đẩy các em nỗ lực hơn là cha mẹ và thầy cô. Vì vậy, thầy cô và cha mẹ hãy đóng vai trò là người giúp đỡ, người định hướng và là người bạn đồng hành với các em.

 

 

Bài, ảnh: CAO HUYỀN