Học thêm hè- nên hay không?

Cập nhật, 21:17, Thứ Tư, 13/06/2018 (GMT+7)

Sau khi hoàn thành chương trình học chính khóa, học sinh có một khoảng thời gian nghỉ ngơi để bắt đầu cho năm học mới. Tuy nhiên, mỗi khi hè về, câu chuyện học thêm luôn có nhiều ý kiến trái nhau. Nên hay không nên?

Lứa tuổi học sinh tiểu học cần có sự cân bằng giữa học và chơi.
Lứa tuổi học sinh tiểu học cần có sự cân bằng giữa học và chơi.

Học thêm từ cấp tiểu học

Mới vừa kết thúc năm lớp 1, chị Nguyễn Hồng Đào (xã Thanh Đức- Long Hồ) đã tính đến chuyện cho con đi học thêm 3 môn là Toán, Tiếng Việt và Tiếng Anh.

Chị cho biết, chương trình mới bây giờ khác xa với lúc bậc cha mẹ đi học nên có nhiều kiến thức mình không thể dạy kèm ở nhà. Trong khi đó, việc đòi hỏi con mình học tốt tại lớp, đặc biệt là mỗi đầu năm học là rất cao nên bắt buộc phải cho con đi học thêm.

“Trẻ vào lớp mà thiếu kỹ năng làm toán, tiếng Việt đọc chưa chạy thì coi như là thua sút bạn bè. Tôi tham khảo ý kiến của nhiều bậc cha mẹ khác, họ cũng cho con đi học thêm hè, để biết trước các kiến thức nhằm chuẩn bị cho con vào đầu năm học mới trơn tru, hoàn thiện hơn”- chị Đào chia sẻ.

Tương tự, chị Nguyễn Thanh Tâm (Phường 4- TP Vĩnh Long) cho hay, cũng mới vừa đăng ký cho con gái môn Toán và Tiếng Anh để cháu chuẩn bị vào lớp 5. “Việc học thêm hè đã kéo dài từ lúc cháu mới vào lớp 1.

Bởi kiến thức và yêu cầu của lớp học hiện nay cao. Dù biết là tuổi con bây giờ là tuổi ăn, tuổi chơi nhưng nhu cầu hiện nay như thế cũng phải chấp nhận. Có chăng là cho cháu nghỉ khoảng tuần lễ để đi du lịch cho khoây khỏa tinh thần”- chị Tâm cho biết.

Việc học thêm, học thêm hè đối với bậc tiểu học đã có nhiều ý kiến trái chiều nhau. Bộ GD- ĐT quy định cấm dạy thêm học thêm ở bậc tiểu học, song tình hình thực tế vẫn còn diễn ra, thậm chí là nhu cầu học thêm ngày càng nhiều.

Một giáo viên dạy tiểu học vừa về hưu cho biết, nhu cầu cho con đi học thêm của các bậc phụ huynh là có thật. Các phụ huynh cho rằng đi học thêm như vậy sẽ giúp con mình tiếp cận nhanh với các kiến thức trong năm học mới. Hơn nữa, cũng giúp các cháu mạnh dạn, không bị bạn bè bỏ xa.

“Tuy nhiên, học ở mức độ nào, học môn gì và cân bằng giữa việc học và chơi, nhất là trong thời gian nghỉ hè là chuyện các bậc phụ huynh phải tính đến, tránh gây áp lực có thể dẫn đến trẻ bị suy nhược cơ thể, tinh thần…”- vị giáo viên này cho biết.

Ôn- rèn phải có quá trình

Chuyện học thêm đã nhận nhiều ý kiến trái chiều nhau, người cho rằng học sinh chỉ cần học tốt chương trình trên lớp, còn học thêm chỉ nên học các môn kỹ năng, ngoại ngữ,…

Có ý kiến khác cho rằng học thêm để các em củng cố kiến thức đã học, làm quen với nhiều đề minh họa, giúp nâng cao kỹ năng làm bài,… Song, một số ý kiến cho rằng, việc ôn tập, rèn luyện và cho con em đi học thêm phải có quá trình.

Trao đổi với một giáo viên Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, giáo viên này cho biết, ở mỗi lứa tuổi, các em sẽ có những nhu cầu vui chơi, giải trí và học tập khác nhau.

Nhưng làm thế nào để các em vừa chơi vừa học hiệu quả là việc hết sức khó khăn. Một vấn đề mà hiện nay đa số phụ huynh mắc phải là cố cho con mình đi học thêm, mặc dù cũng không nắm rõ là cháu học có hiệu quả hay không.

 Việc học tập, rèn luyện và ngay cả chuyện học thêm là cả một quá trình, cần có định hướng đúng đắn.  Ảnh minh họa
Việc học tập, rèn luyện và ngay cả chuyện học thêm là cả một quá trình, cần có định hướng đúng đắn. Ảnh minh họa

“Ví dụ ở lứa tuổi tiểu học, cha mẹ có thể kèm thêm môn Toán tại nhà, vì cấp học này quan trọng nhất vẫn là Tiếng Việt, các em cần phải đọc, hiểu và rành mạch Tiếng Việt. Đây là nền tảng để các em học tốt các môn khác ở các bậc học khác. Còn ngoại ngữ, nếu có nhu cầu, có thể cho cháu đi học thêm, học giao tiếp cơ bản…”- giáo viên này chia sẻ.

Trong khi đó, một giáo viên có nhiều năm kinh nghiệm trong việc giảng dạy và kèm học sinh giỏi ở Phường 1 (TP Vĩnh Long) cho biết, chương trình học tại lớp hiện nay đã tương đối đầy đủ và học sinh chỉ cần tập trung học tốt trên lớp.

Tuy nhiên, giáo viên này cũng chia sẻ, phải xem việc đi học, ôn tập, rèn luyện của học sinh là một quá trình lâu dài: “Theo kinh nghiệm tích cóp lại, ở lứa tuổi tiểu học, nhất thiết các em phải học tốt môn Tiếng Việt, sang cấp THCS các em cần tập trung cho môn Ngoại ngữ và một số môn định hướng. Qua THPT, cần đẩy mạnh các môn đã định hướng trước đó như Ngữ văn, Toán hay Hóa học, Vật lý,… để có cơ hội thi đậu vào các trường ĐH, hướng đến nghề nghiệp trong tương lai”.

Bài, ảnh: KHÁNH NGUYỄN