Nhức nhối nhà vệ sinh bẩn

Cập nhật, 05:54, Thứ Tư, 19/10/2016 (GMT+7)

Tình trạng nhà vệ sinh (NVS) mà kém vệ sinh ở nhiều trường học khiến học sinh (HS) e ngại không dám sử dụng. Nhiều phụ huynh cho rằng, NVS đáng lý ra phải được lau dọn thường xuyên hơn để không còn cảnh HS sợ mà… “nhịn” đi vệ sinh.

Thà “nhịn” còn hơn

Là “công trình phụ” ít ai để ý, thế nhưng nhà vệ sinh học đường lại là chuyện cực kỳ quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của HS.

Vấn đề NVS dơ, bẩn không còn là điều hiếm thấy ở nhiều trường học, thậm chí có thể nói là rất kém vệ sinh. Người viết có dịp khảo sát một số NVS ở một số trường học, ở cả trung tâm TP Vĩnh Long và các địa bàn huyện, quả thật, NVS rất… kém vệ sinh, đến không thể tả nổi.

Tại Trường Tiểu học T.Đ. (ở Long Hồ), NVS tương đối mới nhưng không được lau dọn, không có nước dội rửa ngay ở trong NVS và các máng nước dành để rửa tay, HS sau khi “chịu khó” đi vệ sinh xong cũng không biết… rửa tay ở đâu và lấy gì để dội rửa?

Một HS lớp 4 Trường Tiểu học N.D. (Phường 1- TP Vĩnh Long) tỏ ra khá bức xúc khi miêu tả về NVS trong trường học, giống… “cái chuồng gà”.

Bản thân HS này cũng cho biết mình thường “nhịn” đi vệ sinh trong trường. “Nhiều bạn cũng ngại đi vệ sinh vì sợ dơ, có bạn ráng nhịn cho đến khi tan học…”

Trong khi đó, chị H.P. cho biết, chị đã vào thử NVS (một trường tiểu học trên địa bàn TP Vĩnh Long) sau khi nghe con phản ánh. Chị cho biết quả đúng là NVS rất bẩn, mùi hôi nặng.

Ngay cả máng rửa tay cũng không có nước lẫn vòi nước.
Ngay cả máng rửa tay cũng không có nước lẫn vòi nước.

Theo chị, NVS dơ khiến nhiều HS, nhất là HS nữ không dám vào, hoặc vào nhưng “phải ngồi xổm” rất nguy hiểm vì dễ té do trơn trợt hoặc bẩn cả mặt bàn cầu, còn nước thì không đủ để dội nên đã dơ lại càng dơ hơn…

Tại hội nghị tổng kết năm học 2015- 2016, vấn đề NVS được nhiều đại biểu quan tâm, bởi đây là một trong những yếu tố góp phần nâng cao chất lượng GD-ĐT.

Thầy Lý Đại Hồng- Phó Giám đốc Sở GD- ĐT cho rằng, nhiều HS không “chịu đi vệ sinh vì sợ bẩn”, vậy làm sao để NVS hoàn thành tốt công năng của mình đang là một vấn đề đặt ra.

Còn thầy Phạm Văn Báo- Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức tỉnh cho rằng, NVS bẩn chính là nguyên nhân chính khiến HS “nhịn” đi vệ sinh và như vậy có thể sẽ dễ mắc phải một số bệnh.

Với môi trường học tập tốt nhưng lại có một yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe như thế thì chưa thể gọi là hoàn thiện.

Theo thầy Phạm Văn Báo, NVS được lau dọn sạch sẽ như ở nhà được nhiều phụ huynh đặt vấn đề và đồng tình, cần có kế hoạch chi tiết hơn để có NVS sạch, đảm bảo môi trường học tập tốt…

Không chỉ NVS ở các trường tiểu học, ngay cả ở các trường trung học đều có tình trạng tương tự, mặc dù ở lứa tuổi đó, các em đã có ý thức hơn.

Song, việc NVS quá dơ không thể đổ lỗi cho riêng các em HS mà còn là đầu tư cơ sở vật chất, là cách quản lý, giải pháp của từng trường…

Đồng tình vì một NVS sạch

Để tạo môi trường học tập hoàn thiện, nâng cao chất lượng GD-ĐT, đừng bỏ qua công trình phụ là NVS. Ảnh minh họa
Để tạo môi trường học tập hoàn thiện, nâng cao chất lượng GD-ĐT, đừng bỏ qua công trình phụ là NVS. Ảnh minh họa

Theo quy định của Bộ GD- ĐT, NVS trường học phải đảm bảo trung bình 100 HS/bồn cầu, 50 HS/mét dài hố tiêu và 100 HS/vòi nước. Đặc biệt, ở các trường THCS trở lên phải có nhà tắm hoặc phòng thay đồ cho HS nữ.

Đứng trước thực trạng NVS ở nhiều trường học kém vệ sinh, không đạt chuẩn, chị H.Y. (Phường 1- TP Vĩnh Long) có một bé trai đang theo học tại một trường tiểu học trên địa bàn, cho biết: NVS bẩn đối với cháu trai còn “đỡ”, còn đối với bé gái thì thật sự là một vấn đề.

Chị H.Y. cho rằng, tuổi các cháu còn nhỏ, ý thức chưa cao nên nhà trường cần có nhân viên vệ sinh, đồng thời tuyên truyền nhắc nhở các em nâng cao ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh chung. “Nhiều hôm nghe con bảo không dám đi vệ sinh mà xót, phải có hướng giải quyết để NVS sạch hơn”.

Thầy Phạm Văn Báo cho rằng, thời gian tới cần có giải pháp để NVS sạch hơn. Cần thiết có thể tham quan một số trường làm tốt công tác này để nhân rộng.

“Có nhiều ý kiến phụ huynh đồng tình xây dựng NVS mới, đóng góp để có nhân viên dọn dẹp thường xuyên, tạo môi trường học tập tốt toàn diện”.

Chị H.Y. cho biết, bây giờ nhiều phụ huynh tỏ ý đóng góp kinh phí để xây dựng một NVS thật sạch cho các cháu. Trong khi chị P. cho rằng, làm gì thì làm, đóng góp xã hội hay lấy kinh phí từ nguồn nào đi nữa thì trường học nhất định phải có NVS đạt chuẩn, sạch sẽ…

Theo các chuyên gia y tế, NVS bẩn là “ổ” chứa của 189 loại vi khuẩn gây ra các bệnh về đường tiêu hóa, tay chân miệng, tiêu chảy, viêm gan A…Theo điều tra của UNICEF Việt Nam, 40% ca nhiễm tiêu chảy ở HS bắt nguồn từ trường học nhiều hơn ở nhà.

Một số ý kiến cho rằng, cần tăng cường xây dựng, bảo quản và quản lý NVS đạt chuẩn, nghiên cứu để tận dụng các nguồn kinh phí khác nhau. NVS đúng chuẩn, sạch sẽ không chỉ góp phần hoàn thiện cơ sở vật chất mà còn góp phần nâng cao chất lượng GD-ĐT trong trường học…

Bài, ảnh: KHÁNH DUY