Chọn ngành nào cho mình?

Cập nhật, 10:22, Thứ Tư, 09/03/2016 (GMT+7)

 

Giáo viên là người cần nắm bắt nhiều thông tin để tư vấn lại cho học trò mình.
Giáo viên là người cần nắm bắt nhiều thông tin để tư vấn lại cho học trò mình.

Việc chọn ngành nghề vào ĐH, CĐ trước mỗi mùa thi của thí sinh luôn bị ảnh hưởng nhiều bởi điểm thi, ngành “hot”, theo bạn theo bè,… Làm sao để hiểu và chọn lối đi thích hợp cho mình là điều rất cần thiết.

Biết người, biết ta

Ông Phạm Văn Hồng- Phó Giám đốc Sở GD- ĐT Vĩnh Long cho biết: Sau đợt tư vấn tuyển sinh 6 ngày vừa qua ở các trường ĐH, CĐ, sở sẽ tiếp tục tổ chức hội nghị tư vấn hướng nghiệp và tuyển sinh do lãnh đạo sở, các phòng ban liên quan và lãnh đạo, giáo viên tư vấn các trường THPT tham gia.

Ông Phạm Văn Hồng nhấn mạnh: “Mong muốn của chúng tôi là tư vấn sát sườn, không để học sinh nào chọn nhầm ngành học, trường học và cấp học”. Vì vậy, sở cũng mong muốn có cha mẹ các em cùng tham gia các buổi tư vấn vì họ là người có tác động mạnh mẽ nhất.

Thầy Hiệu trưởng Hồ Trọng Nhân- Trường THPT Tam Bình cho biết: Trước tết, trường đã cho học sinh đăng ký môn thi để khảo sát tình hình. Sau khi nhìn bảng đăng ký, thầy Nhân đã chạy xuống từng lớp học để… tư vấn lại.

Thầy Nhân cho rằng: “Nhiều em chọn thi các môn tự nhiên vì ngán học bài trong khi các em lại học kém, vậy thì làm sao thi tốt được?” Nên chọn môn mình yêu thích, mình học tốt nhất và nhất là không lười biếng, không chọn môn thi theo bạn bè.

Chọn thi nhiều môn có phải là một chọn lựa hay? Tại Trường THPT Vĩnh Long, thầy Hiệu trưởng Đặng Hoàng Dũng cho biết: “Hầu hết học sinh thi 4 môn, tối đa 5 môn”. Theo kinh nghiệm “học sinh thi càng nhiều môn thì kết quả càng không cao”. Đối với các em không phải học sinh trường chuyên, với học lực trung bình, khá các em nên chọn thi ít môn, vừa sức.

Theo các chuyên gia tư vấn thì trước hết học sinh phải tự nhận diện được bản thân mình về tính cách, sở thích, kỹ năng. Sau đó, các em chọn khối thi phù hợp và ngành thi tương ứng. Bước tiếp theo là xem sức học mình tới đâu để chọn trường học và cấp học phù hợp.

Học ngành nào cho tương lai?

Trong chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, Chính phủ đã xác định 3 nhóm ngành công nghiệp ưu tiên phát triển: công nghiệp chế biến, chế tạo; điện tử và viễn thông; năng lượng mới và năng lượng tái tạo.

Theo đó, các nhóm ngành: công nghệ thông tin; công nghệ và kỹ thuật; nhóm ngành quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng; nhóm ngành khoa học xã hội; nhóm ngành y tế dự báo sẽ phát triển.

Ông Nguyễn Thanh Toàn- Trưởng Phòng Đào tạo Trường CĐ Nghề Vĩnh Long khẳng định: Các ngành cơ khí, hàn, điện lạnh, sửa chữa ôtô đang được rất nhiều doanh nghiệp quan tâm và đặt hàng.

Trong khi đó, các ngành công nghệ, kỹ thuật của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long cũng đang được học sinh quan tâm. TS. Cao Hùng Phi- Hiệu trưởng trường cho biết: “Ngành công nghệ ôtô năm 2015 có rất đông thí sinh đăng ký xét tuyển, đây là ngành “hot” nhất của trường”.

Một thông tin thú vị là đã có nhiều sinh viên nữ học ngành công nghệ kỹ thuật ôtô và hầu hết ra trường có việc làm.

“Một số học sinh sợ học kỹ thuật không phù hợp với nữ, thực tế thì các bạn nữ tuy không có sức khỏe bằng nam nhưng lại siêng năng và đặc biệt là cẩn thận hơn rất nhiều”- anh Lê Thanh Quang Đức- cán bộ Phòng Công tác học sinh sinh viên- Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long chia sẻ.

Khối ngành công an, quân đội cũng hút thí sinh như mọi năm. Theo đó, nếu thi vào các khối ngành này, thí sinh chỉ được đăng ký 1 ngành vào 1 trường ở nguyện vọng đầu tiên.

Hơn thế nữa, chỉ tiêu cho nữ ngành công an chỉ chiếm 10% của trường. Đại diện ban tuyển sinh Công an tỉnh Vĩnh Long cho biết: Các em nữ thi vào ngành công an, điểm đầu vào sẽ phải cao hơn nam từ 3- 4 điểm.

Một số ngành xã hội như Việt Nam học và hướng dẫn viên du lịch cũng được nhiều học sinh quan tâm.

Nhìn chung, nhu cầu nhân lực khá đa dạng ở nhiều ngành nghề khác nhau. Vấn đề là học sinh cần chọn được ngành nghề phù hợp với mình không, học tốt và trau dồi kỹ năng để khi ra trường tìm được việc làm thích hợp.

 

Phó Giám đốc Sở GD- ĐT Phạm Văn Hồng cho rằng có 5 yếu tố học sinh cần quan tâm khi chọn ngành: năng lực, khả năng học vấn, nhất là các môn phù hợp với yêu cầu từng khối thi, tổ hợp môn cho từng ngành, từng cấp học, từng trường; đặc điểm tâm lý cá nhân, tính cách riêng của mỗi người; hoàn cảnh, điều kiện kinh tế gia đình, các điều kiện khác để theo học sau khi đậu ĐH; nhu cầu lao động xã hội trước mắt, tương lai gần và tương lai xa; nhu cầu ngành nghề mà tỉnh, khu vực, đất nước và hội nhập đang cần.

 

Bài, ảnh: CAO HUYỀN