Xoa dịu "Nỗi đau da cam"- Tiếng gọi của lương tri và trách nhiệm

Cập nhật, 05:46, Thứ Năm, 10/08/2023 (GMT+7)
Sự quan tâm của cả cộng đồng tiếp thêm sức mạnh nghị lực cho nạn nhân da cam vượt khó vươn lên.
Sự quan tâm của cả cộng đồng tiếp thêm sức mạnh nghị lực cho nạn nhân da cam vượt khó vươn lên.

(VLO) Cách đây hơn 60 năm, ngày 10/8/1961, quân đội Mỹ đã tiến hành phi vụ đầu tiên rải cái gọi là “chất diệt cỏ” hay “chất khai quang” mở đầu cuộc chiến tranh hóa học có quy mô lớn nhất, dài ngày nhất trong lịch sử.

Từ năm 2004, ngày 10/8 hàng năm được chọn là ngày “Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam” để ôn lại những hồi ức khó phai về sự hy sinh to lớn của chiến sĩ, đồng bào trong chiến tranh; đồng thời tiếp thêm sức mạnh nghị lực vượt khó vươn lên, giúp nạn nhân chất độc da cam từng bước hòa nhập đời sống xã hội.

“Xin đừng quên họ!”

Tỉnh Vĩnh Long có gần 7.000 người bị phơi nhiễm chất độc da cam. Trong đó, hiện có 1.926 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học được công nhận hưởng chính sách, 1.264 người dân bị dị dạng, dị tật hay nghi nhiễm chất độc da cam.

Bà Lê Thanh Xuân- Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, Người khuyết tật và Bảo trợ xã hội cho biết, trong những năm qua được sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh ủy, các cấp chính quyền cùng toàn thể nhân dân trong tỉnh đã đẩy mạnh và triển khai nhiều hoạt động quan tâm chăm sóc, giúp đỡ những nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam.

Luôn thực hiện chế độ ưu tiên trong khám chữa bệnh đối với người có công, gia đình chính sách và nạn nhân chất độc da cam; hưởng ứng các phong trào giúp đỡ, chăm sóc; vào các ngày lễ, tết thường phối hợp với các tổ chức, đoàn thể… thăm, tặng quà, khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí.

Qua đó, động viên tinh thần các nạn nhân và gia đình, giúp họ vượt qua nỗi đau bệnh tật và có thêm nghị lực vươn lên trong cuộc sống.

Nạn nhân chất độc da cam là những người đau khổ nhất. Song hành với họ là những người vợ, người mẹ, người cha cũng gánh chịu những nỗi đau không kém, thậm chí còn cơ cực hơn nạn nhân.

Mỗi gia đình có một hoàn cảnh khác nhau nhưng tất cả đều éo le, khó khăn về kinh tế, đau đớn, day dứt về tinh thần, hàng giờ vất vả với những cơn đau, chưa một ngày được hưởng hạnh phúc.

Nỗi đau âm thầm dai dẳng đó, khó có thể nói hết thành lời. Nhắc lại những hồi ức khó phai về sự hy sinh to lớn của chiến sĩ, nỗi đau của người dân bị ảnh hưởng chất độc da cam, Phó Chủ tịch UBND TX Bình Minh Nguyễn Văn Trung nhắn nhủ rằng: “Xin đừng quên họ. Xoa dịu “Nỗi đau da cam” là tiếng gọi của lương tri và trách nhiệm của tất cả chúng ta”.

Giúp nạn nhân da cam thêm vững tin trong cuộc sống

Thời gian qua, các tổ chức, cá nhân, cơ quan doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và cộng đồng xã hội quan tâm ủng hộ, giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam bằng những việc làm thiết thực, ý nghĩa như: Hỗ trợ nhà ở, đất ở, trợ cấp khó khăn, giải quyết việc làm, hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế hộ gia đình, tặng sổ tiết kiệm góp phần ổn định và giảm bớt phần nào khó khăn trong cuộc sống của các nạn nhân da cam.    

Anh Trần Thanh Sang (ngụ phường Đông Thuận, TX Bình Minh) bị ảnh hưởng chất độc da cam mà hai chân teo nhỏ. Gia đình đã cố gắng chạy chữa, tập vật lý trị liệu nhưng anh vẫn di chuyển khó khăn và sức khỏe giảm sút so với người bình thường.

Không muốn làm gánh nặng cho gia đình nên anh học nghề sửa điện cơ. Anh Sang thuê mặt bằng nhỏ gần nhà mở tiệm sửa quạt máy, nồi cơm điện, mô tơ, máy khoan, máy cắt... sống qua ngày.

Anh phải nuôi 2 con nhỏ đang tuổi ăn tuổi học mà qua thời gian, cửa tiệm xuống cấp, mái tôn dột nát, ẩm thấp, vật dụng làm nghề có tuổi đời gần 20 năm, cũ kỹ, rỉ sét.

Năm 2022, anh Sang được Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, Người khuyết tật và Bảo trợ xã hội phường Đông Thuận hỗ trợ vốn sinh kế 2 triệu đồng, sau đó anh tham gia chương trình “Thần tài gõ cửa” được hỗ trợ vốn 44 triệu đồng.

“Tui mua trang thiết bị sửa điện mới, luôn cố gắng để khách hàng hài lòng, nhờ đó mà cửa tiệm được bà con ủng hộ nhiệt tình.

Gia đình có thu nhập bình quân mỗi tháng từ 4-6 triệu đồng. Giờ thoát nghèo rồi, mừng lắm, biết ơn sự giúp đỡ của mọi người dữ lắm!”- anh Trần Thanh Sang chia sẻ.

Dù con trai đã 20 tuổi nhưng ông Lê Văn Tông (ngụ xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn) vẫn phải chăm lo cho con từng miếng ăn giấc ngủ như một đứa trẻ. Làm nghề hái dừa mướn, lo cho đứa con nhiễm chất độc da cam đã khó khăn, một ngôi nhà khang trang chỉ là giấc mơ của vợ chồng ông.

Giờ ngồi trong căn nhà mới, ông rơm rớm nước mắt: “Tui được các hội đoàn thể hỗ trợ 40 triệu đồng cất nhà, và hỗ trợ con bò. Giấc mơ thành hiện thực rồi, vợ chồng tui phải ráng lo cho con được khỏe mạnh thôi”.

Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam không chỉ là vấn đề từ thiện, nhân đạo mà hơn hết thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” với những người có công với đất nước, nêu cao truyền thống “Thương người như thể thương thân”.

 Điều này càng trở nên đặc biệt hơn khi cả cộng đồng chung tay hỗ trợ giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Dù bạn có là ai, có chỗ đứng thế nào trong xã hội, sự đóng góp cho nạn nhân chất độc da cam cũng đem lại cho họ niềm tin lớn hơn trong cuộc sống.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ