Những điểm mới về đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể

Cập nhật, 13:19, Thứ Tư, 30/03/2022 (GMT+7)

Bộ luật Lao động năm 2019 (BLLĐ 2019) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021 quy định nhiều điểm mới về đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể liên quan đến người lao động (NLĐ), người sử dụng lao động (NSDLĐ), tổ chức đại diện NSDLĐ và tổ chức đại diện NLĐ.

Điểm mới về đối thoại tại nơi làm việc sửa đổi việc tổ chức đối thoại định kỳ từ 3 tháng một lần thành 1 năm một lần. Trong ảnh công nhân ngành may tại một công ty.Ảnh minh họa
Điểm mới về đối thoại tại nơi làm việc sửa đổi việc tổ chức đối thoại định kỳ từ 3 tháng một lần thành 1 năm một lần. Trong ảnh công nhân ngành may tại một công ty.Ảnh minh họa

Điểm mới của việc tổ chức đối thoại tại nơi làm việc

Khoản 1 Điều 63 BLLĐ năm 2019 sửa đổi, bổ sung việc tổ chức đối thoại tại nơi làm việc. Theo đó, sửa đổi, bổ sung khái niệm đối thoại tại nơi làm việc: là việc chia sẻ thông tin, tham khảo, thảo luận, trao đổi ý kiến giữa NSDLĐ với NLĐ hoặc tổ chức đại diện NLĐ về những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích và mối quan tâm của các bên tại nơi làm việc nhằm tăng cường sự hiểu biết, hợp tác, cùng nỗ lực hướng tới giải pháp các bên cùng có lợi.

Sửa đổi, bổ sung các trường hợp NSDLĐ phải tổ chức đối thoại tại nơi làm việc. Theo đó, sửa đổi việc tổ chức đối thoại định kỳ từ 3 tháng một lần thành 1 năm một lần; bổ sung quy định tổ chức đối thoại khi có vụ việc quy định tại điểm a khoản 1 Điều 36, các điều 42, 44, 93, 104, 118 và khoản 1 Điều 128 của Bộ luật này. Khuyến khích NSDLĐ và NLĐ hoặc tổ chức đại diện NLĐ tiến hành đối thoại ngoài những trường hợp theo quy định.

Đối với sửa đổi, bổ sung quy định về nội dung đối thoại tại nơi làm việc, theo đó, bổ sung nội dung đối thoại bắt buộc theo vụ việc quy định tại điểm a khoản 1 Điều 36, các điều 42, 44, 93, 104, 118 và khoản 1 Điều 128 của Bộ luật này. Các nội dung đối thoại khác, mà các bên có thể lựa chọn để đối thoại, được giữ nguyên theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2012.

Điểm sửa đổi, bổ sung quy định về thương lượng tập thể

Điều 65 BLLĐ năm 2019 sửa đổi, bổ sung quy định về thương lượng tập thể. Theo đó, thương lượng tập thể là việc đàm phán, thỏa thuận giữa một bên là một hoặc nhiều tổ chức đại diện NLĐ với một bên là một hoặc nhiều NSDLĐ hoặc tổ chức đại diện NSDLĐ nhằm xác lập điều kiện lao động, quy định về mối quan hệ giữa các bên và xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định.

Đối với sửa đổi, bổ sung nội dung thương lượng tập thể, theo đó, bổ sung các nội dung mà các bên thương lượng lựa chọn để tiến hành thương lượng sau đây: bữa ăn và các chế độ khác; mức lao động; điều kiện, phương tiện hoạt động của tổ chức đại diện NLĐ; mối quan hệ giữa NSDLĐ và tổ chức đại diện NLĐ; cơ chế, phương thức phòng ngừa, giải quyết tranh chấp lao động; bảo đảm bình đẳng giới, bảo vệ thai sản, nghỉ hàng năm; phòng, chống bạo lực và quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

Tại các khoản thuộc các điều của BLLĐ 2019 còn có quy định bao gồm: sửa đổi “quyền yêu cầu thương lượng tập thể của mỗi bên” thành “quyền thương lượng tập thể của tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở trong doanh nghiệp”; sửa đổi, bổ sung quy định về đại diện thương lượng tập thể tại doanh nghiệp; sửa đổi, bổ sung quy định về quy trình thương lượng tập thể tại doanh nghiệp; sửa đổi, bổ sung quy định thương lượng tập thể không thành; sửa đổi, bổ sung quy định thương lượng tập thể ngành, thương lượng tập thể có nhiều doanh nghiệp tham gia; bổ sung quy định thương lượng tập thể có nhiều doanh nghiệp tham gia thông qua hội đồng thương lượng tập thể; sửa đổi, bổ sung quy định trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong thương lượng tập thể.

Bên cạnh là các điểm mới sửa đổi, bổ sung về thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể giữa một bên là một hoặc nhiều tổ chức đại diện NLĐ với một bên là một hoặc nhiều NSDLĐ hoặc tổ chức đại diện NSDLĐ.Ảnh minh họa
Bên cạnh là các điểm mới sửa đổi, bổ sung về thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể giữa một bên là một hoặc nhiều tổ chức đại diện NLĐ với một bên là một hoặc nhiều NSDLĐ hoặc tổ chức đại diện NSDLĐ.Ảnh minh họa

Điểm mới của quy định về thỏa ước lao động tập thể

Điều 75 BLLĐ năm 2019 quy định thỏa ước lao động tập thể là thỏa thuận đạt được thông qua thương lượng tập thể và được các bên ký kết bằng văn bản. Thỏa ước lao động tập thể bao gồm thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, thỏa ước lao động tập thể ngành, thỏa ước lao động tập thể có nhiều doanh nghiệp và các thỏa ước lao động tập thể khác. Nội dung thỏa ước lao động tập thể không được trái với quy định của pháp luật; khuyến khích có lợi hơn cho NLĐ so với quy định của pháp luật.

Theo đó, bổ sung quy định thỏa ước lao động tập thể có nhiều doanh nghiệp; sửa đổi quy định “nội dung thỏa ước lao động tập thể phải có lợi hơn cho NLĐ so với quy định của pháp luật” thành quy định “khuyến khích có lợi hơn cho NLĐ so với quy định của pháp luật”.

Đồng thời, tại các khoản thuộc các điều của BLLĐ năm 2019 nêu các nội dung sửa đổi, bổ sung: quy định về lấy ý kiến thỏa ước lao động tập thể; bổ sung quy định về hiệu lực áp dụng của thỏa ước lao động tập thể; bổ sung quy định mở rộng phạm vi áp dụng của thỏa ước lao động tập thể ngành hoặc thỏa ước lao động tập thể có nhiều doanh nghiệp; bổ sung quy định gia nhập và rút khỏi thỏa ước lao động tập thể ngành hoặc thỏa ước lao động tập thể có nhiều doanh nghiệp.

MINH THÁI (lược ghi)