Câu chuyện nông thôn

Thủy lợi và hạn mặn

Cập nhật, 08:38, Thứ Tư, 30/03/2022 (GMT+7)

Đồng bằng mình có lợi thế là hệ thống sông ngòi, kinh rạch chằng chịt. Nhưng vẫn chưa thể “cấp cứu” nước cho những vùng hạn mặn vào những năm thời tiết khắc nghiệt. Đã có rất nhiều chuyên gia đề xuất nhiều giải pháp nhưng thực sự cho tới nay, mọi chuyện vẫn là những giải pháp tình thế, chưa thể chắc chắn, khoa học, căn cơ có thể đủ sức ứng phó trong mọi tình huống. Mùa khô đang dần trở nên gay gắt, câu chuyện hạn mặn lại được quan tâm, cùng với nhiều nỗi lo lắng của nông dân.

Công tác dự báo ngắn hạn và dài hạn chưa thực sự đảm bảo tính tổng thể, chính xác cao. Cũng là những dự báo chung chung, chưa có hệ thống dự báo ứng dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật cao quản lý cho toàn vùng. Mà cũng cần thống kê lấy độ trung bình trong khoảng 4- 5 mùa vụ về diện tích gieo trồng, chủng loại và lượng nước tiêu tốn cần thiết cho toàn vùng, cho từng tiểu khu riêng biệt. Cùng với thói quen canh tác của nông dân mình, thử hỏi mỗi vụ lúa, mỗi vụ màu, cần tiêu tốn bao nhiêu khối nước cho một công, một mẫu đất, chắc không ai nắm rõ.

Cùng với việc chúng ta bỏ phí hàng tỷ khối nước trôi tuột ra biển vào mùa mưa, thì nông dân mình xài nước quá dư thừa không cần thiết. Cần ứng dụng quản lý nguồn nước bằng công nghệ tiên tiến, tiến tới tạo thói quen tưới tiêu một cách tiết kiệm, khoa học mà hiệu quả. Cần xây dựng hệ thống dẫn nước hiện đại hóa cùng với hệ thống sông ngòi, kinh rạch vô cùng phong phú của đồng bằng, tạo nên hệ thống dẫn nước trải khắp đồng bằng như hệ thống huyết mạch, có thể chủ động và nhanh chóng dẫn nước đến từng vùng, từng khu vực riêng biệt, bởi nước thực sự không bao giờ thiếu nếu chúng ta biết cách quản lý bằng hệ thống công nghệ khoa học tiên tiến.

Cần có sự thống nhất chung của cả đồng bằng, dưới sự dẫn dắt, điều phối chung của nhóm điều phối cao cấp có quyền hạn trên địa phương để tạo nên quy hoạch chung về quản lý, sử dụng nguồn nước và linh động thay đổi vùng cây trồng hợp lý cho từng mùa vụ. Cần có những kịch bản sản xuất chung ở đồng bằng như “dàn hợp xướng”, chớ không thể mạnh ai nấy hát như bây giờ, mới mong chủ động ứng phó hạn mặn, biến đổi khí hậu gay gắt trong tương lai.

Trên cùng là vai trò hợp tác của Tiểu vùng Mekong, nắm được những diễn biến các quốc gia sống chung trên dòng sông này. Thật sự là câu chuyện quá lớn, quá phức tạp nhưng không phải là không thể giải quyết được.

Hailua@.com