Phía sau những tờ bạc lẻ

Cập nhật, 06:27, Thứ Ba, 03/11/2020 (GMT+7)

 

Niềm vui kiểm đếm từng đồng bạc lẻ đập ống heo sau những tháng ngày mưu sinh vất vả.
Niềm vui kiểm đếm từng đồng bạc lẻ đập ống heo sau những tháng ngày mưu sinh vất vả.

Phía sau những tờ bạc lẻ, bao giờ cũng là những nỗi nhọc nhằn trong cuộc mưu sinh và do đó, những tờ bạc lẻ luôn như có mùi của mồ hôi và cả những giọt nước mắt tủi nhục. 

Hàng ngày, chúng ta bắt gặp và lướt qua biết bao nhiêu hình ảnh của những phận người vất vả và chỉ cần “dừng lại” phút giây, chúng ta sẽ thấy bao nhiêu chuyện đời buồn vui, một thái độ chân thành sẻ chia cũng là cách tích cực giúp họ thêm nhiều năng lượng tiếp tục hành trình mưu sinh kiếm thêm từng tờ bạc lẻ, nhỏ nhoi như thân phận họ nhưng cũng rất đáng trân trọng, những đồng tiền làm ra một cách lương thiện nhất có thể.

Mỗi chiều về, dì Năm lại ngồi kiểm đếm lại số tiền bán được từ 100 tờ vé số, ngày nào bán hết coi như được tiền lời 100.000đ. Số tiền không lớn, nhưng vẫn đủ cho sự trang trải cuộc sống tằn tiện của 2 mẹ con.

Đứa con trai năm nay đã 25 tuổi, thỉnh thoảng có mối đi phụ xe, phụ hồ thì có thêm được vài triệu bạc. Mọi người gọi là dì Lùn, nhưng tôi vẫn gọi là dì Năm, một lần ghé nhà dì ở xã Đông Thành (TX Bình Minh) mới thấy cuộc sống của dì không thể… đơn giản hơn nữa: một cái ti vi nhỏ xíu nhưng không bao giờ mở xem; một bóng đèn ở nhà trước và 1 bóng nhỏ ở nhà bếp; vài cái nồi, cái chảo treo trên vách; một cái giường duy nhất 2 mẹ con ngủ chung.

Mỗi tháng, tiền điện nước nhà dì Năm trong tầm vài ba chục ngàn đồng đổ lại, có điều đặc biệt, căn nhà không thể… nghèo hơn, nhưng mọi thứ rất ngăn nắp, sạch sẽ.

Năm nay đã 63 tuổi rồi, dì Năm cho biết “ông nhà” đã mất hơn 20 năm, dì tần tảo nuôi con và “bén duyên” với nghề vé số này cũng trên 30 năm rồi.

Một nghề không cần đào tạo, không cần vốn liếng, chỉ cần chịu khó thì có thể tạm đủ xoay xở cuộc sống gia đình. Dì bằng lòng với cuộc sống hiện tại.

Nhưng cũng có lúc mưa gió bất thường, những ngày vé ế, đem trả lại thì bị người ta nặng nhẹ lắm. Họ nói mình làm biếng, lo đi “tám” mà không chịu bán.

Thật ra, có hôm lội muốn rạc cẳng, chìa xấp vé số ra người ta cứ lắc đầu nguầy nguậy, mình tự trọng không mời, không ép thì không xong, mà cứ đứng lỳ đó mời thì có người họ… nổi nóng.

Những người nghèo khổ, hoàn cảnh khó khăn thì bán đồng nào xào đồng đó, có đâu dư ra để tích lũy, vậy nên mỗi lần nhà có hữu sự thì lại… nợ.

Những món nợ vì lo thuốc thang bệnh hoạn của người thân chẳng nói gì, đằng này có những món nợ như… từ trên trời rơi xuống, nghề bán vé số dạo tưởng giản đơn mà cũng có nhiều “cạm bẫy” bên trong lắm.

Chị Nguyễn Thị Bích (xã Hòa Hiệp- Tam Bình), mỗi khi nhắc lại còn rơm rớm nước mắt. Câu chuyện mấy tuần trước chị bị người ta lừa đổi vé số giả mất toi 2 triệu bạc.

Số tiền không lớn với nhiều người, nhưng với chị thì phải mấy tháng trời mới có thể trả góp lại cho người ta. 5 tờ vé số giả trúng giải 400.000đ chị đổi cho người ta, về đổi lại đại lý mới té ngửa là bị lừa, giờ mỗi ngày đi bán phải trả góp lại 50.000đ.

Mỗi ngày bán 150 tờ, coi như còn lại chỉ 100.000đ, tiền chợ búa, tiền cho đứa con trai vừa vào học lớp 10. Chị Bích than, mỗi khi đi bán nhớ lại tiền nợ là đạp xe hết muốn nổi luôn; nhưng nhớ đến đứa con trai ngoan hiền, chịu khó học tập thì đôi chân như thêm nhiều sức mạnh, guồng nhanh lên tiếp tục cuộc mưu sinh nhọc nhằn trong một ngày mới.

Chị khoe, thằng nhỏ của chị có hiếu, những ngày nghỉ học là nó cũng đi lấy 50 vé số đi bán phụ thêm tiền với chị. Đó cũng là niềm động viên an ủi lớn lao, kệ cực khổ mấy mà con ngoan hiền thì khổ mấy cũng chẳng hề gì.

Bán vé số dạo thấy vậy, mà phía mặt trái của nó vẫn ẩn chứa nhiều “bí mật ngầm” mà chỉ có trong nghề mới hiểu hết. Đâu phải ai cũng mua vé số “thiệt tình”, có những người kỳ cục lắm, biến thái lắm.

Chị Lê Thị Nh. ở xã Phú Đức (Long Hồ) đã có chồng, 1 con, còn khá trẻ lại nhan sắc mặn mà, coi như “điểm cộng” của nghề bán vé số. Bán đa phần là mối quen… đàn ông, bán số a lô, bán qua mạng tin tưởng nhau không cần giao vé tận nơi.

Nên những khi sắp đến giờ xổ số mà vé còn ứ cả xấp thì a lô tá lả, thậm chí ép mấy mối ruột có người 10 tờ, có người vài ba chục tờ là bình thường.

Có vốn rủng rỉnh, lấy vé số trả tiền trước cho đại lý, nên lời 1.200 đ/tờ, rồi đủ sức cho người ta mua thiếu dồn lại nhiều ngày có khi lên đến tiền chục triệu. Nhưng được cái tiền lời mỗi ngày rất đỉnh, cứ cầm 300 vé tính ra mỗi ngày tiền lãi là 360.000đ, số tiền khá lớn đối với nông thôn. 

Những rủi ro cũng nhiều và cạm bẫy cũng lắm. Chị Nh. kể có ông già ngoài 60 tuổi, hôm nào lão ở nhà một mình ngoắt vào tệ lắm cũng mua 20 vé, nhưng có yêu cầu cho… giỡn tí. Mới đầu thấy kỳ kỳ nhưng riết rồi thấy bình thường. Nguy hiểm là ở chỗ đó.

Rồi những khi gặp tiệc tùng, khách ăn nhậu thì rất dễ bán, nhưng cũng có nhiều… cọ quẹt này nọ, rồi rủ rê đi hát hò mới mua vé số… Vậy mới thấy, phía sau những tờ bạc lẻ mưu sinh cũng có nhiều cay đắng lắm.

Người vững vàng mấy, khi kẹt cảnh mưa bão tầm tã, vé ế trên tay thì lại cắn răng mà kèo nài ép người mua. Người mua đàng hoàng cũng nhiều, người mua “kèm điều kiện” thì cũng đâu có ít.

Bán vé số ở miền Tây là một nghề trở nên rất phổ biến. Hễ bước ra đường là gặp người bán vé số, họ là những người mưu sinh chân chính, đổ mồ hôi đổi lấy những đồng lời ít ỏi.

Mỗi ngày chúng ta lướt qua có khi đến hàng trăm người bán vé số dạo và chỉ cần ngồi lắng nghe đôi chút sẽ thấy mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau, những buồn vui và cũng đầy những tâm tình không dễ sẻ chia. Hiểu họ chúng ta sẽ có thái độ tích cực hơn, cảm thông hơn mỗi khi có người cứ đứng lỳ chìa xấp vé số trước mặt.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG