Doanh nghiệp đến trường nghề tuyển lao động

Cập nhật, 12:51, Thứ Ba, 29/09/2020 (GMT+7)
Sinh viên tham dự ngày hội giới thiệu việc làm tại Trường cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng năm 2019 - Ảnh: MINH GIẢNG
Sinh viên tham dự ngày hội giới thiệu việc làm tại Trường cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng năm 2019 - Ảnh: MINH GIẢNG

'Tốt nghiệp xong, có việc ngay' luôn được xem là lợi thế hàng đầu của các trường thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Thậm chí hiện nay, nhiều doanh nghiệp còn bỏ công xuống tận trường 'săn' lao động ngay khi sinh viên còn chưa tốt nghiệp.

Schindler Việt Nam là một trong nhiều doanh nghiệp đích thân đến các trường nghề trong cả nước "đặt hàng" lao động ngay khi sinh viên chưa ra trường.

Nhu cầu rất lớn

Từ năm 2013, Schindler Việt Nam - một trong những công ty sản xuất thang máy 100% vốn nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam - đã cộng tác với Trường cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng (TP.HCM) để tìm kiếm nguồn bổ sung kỹ sư có tay nghề mỗi năm. 

Ông Nguyễn Đức Anh - giám đốc kỹ thuật công ty - chia sẻ Schindler thường chọn những sinh viên ưu tú tham gia chương trình hợp tác đào tạo giữa trường và công ty. Trong đó, ngoài kiến thức từ trường, sinh viên được bổ sung nhiều môn học giúp làm quen với những kỹ năng cần thiết cho công việc sau này ở chính Schindler. 

Các bạn còn được bồi dưỡng thêm tiếng Anh chuyên ngành, những kiến thức về an toàn lao động, văn hóa công ty, rồi đến thực tập ngay tại Schindler. Tốt nghiệp xong, sinh viên được chính công ty nhận vào làm.

Nhờ chương trình học gắn liền với doanh nghiệp từng chút, các bạn trẻ khi rời trường lập tức có thể đáp ứng được những yêu cầu về kỹ năng của công ty. Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp không tốn thời gian đào tạo thêm những lao động mới. 

"Sinh viên tốt nghiệp được công ty đánh giá theo nhiều tiêu chí như kỹ năng, thái độ… để sắp xếp công việc phù hợp. Mỗi năm, công ty thường tuyển 30 - 50 bạn từ các chương trình kết hợp với trường" - ông Đức Anh nói.

ThS Trương Quang Trung - phó hiệu trưởng Trường cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng - chia sẻ nhiều năm nay trường tạo hẳn một website giới thiệu việc làm giúp kết nối giữa nhà tuyển dụng và sinh viên. Nếu có nguyện vọng, doanh nghiệp sẽ lên trang, tạo tài khoản và đăng tin tuyển dụng. Hiện tại, có khoảng 1.000 doanh nghiệp "săn" lao động trên website này. 

"Tôi nhận thấy nhu cầu của doanh nghiệp rất lớn, thậm chí số lượng sinh viên tốt nghiệp ở trường không thể đáp ứng đủ. Phần lớn các em khi đi thực tập đều được các công ty giữ lại tiếp tục làm việc" - ông Trung nói.

Nhiều con đường

ThS Ngô Thị Quỳnh Xuân - hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề Du lịch Sài Gòn (TP.HCM) - chia sẻ hằng năm trường tổ chức ngày hội giới thiệu việc làm gần những buổi lễ tốt nghiệp để giúp doanh nghiệp đến gần với sinh viên. 

Những tên tuổi lớn trong ngành nhà hàng, khách sạn, du lịch lữ hành thậm chí còn tự mình đến trường tổ chức những sự kiện riêng để giới thiệu các vị trí việc làm và phỏng vấn các sinh viên tiềm năng để "đặt hàng" lao động. Trong những sự kiện này, đích thân lãnh đạo bộ phận nhân sự của các doanh nghiệp bỏ công đến gặp trực tiếp các bạn trẻ.

Cô Xuân cho biết thêm với nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp, một con đường khác giúp doanh nghiệp đến với sinh viên từ sớm là nhờ các cựu sinh viên, học viên. Phần lớn người đã tốt nghiệp từ trường cách đây nhiều năm, nay giữ nhiều chức vụ cao trong các công ty thuộc lĩnh vực nghề nghiệp của mình. 

"Họ chính là viên gạch nối giữa nhà trường và doanh nghiệp, giúp dẫn dắt nhiều nhà tuyển dụng đến trường gặp các em sinh viên lứa sau" - cô Xuân nói.

Để giúp doanh nghiệp dễ dàng tìm đến sinh viên và ngược lại, Hướng nghiệp Á Âu - cơ sở giáo dục nghề nghiệp chuyên ngành dịch vụ nhà hàng, khách sạn - có hẳn một bộ phận hỗ trợ nghề nghiệp tên là Chefjob. 

Bà Phan Hồng Diễm Linh - đại diện Hướng nghiệp Á Âu - cho biết bộ phận này phối hợp với các đơn vị tuyển dụng đồng hành cùng học viên thông qua rất nhiều hoạt động.

Thích tuyển nhân lực từ các trường nghề

Ông Nguyễn Đức Anh - giám đốc kỹ thuật Schindler Việt Nam - chia sẻ rất thích những lao động xuất thân từ các trường nghề. Nhiều bạn học trường nghề thường có ý thức và kỹ năng rất tốt. Điều này là do phần nhiều lao động từng theo học trường nghề có xuất phát thấp hơn đôi chút so với những bạn đồng trang lứa đi theo con đường đại học.

"Phần lớn các bạn đều tự nhủ mình phải thành thục một nghề để ra đi làm. Ý chí cầu tiến, tinh thần học hỏi của các bạn cũng là điều đáng quý. Xuống công trình, các bạn luôn chủ động nhờ chỉ dạy thêm để nâng cao tay nghề. Những bạn giữ được tinh thần này ngay từ trên ghế nhà trường nghề sẽ tiến bộ rất nhanh sau này" - ông Nguyễn Đức Anh chia sẻ.

Cần tạo niềm tin

TS Nguyễn Thị Hằng - hiệu trưởng Trường cao đẳng Kỹ nghệ II - cho rằng để doanh nghiệp đến trường trực tiếp tuyển dụng sinh viên, các trường cần tạo niềm tin cho doanh nghiệp về chất lượng sinh viên. Ngoài việc kết hợp với doanh nghiệp tham gia vào chương trình đào tạo và giúp sinh viên thực tập, trường cũng thường xuyên đảm nhiệm các dự án trong và ngoài nước giúp nâng cao chất lượng dạy học. "Do vậy, nhiều sinh viên thậm chí tự tìm được việc làm cho mình sau khi ra trường, không cần đến trường lo" - bà Hằng nói.

Theo TRỌNG NHÂN/TTO