Ấm lòng "Ngôi nhà 100 đồng"

Cập nhật, 05:55, Thứ Năm, 18/06/2020 (GMT+7)

 

Chị em hình thành thói quen thu gom rác thải nhựa mang đến “Ngôi nhà 100 đồng”.
Chị em hình thành thói quen thu gom rác thải nhựa mang đến “Ngôi nhà 100 đồng”.

“Đồ bạn bỏ đi có thể giúp ít nhất 1 trẻ em nghèo” là thông điệp của mô hình nhân đạo “Ngôi nhà 100 đồng” của Hội LHPN TP Vĩnh Long, được triển khai rộng khắp các cơ sở hội trong thành phố, vừa góp phần thực hiện các tiêu chí xây dựng đô thị văn minh, vừa làm công tác xã hội từ thiện.

Mô hình “Ngôi nhà 100 đồng” được triển khai tại 11 phường, theo đó mỗi phường được hỗ trợ 1 ngôi nhà mô hình để chứa rác thải tái chế, được đặt tại nơi đông người qua lại.

Nguồn kinh phí hơn 20 triệu đồng để thiết kế 11 ngôi nhà mô hình do Mobifone Vĩnh Long tài trợ. Định kỳ mỗi tháng, Hội LHPN các phường chọn 1 ngày tổ chức buổi thu gom lưu động tận hộ gia đình.

Với thông điệp “Đồ bạn bỏ đi có thể giúp ít nhất 1 trẻ em nghèo”, Hội LHPN thành phố tuyên truyền đến tận địa bàn dân cư để người dân nâng cao ý thức, góp phần xây dựng đô thị văn minh.

Hơn thế nữa, ý nghĩa đặc biệt của mô hình không chỉ là việc hạn chế rác thải, bảo vệ môi trường, mà thông qua việc thu gom, tất cả số tiền thu được, hội cơ sở sẽ nhận đỡ đầu ít nhất 1 trẻ em gái có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn hoặc giúp đỡ phụ nữ khó khăn.

Hội LHPN các phường giao cho chi hội trưởng, tổ trưởng hoặc hội viên nòng cốt có ý thức tự quản nơi đặt mô hình, không để mất mát hoặc hư hỏng, đảm bảo vệ sinh không để xảy ra tình trạng nước đọng, hôi thối.

Cuối tuần hoặc khi thấy đầy thì thu gom đem bán phế liệu, toàn bộ số tiền bán được dùng để tặng hoặc mua tập sách, nhu yếu phẩm cho các em được nhận đỡ đầu ở mỗi cơ sở hội.

Ngoài ra, định kỳ mỗi tháng sẽ tổ chức 1 buổi “thu gom lưu động” ở từng hộ và vận động phụ nữ lưu giữ rác thải nhựa tại nhà rồi đem đến bỏ vào “Ngôi nhà 100 đồng”.

Kết quả, chỉ trong 6 tháng triển khai thực hiện, các đơn vị đã thu được gần 9 triệu đồng, giúp đỡ được 21 trường hợp trẻ em gái khó khăn và phụ nữ nghèo.

Thông qua mô hình, đã khẳng định được vai trò của hội phụ nữ trong việc vận động nhân dân cùng tham gia giải quyết các vấn đề xã hội, thực hiện nếp sống văn hóa, xây dựng môi trường đô thị đạt 4 tiêu chí sáng- xanh- sạch- đẹp, nâng cao nhận thức của người dân, góp phần xây dựng vẻ mỹ quan cho TP Vĩnh Long.

Số tiền tiết kiệm được dành trao tặng cho các bé gái nhận đỡ đầu.
Số tiền tiết kiệm được dành trao tặng cho các bé gái nhận đỡ đầu.

Chị Nguyễn Mai Phương- Chi hội phó Chi hội Phụ nữ Khóm 2 (Phường 8)- là một hội viên rất tích cực, chị thường xuyên thu gom tại nhà và xung quanh khu vực cũng như vận động mọi người cùng mang rác thải nhựa đến “Ngôi nhà 100 đồng”.

“Tôi rất ủng hộ mô hình này, vừa làm từ thiện giúp đỡ các bé gái đáng thương vừa bảo vệ môi trường”- chị Phương nói.

Chị Trần Hồng Thoa- Chủ tịch Hội LHPN Phường 8- cho biết, Hội Phụ nữ phường nhận đỡ đầu 1 bé gái mồ côi sống với bà ngoại đang học lớp học tình thương, mức hỗ trợ là 300.000 đ/tháng. Số tiền tiết kiệm được từ “Ngôi nhà 100 đồng” này sẽ dùng hết cho việc hỗ trợ em, từ tiền mặt cho đến nhu yếu phẩm.

Chị Phạm Thị Thanh Tuyền- nguyên Chủ tịch Hội LHPN Phường 4- cho biết thêm, chị em trong BCH đi tới từng nhà gom rác… đem về, các tổ trưởng phụ nữ ở các trường học thì gom trong trường đem lại. Tuy mệt nhưng vui lắm, nhất là khi nghĩ tới hoàn cảnh của các em mình nhận đỡ đầu là có thêm động lực.

Hội LHPN Phường 4 nhận đỡ đầu cho 3 bé gái mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn, từ 9-12 tuổi, với mức hỗ trợ 300.000 đ/tháng cùng tập sách, nhu yếu phẩm. Hội tuyên truyền ý nghĩa của mô hình đến khắp các khóm và các tổ phụ nữ của trường học, được mọi người tích cực ủng hộ, hình thành ý thức bảo vệ môi trường.

“Ngoài hội viên, phụ nữ, chị em còn vận động thêm các ngành, đoàn thể cùng tham gia tuyên truyền vận động và cùng thực hiện, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng”- chị Nguyễn Thị Tú Trinh- Chủ tịch Hội LHPN Phường 4 chia sẻ.

Chị Nguyễn Ánh Nguyệt- Chủ tịch Hội LHPN TP Vĩnh Long- cho biết, mô hình ý nghĩa này vừa làm công tác từ thiện vừa tuyên truyền nâng cao nhận thức cho chị em hội viên về tác hại của rác thải nhựa gây ô nhiễm môi trường, suy giảm chất lượng cuộc sống.

Để thực hiện được hiệu quả thì cán bộ hội phải làm gương, phải thay đổi thói quen, nói không với rác thải nhựa, hạn chế tối đa đồ nhựa sử dụng một lần.

Đây được xem là một trong những chỉ tiêu thi đua của Hội Phụ nữ cơ sở nên phải được thực hiện lâu dài, thường xuyên và liên tục, từng bước lan tỏa, nhân rộng ra tại các khóm.

Bài, ảnh: HẢI YẾN