Chăm lo đời sống vùng đồng bào Khmer

Cập nhật, 04:57, Thứ Năm, 14/11/2019 (GMT+7)

 

Ngoài việc học Tiếng Việt cùng học sinh người Kinh, số học sinh tiểu học người Khmer trong tỉnh cũng được tổ chức học chữ Khmer theo chương trình quy định của Bộ GD-ĐT.
Ngoài việc học Tiếng Việt cùng học sinh người Kinh, số học sinh tiểu học người Khmer trong tỉnh cũng được tổ chức học chữ Khmer theo chương trình quy định của Bộ GD-ĐT.

Tỉnh Vĩnh Long hiện có trên 25.896 người Khmer sinh sống, chiếm gần 2,1% dân số. Đồng bào dân tộc Khmer của tỉnh chủ yếu sống tập trung ở 4 huyện Trà Ôn, Tam Bình, Vũng Liêm và TX Bình Minh. Thời gian qua, cùng với những chính sách chung của cả nước, tỉnh còn thực hiện các chính sách đặc thù nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer.

Chính sách ấm lòng đồng bào Khmer

Xã Tân Mỹ (Trà Ôn) là một trong những địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Việc triển khai các chủ trương, chính sách cho đồng bào dân tộc Khmer thời gian qua được quan tâm thực hiện kịp thời, tạo động lực để người dân đồng bào dân tộc Khmer phấn khởi phát triển đời sống, cùng chính quyền địa phương làm thay đổi bộ mặt vùng nông thôn sâu.

Những con đường nhỏ hẹp, lầy lội ngày nào giờ đây đã được thay bằng những con đường nhựa thẳng tắp, thuận tiện cho việc đi lại, giao thương hàng hóa.

Đặc biệt, từ nguồn vốn của Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long hỗ trợ, có trên 500 hộ nghèo Khmer an cư lập nghiệp, ổn định đời sống nhờ được căn nhà khang trang hơn. Nhiều hộ tự vươn lên cất nhà mới do đó, xã Tân Mỹ cơ bản xóa nhà tạm trong đồng bào dân tộc.

Chị Thạch Thị Diễm (xã Tân Mỹ- Trà Ôn) cho biết: “Có được căn nhà, gia đình tui có chỗ che mưa che nắng. Sau đó, Nhà nước cũng hỗ trợ 50 triệu làm vốn mua được 2 con bò. Cuộc sống gia đình tui nhờ thế khá hơn trước rất nhiều”.

Vĩnh Long cất được 1.587 căn, mỗi căn trị giá 40 triệu đồng, do Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long hỗ trợ. Trong ảnh: Niềm vui của anh Thạch Toàn (xã Tân Mỹ) và các con bên căn nhà khang trang.
Vĩnh Long cất được 1.587 căn, mỗi căn trị giá 40 triệu đồng, do Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long hỗ trợ. Trong ảnh: Niềm vui của anh Thạch Toàn (xã Tân Mỹ) và các con bên căn nhà khang trang.

Bên cạnh những chính sách, chương trình, dự án của Trung ương, tỉnh Vĩnh Long thực hiện một số chính sách đặc thù của tỉnh, bằng nguồn kinh phí xã hội hóa, kịp thời giải quyết khó khăn và nhu cầu về nhà ở cho bà con dân tộc thiểu số trong tỉnh.

Tỉnh hỗ trợ 1.587 căn nhà ở cho đồng bào Khmer; đề án hỗ trợ nuôi bò sinh sản cho hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn, trong đó ưu tiên cho hộ gia đình dân tộc Khmer dần phát huy hiệu quả. Năm 2017, tỉnh Vĩnh Long triển khai thực hiện đề án hỗ trợ nuôi bò sinh sản cho hộ nghèo, trong đó ưu tiên cho hộ gia đình dân tộc Khmer.

Anh Thạch Ruôn (xã Tân Mỹ) phấn khởi: “Gia đình tui được hỗ trợ nhà ở rồi dự án hỗ trợ bò nuôi sinh sản nên mình không còn nghèo nữa, không phải lo cái ăn cái mặc như ngày trước”.

Vĩnh Long chăm lo đời sống đồng bào Khmer

Theo ông Thạch Dương- Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Long, những năm gần đây, qua thực hiện các chương trình của Trung ương và một số chính sách đặc thù của địa phương mà bộ mặt nông thôn của vùng đồng bào dân tộc Khmer thay đổi rõ nét. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer giảm, nhà ở ngày càng khang trang.

Tại các địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống đã được đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và sinh hoạt, nhiều công trình phúc lợi được quan tâm xây dựng và phát triển. Trong sản xuất nông nghiệp, đã có những bước tiến bộ mới. Đồng bào dân tộc Khmer quan tâm đến việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi theo hướng phát triển nông nghiệp toàn diện.

Các chương trình cho vay phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào dân tộc- hỗ trợ giải quyết vấn đề khó khăn trong sản xuất, góp phần ổn định kinh tế, chính trị, xã hội ở địa phương- đặc biệt là ở vùng nông thôn, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số.

Không có đất canh tác, việc làm cũng không ổn định, trước đây gia đình chị Thạch Thị Sa Liếp (ấp Giữa, xã Loan Mỹ- Tam Bình) gặp nhiều khó khăn, mặc dù vợ chồng chị đều chí thú làm ăn. Năm 2018, chị được Hội LHPN xã hướng dẫn vay vốn ưu đãi 50 triệu đồng để nuôi bò. Nhờ vậy mà kinh tế gia đình ổn định, cuộc sống thoải mái hơn.

Nhờ nguồn vốn hỗ trợ xuất khẩu lao động mà cháu gái ông Thạch Sơn (xã Loan Mỹ- Tam Bình) đã đi Nhật Bản làm việc.
Nhờ nguồn vốn hỗ trợ xuất khẩu lao động mà cháu gái ông Thạch Sơn (xã Loan Mỹ- Tam Bình) đã đi Nhật Bản làm việc.

Ngoài ra, Vĩnh Long tích cực triển khai nhiều chính sách hỗ trợ xuất khẩu lao động, đặc biệt là chính sách ưu tiên cho các hộ khó khăn, hộ dân tộc Khmer có điều kiện xuất khẩu lao động để thoát nghèo.

Có con trai Thạch Kim Hoàng đang làm việc tại Nhật Bản, cô Thạch Thị Bé Hai (xã Trà Côn- Trà Ôn) cho biết: “Con trai tui làm được bao nhiêu dành dụm gửi về cho ba mẹ trả tiền vay ngân hàng. Nhờ vậy, vợ chồng tui cất được nhà mới. Con nói sẽ mua thêm ruộng, thêm bò để ba mẹ làm tại nhà, nhờ vậy cuộc sống của gia đình tui ngày khá hơn.”

Cô Thạch Thị Bé Hai (xã Trà Côn- Trà Ôn) chăm sóc bò từ nguồn vốn của con trai đang xuất khẩu lao động tại Nhật Bản gửi về.
Cô Thạch Thị Bé Hai (xã Trà Côn- Trà Ôn) chăm sóc bò từ nguồn vốn của con trai đang xuất khẩu lao động tại Nhật Bản gửi về.

Đời sống phát triển, các chính sách chăm lo, chia sẻ của Đảng, Nhà nước và cả cộng đồng được thực hiện ngày càng tốt hơn.

Đồng bào dân tộc Khmer không chỉ được xem là người thụ hưởng, mà còn là lực lượng đóng góp tích cực vào đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của địa phương.

Theo ông Thạch Dương, trong thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục tham mưu tỉnh thực hiện tốt công tác giảm nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành và cơ sở tổ chức triển khai có hiệu quả các chính sách đặc thù dành cho đồng bào dân tộc.

Ngoài ra, tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, động viên, phát huy nội lực, ý chí tự lực, tự cường, nỗ lực vươn lên thoát nghèo bền vững, chống tư tưởng, trông chờ, ỷ lại trong người dân; phối hợp tổ chức hướng dẫn đồng bào dân tộc Khmer đổi mới tập quán sản xuất, phát triển kinh tế hàng hóa, giảm nghèo bền vững và vươn lên làm giàu, tích cực thực hiện phong trào cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới.

Các hoạt động giáo dục, văn hóa trong vùng đồng bào dân tộc Khmer được quan tâm thực hiện. Theo đó, tổng số học sinh Khmer các cấp được huy động đến trường đạt tỷ lệ 98%. Hiện nay, các xã- phường có đông đồng bào dân tộc Khmer đều đã có cơ sở y tế, 100% cơ sở y tế vùng dân tộc thiểu số đều có y- bác sĩ khám chữa bệnh. Ngoài ra, công tác giữ gìn, bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Khmer luôn được các cấp ủy, chính quyền tỉnh quan tâm.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN