Hạnh phúc quanh đây...

Cập nhật, 07:24, Thứ Tư, 20/03/2019 (GMT+7)

 

Nhiều người vui hạnh phúc khi sẻ chia những giọt máu cứu người.
Nhiều người vui hạnh phúc khi sẻ chia những giọt máu cứu người.

Đây là năm thứ 6 Việt Nam tổ chức các hoạt động ngày Quốc tế hạnh phúc (20/3) với chủ đề “Yêu thương và chia sẻ”.Điều đó mang ý nghĩa lớn lao nhằm tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển an sinh xã hội, xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ và hạnh phúc.

Hạnh phúc giản đơn

Với nhiều người, hạnh phúc đơn giản là mình luôn ở bên cạnh những người mình yêu thương. Hạnh phúc có thể là chứng kiến các người thân trong gia đình mình khỏe mạnh, con cháu sum vầy, tíu tít kể chuyện bên bữa cơm. Có người hạnh phúc là trân trọng những gì đang có hay hạnh phúc là làm cho nhiều người hạnh phúc. Có thể thấy, hạnh phúc nằm ở trong chính suy nghĩ của mỗi người.

Người phụ nữ rất cần có sự đồng hành của chồng, con và các thành viên trong gia đình, có như vậy cuộc sống mới thật sự hạnh phúc.

Với chị Phạm Thị Hồng Thúy (xã Tân Hạnh- Long Hồ) thì: “Hạnh phúc là được trở về tổ ấm sau một ngày làm việc ở nhà chơi với con và quây quần bên gia đình. Trong những lần du lịch, niềm vui bình dị của vợ chồng tôi là nhìn thấy con quan sát, học hỏi và đưa ra thắc mắc, tự nhiên thấy con mình ngày một lớn dần”.

Chị Nguyễn Hồng Ánh (xã Song Phú- Tam Bình) nói: “Thật hạnh phúc khi thấy các con hồn nhiên, quấn quýt vui đùa. Các con là sợi dây kết nối kỳ diệu giữa các thành viên trong nhà, là động lực để vợ chồng tôi phấn đấu”.

Và hạnh phúc luôn đong đầy, thắm đượm tình khi vợ là đầu bếp chính chế biến các món ăn mà chồng con thích, chồng phụ rửa chén, lau nhà, con nhặt rau, vo gạo,... Điều đó sẽ làm gia đình vui vẻ và hạnh phúc hơn”- chị Võ Thanh Trang (Phường 4, TP Vĩnh Long) chia sẻ.

“Ông bà vui và hạnh phúc lắm con ơi”- ông Nguyễn Sơn Mỹ (79 tuổi, xã Hòa Hiệp- Tam Bình) nhìn người bạn đời của mình- bà Huỳnh Thị Bảy (77 tuổi)- bằng ánh mắt trân trọng, đầy tình cảm. Tình cảm vợ chồng già ấm êm, ngọt lành hơn 50 năm. Vợ chồng bà chia ngọt sẻ bùi từ trong gian khó, chắt chiu lo cho 5 người con ăn học nên người.

Căn nhà tường nằm giữa vườn bưởi xanh ngát, kế bên sông Măng thổi lùa mát mẻ là tổ ấm của đôi vợ chồng già. Những dịp lễ tết, nhà có tiệc hay lâu lâu cuối tuần gia đình ông bà lại sum vầy, rộn rã tiếng cười con cháu.

Tuổi về già, ông bà tận hưởng niềm vui cuộc sống. Mỗi sáng thức sớm cùng nhau tập hít thở, đi bộ nhẹ nhàng quanh vườn nhà bởi “thương con cháu mình cũng phải biết giữ sức khỏe, ăn lành, ngủ đủ, vui khỏe nữa”.

“Ông bà luôn giúp nhau giữ cái tâm bình yên, không bao giờ giận nhau quá một tiếng để giữ cho tinh thần luôn thư giãn. Hơn nửa đời người, ông bà vẫn duy trì những thói quen làm cho nhau hạnh phúc bởi yêu thương nhau là phải xuất phát từ đáy lòng”- ông chia sẻ.

Và cách giữ gìn hạnh phúc của ông bà đã làm “tấm gương” sáng cho các con cháu noi theo. Bà chia sẻ tiếp: “Vợ chồng phải tỉ tê, phải thủ thỉ chia sẻ cùng nhau. Nên nhớ đừng mang chuyện bực dọc bên ngoài về nhà, “bắt” người kia phải chịu đựng. Cơm sôi nhỏ lửa, mười đời không khê”.

 Hơn 50 năm, vợ chồng ông Sơn Mỹ vẫn “muối mặn gừng cay”.
Hơn 50 năm, vợ chồng ông Sơn Mỹ vẫn “muối mặn gừng cay”.

Với các cô gái độc thân, hạnh phúc, niềm vui chỉ đơn giản là tự mua một thứ đồ mới, tự mua vé tới một nơi xa, hay được thấy nụ cười của ba mẹ. Những bạn đang yêu thì hạnh phúc khi gặp được “mảnh ghép” yêu thương để về cùng xây tổ ấm, nơi đó sẽ rộn rã tiếng cười con trẻ.

Theo anh Lê Tuấn Anh (TX Bình Minh), hạnh phúc gia đình thật ra đơn giản là việc quan tâm, đồng cảm của vợ chồng. Có đồng cảm mới có sẻ chia, có hiểu nhau mới vượt qua những bất trắc cuộc sống. Tiền bạc vật chất suy cho cùng không thể làm nên hạnh phúc.

Yêu thương và chia sẻ

Hạnh phúc là khi mang lại niềm vui cho người khác, nên ta sẽ yêu thương nhiều hơn, quan tâm nhiều hơn đến gia đình, bạn bè và những người xung quanh. Và với nhiều người, hạnh phúc của họ chính là được yêu thương và sẻ chia với những người thân của mình và với cả những người có hoàn cảnh kém may mắn.

Sự đồng cảm, thấu hiểu nỗi đau, thiếu thốn và vất vả của những người kém may mắn càng khiến ta trân trọng hơn cuộc sống này.

Từ xưa đến nay, các mẹ Việt Nam anh hùng đã gác tình riêng tiễn chồng, dâng núm ruột của mình cho Tổ quốc. Tuy đau từng thớ ruột nhưng các mẹ vẫn cảm thấy tự hào khi mình đã đóng góp những gì quý nhất, yêu nhất vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Mỗi người làm việc tốt sẽ góp phần làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Với tâm nguyện ấy, hơn 30 năm qua Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Kim Ngọc (95 tuổi, TP Vĩnh Long) vẫn cần mẫn tìm xin vải vụn và tỉ mỉ từng đường kim, mũi chỉ may tay thành mền tặng cho người nghèo.

Cử chỉ tốt đẹp ấy giúp mẹ sống vui, ý nghĩa, giúp mẹ xoa dịu nỗi nhớ chồng, nhớ con. Như vậy, hạnh phúc đôi khi không phải chỉ là những cảm xúc dễ chịu, đôi khi ta phải hy sinh thứ hạnh phúc ấy để đổi lấy hạnh phúc sâu sắc hơn.

Với tấm lòng thiện nguyện cứu người, những bác sĩ, lương y đã về hưu ở Trung tâm Phục hồi chức năng trẻ bại não Nguyễn Ngọc Điểu nhiều năm qua đã góp phần xoa dịu nỗi đau bệnh tật mà trẻ khuyết tật phải gánh chịu.

Lúc đầu, cơ sở chỉ nhận có 10 cháu, hiện nay, số cháu đến điều trị từ 1 đến 16 tuổi đã vượt con số 40, gồm nội trú và ngoại trú.

Để thực hiện tâm nguyện, các bác sĩ và lương y luôn dành hết thời gian vào việc chữa trị, đồng thời hướng dẫn người nhà biết cách chăm sóc con cháu. Từ sự nhiệt tâm của các bác sĩ, đã có nhiều trẻ khuyết tật được phục hồi chức năng và có thể đến trường đi học như những đứa trẻ bình thường khác.

Nhiều năm qua, công tác an sinh xã hội luôn được tỉnh Vĩnh Long xem là một nhiệm vụ quan trọng. Bởi lẽ, vận động mọi nguồn lực để chăm lo cho gia đình chính sách, người có công, người nghèo, học trò nghèo được tiếp sức đến trường, có cuộc sống tốt hơn luôn đồng hành với sự phát triển của tỉnh nhà.

Những chương trình an sinh xã hội, các hoạt động chăm lo cho người nghèo luôn nhận được sự quan tâm của các ngành, các cấp và nhất là của cả cộng đồng.

Chúng ta tìm hạnh phúc ở đâu và làm thế nào để giữ vững hạnh phúc trong tay mình. Đơn giản để được hạnh phúc thì hãy cho nhau nhiều yêu thương, hạnh phúc đến từ trong tâm hồn của mình. Hạnh phúc có được từ những điều giản dị khi được sẻ chia yêu thương, khi mình sống tốt, sống có ích cho cộng đồng và xã hội.

Việc Liên Hợp Quốc chọn ngày 20/3 là ngày Quốc tế Hạnh phúc, còn vì đây là ngày đặc biệt trong năm, khi mặt trời nằm ngang đường xích đạo nên trong ngày này có độ dài ngày và đêm bằng nhau- là biểu tượng cho sự cân bằng, hài hòa của vũ trụ. Cũng là biểu tượng của sự cân bằng giữa âm và dương, giữa ánh sáng và bóng tối, giữa ước mơ và hiện thực… Ngày 20/3 cũng truyền tải thông điệp rằng: Cân bằng, hài hòa là một trong những chìa khóa để mang đến hạnh phúc.

Bài, ảnh: NGỌC QUYÊN