Đào tạo nghề thích hợp cho lao động nông thôn

Cập nhật, 15:28, Thứ Ba, 23/10/2018 (GMT+7)

Nhiều nghề như đan đát, may gia công mang lại thu nhập khá, giúp lao động nông thôn ở Tam Bình có thu nhập đều đặn, ổn định cuộc sống. Địa phương cũng linh hoạt hơn trong việc mở nhiều lớp đào tạo đa dạng về độ tuổi, hoàn cảnh sống, sở thích… để phát huy những đặc trưng, lợi thế của địa phương.

Lớp học nghề trang điểm ở Tam Bình.
Lớp học nghề trang điểm ở Tam Bình.

Nghề trang điểm hấp dẫn nhiều độ tuổi

Gương mặt góc cạnh trở nên bầu bĩnh hơn, đôi môi trông xinh xắn hơn, mái tóc trẻ trung hơn,… là điều mà những học viên trang điểm tự hào “khoe” vì bàn tay mình đã “làm đẹp hơn” cho người khác.

Trang điểm là nghề bắt kịp với xu thế làm đẹp của mọi người. Không chỉ các cô dâu mà những người đi dự tiệc, sinh nhật, tham dự các sự kiện, lễ hội… đều có nhu cầu trang điểm. Trong nhịp sống hiện đại, nhu cầu làm đẹp tăng cao giúp chuyên viên trang điểm có việc làm thường xuyên.

Với đam mê, chút khéo léo thì người học nghề dù ở độ tuổi nào cũng có thể theo nghề, không phải đầu tư quá nhiều thời gian. Từ đầu năm đến nay, huyện Tam Bình đã mở 3 lớp đào tạo nghề trang điểm. Lớp ở ấp Phú Thạnh, xã Long Phú thu hút 17 học viên.

Khéo léo chăm chút cho từng đường cọ vẽ, cô Lê Thị Thủy cho biết: “Nghe có lớp dạy làm đẹp là chị em vui dữ lắm, đăng ký liền. Ở nông thôn, chị em ít có điều kiện để tham gia mấy lớp vầy, khóa học rất là ý nghĩa. Chị em tụi tui đa số quanh quẩn ruộng vườn, bây giờ học được một số kỹ năng có thể tự làm đẹp đi đám tiệc nên phấn khởi đi học, hổng bỏ buổi nào”.

Em Phan Ngọc Lan Chi (15 tuổi) là thành viên nhỏ tuổi nhất lớp. Từ nhỏ, Lan Chi đã thích coi dạy trang điểm trên tivi, “bây giờ được trực tiếp học mới biết nhiều điều thú vị lắm”. “Em ráng hoàn thành chương trình học rồi tiếp tục theo đuổi nghề trang điểm này, đi học thêm khóa dạy nâng cao nữa để sau này đi làm kiếm thu nhập phụ giúp gia đình”- Lan Chi chia sẻ.

Là thành viên nam duy nhất trong lớp cũng là người hóm hỉnh mang lại tiếng cười cho mọi người, em Nguyễn Trọng Chánh (18 tuổi) thì cho hay, em đã đi học trang điểm được 6 tháng. “Lớp đào tạo nghề lần này mở đúng nghề mà em yêu thích nên đăng ký học liền để có thêm nhiều kinh nghiệm.

Em cố gắng học để tích lũy thật nhiều kiến thức, học hỏi thêm nhiều mẫu trang điểm, làm tóc, cập nhật xu hướng làm đẹp để khi có điều kiện, em sẽ mở tiệm, theo đuổi đúng đam mê, làm chủ một tiệm nhỏ của riêng mình”- Chánh vui vẻ kể về ước mơ.

Ổn định những làng nghề

Nghề đan thảm lục bình và những cây lục bình đã gắn với người dân và trở thành sinh kế của không ít bà con nơi đây. Phát triển nghề đan đát từ sớm, xã Ngãi Tứ, Bình Ninh vẫn ổn định những làng nghề với hàng ngàn lao động.

Ông Phạm Phú Cường- Phó Chủ tịch UBND xã Ngãi Tứ- cho biết: “Hợp tác xã Tiểu thủ công mỹ nghệ Ngãi Tứ có trên 1.500 lao động. Đầu ra ổn định nên bà con thu nhập khoảng 2 triệu đồng/tháng, tận dụng thời gian nông nhàn lại có thêm thu nhập, cho con đi học”.

Từ đầu năm đến nay, xã Ngãi Tứ đã tổ chức 5 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, với 116 học viên. Trong đó, lớp kỹ thuật trồng cây có múi (22 học viên), lớp sinh vật cảnh (36 học viên), may gia công (30), lớp ghép cây dưa leo, trồng màu (28).

Tăng thu nhập cho nông dân lúc nông nhàn bằng những món quà của thiên nhiên.
Tăng thu nhập cho nông dân lúc nông nhàn bằng những món quà của thiên nhiên.

Số lao động đông nhất ở các ấp Bình Quý, ấp Bình Ninh và An Thông. Hợp tác xã cho ra đời hơn 10 loại sản phẩm khác nhau bằng lục bình: đĩa, chậu, bàn… Các sản phẩm được tiêu thụ tại Vĩnh Long, Bình Dương, Đồng Nai,…

Đến nay, xã Bình Ninh vẫn duy trì và nâng chất lượng Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ Quyết Thắng ở ấp An Hòa A, có 12 thành viên với tổng vốn điều lệ là 490 triệu đồng chuyên đan khung, thảm bằng dây lục bình, có liên kết với các doanh nghiệp thu mua sản phẩm và cung ứng vật tư; toàn xã có 24 tổ hợp tác sản xuất, 6 làng nghề đan thảm lục bình giải quyết việc làm tại chỗ cho 1.245 lao động.

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một việc làm bức thiết góp phần phát triển kinh tế- xã hội của mỗi vùng quê và của đất nước trong sự phát triển hội nhập.

Huyện Tam Bình đang tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo nghề nông thôn, trong đó chú trọng phát triển các ngành nghề mới phù hợp với điều kiện phát triển của huyện để khai thác tiềm năng sẵn có của địa phương, giúp người dân có thu nhập tốt hơn, ổn định cuộc sống.

Ông Phạm Phú Cường- Phó Chủ tịch UBND xã Ngãi Tứ- còn trăn trở: “Có nhiều lớp học, chương trình hay, tuy nhiên tôi nghĩ Đề án Đào tạo nghề lao động nông thôn phải phù hợp nhu cầu của người dân nông thôn hơn nữa, để học xong có thể ứng dụng, giải quyết được việc làm hết cho người dân”.

 

Bài, ảnh: HUYỀN THÚY