Người thương binh mù và đôi bàn tay "có mắt"

Cập nhật, 05:43, Thứ Bảy, 08/09/2018 (GMT+7)

Tình yêu, sự chung thủy sắt son của người đồng đội, người vợ đã giúp chú Hồ Văn Suôl (70 tuổi, thương binh 1/4, ấp Mỹ Thạnh B, xã Lục Sĩ Thành- Trà Ôn) tìm thấy ánh sáng của cuộc đời mình. 

Với cây gậy nhỏ, chú Sáu Suôl- dù bị mù đôi mắt, ngày ngày vẫn có thể đi làm vườn, bồi bùn từng gốc cây, làm nên kinh tế gia đình và tích cực tham gia công tác an sinh xã hội tại địa phương.

Từ những “cây nhãn Idol nái” chú Suôl tự tay chiết cây giống để trồng.
Từ những “cây nhãn Idol nái” chú Suôl tự tay chiết cây giống để trồng.

“Ánh sáng” đến từ yêu thương

Tìm đến cù lao Mây, hỏi thăm nhà thương binh Hồ Văn Suôl thì chúng tôi được trả lời bằng câu hỏi: “Ông Suôl có vợ hay không vợ?” Trên cù lao này, có đến 2 thương binh cùng họ tên, cùng bị mất đi ánh sáng. Người chúng tôi tìm là “ông Suôl có vợ”.

Chuyện người thương binh “mù” có thể làm nhiều việc: nấu cơm, đi làm vườn và biết vườn mình có bao nhiêu liếp, trồng bao nhiêu cây, đoán được cây có bệnh gì... được nhiều người ở cù lao Mây này nể phục.

Chú Hồ Văn Suôl nhớ lại, chú để ý cô Võ Thị Ánh khi 2 đại đội làm việc gần nhau. Trong những cô gái dân công hỏa tuyến, chú để ý cô Ánh vì “thấy thật là hiền”.

Rồi chú nhờ cha mẹ đến nhà cô Ánh ở Càng Long (Trà Vinh) dạm hỏi, nhận được cái gật đầu và lời hứa hẹn…

Rồi, không bao lâu chú Suôl vĩnh viễn mất đi đôi mắt ở tuổi đôi mươi tràn đầy hy vọng, bị thương vỡ một phần sọ, nhiều vết thương ở ngực, chân, tay trong một trận đánh của Tiểu đoàn 306 thuộc Trung đoàn 3 để chống trả sự càn quét của Mỹ ở xóm Rẫy (xã Ninh Thới, huyện Cầu Kè- Trà Vinh).

Tỷ lệ thương tật đến hơn 94%. Uống ngụm trà, chú Suôl chia sẻ: “Đã tham gia chiến đấu, tôi nghĩ chuyện bị mất tay, chân thậm chí hy sinh luôn nhưng thiệt tình chưa nghĩ tới có ngày mình hổng thấy đường.

Có khi, tôi cũng nghĩ quẩn, muốn chết vì không muốn là gánh nặng cho người thân, nhất là người vợ sắp cưới.

Rồi tôi muốn từ hôn, ai dè mẹ Tuyền (tên chú thường gọi vợ mình khi con gái đầu lòng Hồ Thanh Tuyền chào đời) không chê. Cô giúp chú tìm được “ánh sáng” từ tình yêu thương và chăm sóc ân cần của người vợ”.

Chú Suôl kể về ngày hòa bình: “Ngày giải phóng miền Nam, người người đi đón chồng, đón người yêu. Chúng tôi cũng vui, cũng hạnh phúc nhưng vợ tôi thì tay nách con, tay dẫn chồng, nghĩ tới hết sức tội nghiệp, rất trân quý tình nghĩa thủy chung của người phụ nữ của đời mình”.

6 người con lần lượt ra đời, nhiệm vụ của vợ chồng chú càng nặng nề hơn. Những năm đầu cuộc sống còn nhiều khó khăn, do con nhỏ, vườn tạp không thu được huê lợi gì.

Chiếc ghe nhỏ là tài sản duy nhất để vợ chồng chú chèo thu mua gạo, dừa về bán lại cho các thương lái. Chồng đằng mũi, vợ đằng lái, mải mê chèo ngày nắng cũng như ngày mưa, lênh đênh trên khắp các sông, rạch suốt 6 năm trời để mưu sinh.

Chú nhớ mỗi lần tết hay đám tiệc về quê vợ, thấy mấy anh em “cột chèo” ai cũng khá giả, có xe cộ còn mình hì hục chèo từ 3 giờ sáng đến hơn 6 giờ chiều mới về tới nhà ngoại, mình lại bị tật nguyền thì cũng buồn.

Nhưng rồi chú lại nghĩ, “lúc chiến đấu, gặp biết bao gian khổ, bom đạn của kẻ thù còn không sợ, thương tật đầy mình, có lúc gần như đánh đổi cả mạng sống nhưng chưa bao giờ thoái thác thì sợ gì cái khó, cái nghèo?”

Đôi bàn tay “có mắt”

Hầu như bên cạnh chú lúc nào cũng có cái “đài” nên chú Suôl rất rành thông tin thời sự, tiếp cận khoa học kỹ thuật để làm kinh tế vườn hiệu quả.
Hầu như bên cạnh chú lúc nào cũng có cái “đài” nên chú Suôl rất rành thông tin thời sự, tiếp cận khoa học kỹ thuật để làm kinh tế vườn hiệu quả.

Tiếng cười con trẻ rộn rã, vợ chồng thuận thảo đã tiếp sức cho chú vượt qua khó khăn những thăng trầm của cuộc sống. “Cuộc sống ưu tư, sầu não của kẻ tàn phế, chú bỏ qua một bên.

Mình phải thực hiện lời dạy của Bác Hồ “thương binh tàn nhưng không phế”, phải sống lạc quan, tìm niềm vui sống từ chính bàn tay mình để nhẹ gánh cho vợ con chớ!”- chú Suôl đúc kết và thể hiện quyết tâm.

Từ lúc tìm được phương châm sống cho mình, chú Suôl gạt đi cái cảm giác tối tăm vì mù lòa, thay vào đó là những đêm trằn trọc suy nghĩ cách kiếm tiền trang trải cho cuộc sống gia đình bằng cách cải tạo vườn tạp, trồng cây ăn trái. Bên cái radio nhỏ, chú nghe thông tin phát thanh hàng ngày.

Chú nghe riết và rành chuyện giá cả, chuyện vườn tược và tiếp cận được khoa học kỹ thuật trong trồng cây có múi, trồng nhãn...

Chú hiểu “muốn thoát nghèo phải cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng”. Hơn 10 công đất, vợ chồng chú trồng cam sành, chú cười: “Nhà này là trúng cam mà cất được đó, thấy vậy mà mười mấy cây vàng. Mỗi năm huê lợi từ trồng cây có múi hơn 100 triệu đó”.

Rồi chú trồng bưởi, bưởi tàn thì giờ chú ươm giống chuẩn bị chuyển sang trồng nhãn Ido (Edor). Nói rồi chú dẫn chúng tôi ra vườn, nơi những cây nhãn “nái” đang xanh mướt, được chú mua về trồng “hồi bưởi còn ngon, nay bưởi bị sâu đục, cằn cây thì nhãn Ido đã lớn”.

“Vợ chồng tôi chiết mấy cây nhãn nái này ra trồng sẽ tiết kiệm tiền giống rất nhiều. Ưu điểm của nhãn này là năng suất cao và chất lượng vượt trội, hạt nhỏ, cơm dày, thơm và ngọt lịm lại xuất khẩu được giá cao và không bị chổi rồng”.

Chú khoe: “Mù vậy mà chú có kinh nghiệm chăm sóc cây à nghe. Rờ lá chú biết. Lá to mà mỏng thì thiếu phân lân. Phải bón đủ phân lân, kali lá mới cứng, dày và cây mới cứng”.

Để trồng nhãn, chú cũng mua về mấy tấn phân gà ủ sẵn, vì “phân hữu cơ phải ủ kỹ mới chết những vi sinh vật có hại, khi bón cho vườn, cây và đất đều tốt, lại lâu bền”- chú Suôl nói.

Sống cùng nhau 48 năm, giờ đây 6 người con của vợ chồng chú Suôl đều có cuộc sống ổn định. Chú Suôl tâm sự: “Tình gia đình luôn thuận thảo, biết yêu thương, chia sẻ cùng nhau giữ nếp nhà đầm ấm. Bao nhiêu đó cũng làm chú thấy hạnh phúc lắm rồi”.

Không chỉ là người chồng, người cha mẫu mực, chí thú làm ăn phát triển kinh tế gia đình, chú Suôl còn rất tích cực trong các phong trào ở địa phương.

Ông Đinh Văn Thêm- Chủ tịch Hội Người tàn tật, bảo trợ trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo xã Lục Sĩ Thành- cho biết: “Chú Suôl là người chồng, người cha mẫu mực, chí thú làm ăn phát triển kinh tế gia đình.

Chú còn rất tích cực trong các phong trào ở địa phương. Là ủy viên của Hội Người mù tỉnh, chú giúp đỡ cho nhiều đồng chí, đồng đội và bà con địa phương có hoàn cảnh khó khăn, vươn lên trong cuộc sống”. 

Thương binh Hồ Văn Suôl vừa được nhận bằng khen của UBND tỉnh vì đạt thành tích phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2016- 2018”.

Bài, ảnh: QUYÊN HUYỀN