Làm đường nông thôn, xây nhà từ Đề án 1956

Cập nhật, 13:55, Thứ Sáu, 07/09/2018 (GMT+7)

Thời gian qua, có một cách làm mới rất hiệu quả từ Đề án 1956 đã đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế- xã hội ở các vùng nông thôn, cũng như góp phần thực hiện an sinh xã hội. Đó là các lớp dạy nghề xây dựng dân dụng vừa học vừa trực tiếp xây dựng các công trình tại địa phương.

Công trình giao thông nông thôn xây bờ kè tại ấp Ngãi Lộ A (xã Trà Côn- Trà Ôn) từ nguồn kinh phí Đề án 1956.
Công trình giao thông nông thôn xây bờ kè tại ấp Ngãi Lộ A (xã Trà Côn- Trà Ôn) từ nguồn kinh phí Đề án 1956.

Thông thường ở vùng nông thôn, những người thợ hồ ít được qua các lớp đào tạo bài bản, không có chứng chỉ nghề… nên chỉ tham gia xây dựng những công trình nhỏ ở địa phương, thu nhập thấp.

Do vậy, từ đầu năm 2018 đến nay, những lớp đào tạo nghề xây dựng dân dụng với mô hình thực hành gắn liền công trình địa phương là một trong những cách nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với hiệu quả giải quyết việc làm, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn.

Sau khi tham gia các khóa đào tạo này, các học viên không chỉ được cấp chứng chỉ nghề mà còn được giới thiệu tham gia xây dựng ở những công trình lớn, được làm việc trong môi trường lao động an toàn, với thu nhập cao hơn.

Ngoài ra, kinh phí mua nguyên vật liệu cho học viên thực hành sẽ được đưa vào xây dựng các công trình xã hội, như nhà ở cho hộ nghèo, bờ kè, công trình giao thông nông thôn.

Học viên cùng nhau cất nhà cho hộ nghèo.
Học viên cùng nhau cất nhà cho hộ nghèo.

Một mặt là tạo điều kiện để học viên rèn luyện tay nghề, mặt khác là góp phần giúp cho các địa phương trong tỉnh có thêm điều kiện thuận lợi để thực hiện tốt tiêu chí an sinh xã hội trong xây dựng nông thôn mới.

Ông Nguyễn Văn Nguyên- Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên huyện Mang Thít- cho biết:

Huyện vừa mở lớp đào tạo nghề xây dựng dân dụng với mô hình thực hành gắn liền công trình địa phương đầu tiên của tỉnh tổ chức tại ấp Phú Thọ (xã Nhơn Phú) trong 3 tháng.

Các học viên thực hành xây dựng đường đan ấp Phú Thọ dài 101m, ngang 1,6m và đường đan ấp Chợ dài 100m, ngang 2m với tổng kinh phí gần 80 triệu đồng.

Chạy xe bon bon trên con đường đan do chính tay mình cùng các anh em làm, anh Lê Thanh Mộng (ấp Phú Thọ) phấn khởi: “Tui rất mừng vì được hỗ trợ đào tạo nghề. Anh em tụi tui trước đây chưa có việc làm ổn định, ai thuê gì làm nấy thì bây giờ cũng có cái nghề để kiếm tiền lo cho gia đình”.

Không ngại trời nắng chang chang, hơn 20 “thợ hồ” của lớp xây dựng dân dụng vừa được Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh mở tại xã Trà Côn (Trà Ôn) cùng nhau “thực hành” xây gia cố lại 1 đoạn đường đan nhỏ ở ấp Ngãi Lộ A.

Anh Nguyễn Hữu Tươi- Trưởng Ban Công tác mặt trận ấp Ngãi Lộ A (xã Trà Côn) phấn khởi: “Đoạn đường đan này bị lở nhiều, địa phương đã gia cố nhiều lần, nhờ có lớp xây dựng đã giúp ấp gia cố lại bờ kè, đường đan xuống cấp, tạo điều kiện đi lại thuận tiện cho bà con”.

Lưng ướt đẫm mồ hôi, anh Thạch Sol (ấp Ngãi Lộ A, xã Trà Côn) khoe: “Tụi tui chạy qua chạy lại thấy bờ kè này bị sụp rất nguy hiểm, người chạy xe té lên té xuống hoài. Tui cùng anh em học nghề xây dựng này, cố gắng cùng mần công trình sao cho ngon lành, để dân qua lại êm, không té nữa.”

Hoàn cảnh khó khăn, nên căn nhà đã xuống cấp lâu mà anh Nguyễn Phúc Linh (xã Nhơn Bình- Trà Ôn) không có điều kiện cất mới lại. Nhờ kinh phí của lớp dạy nghề xây dựng của xã và học viên trực tiếp thực hành không lấy tiền công nên gia đình anh Linh sẽ có nhà mới khang trang, giúp anh ổn định cuộc sống.

Trực tiếp thực hành xây đường đan ở địa phương, cất tô nhà cho hộ nghèo cũng là việc ý nghĩa mà các học viên vừa được học, vừa được thực hành giúp ích cho địa phương mình.

Có thể thấy, từ hiệu quả của các lớp dạy nghề xây dựng dân dụng từ Đề án 1956 trong thời gian qua đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế ở các vùng nông thôn, góp phần thực hiện an sinh xã hội.

Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG