Chuyện lòng mẹ Ở

Cập nhật, 13:09, Chủ Nhật, 10/12/2017 (GMT+7)

Nhà của Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Ở ở cuối một con đường nhỏ thuộc ấp Mỹ Trung 1 (xã Mỹ Thạnh Trung- Tam Bình) nhưng khi hỏi thăm thì trong ấp ai cũng biết. Mẹ niềm nở mở cửa nhà trên mời khách, ánh mắt đong đầy niềm vui.

Mẹ hồi tưởng về quá khứ, rõ mồn một như thước phim quay chậm để chúng tôi cùng được sống trong những ngày khói lửa đầy mất mát nhưng oai hùng.

Mẹ Ở kể về những chuyện làm cho cách mạng mà “hồi đó, không biết sợ là gì hết đâu, mấy đứa ơi!”
Mẹ Ở kể về những chuyện làm cho cách mạng mà “hồi đó, không biết sợ là gì hết đâu, mấy đứa ơi!”

Mẹ làm cách mạng

Mẹ Ở (80 tuổi) ngồi trên bộ ván móm mém nhai trầu. Những câu chuyện chiến tranh ùa về, giọng mẹ rành rọt khi kể một thời kháng chiến. Quê gốc của mẹ bên dòng kinh xáng Xà No (Cần Thơ).

Năm 1945, mẹ Ở cùng cha và em trai về vùng đất Tam Bình này.

Mẹ Ở lấy khăn lau mặt, nói: “Năm đó tui 8 tuổi, mẹ tui bị dịch tả chết. Hồi đó, em trai tui mới 6 tháng tuổi”- mẹ nhìn lên bàn thờ, nói thêm- “Mẹ tôi chết cũng không có cái áo lành để mặc, cha lấy miếng vải mùng quấn tạm”.

Rồi vài tháng sau thì người em trai cũng chết vì bệnh tật.

Từ khi về vùng đất Mỹ Thạnh Trung này, cha của mẹ Ở cất nhà vách đôi nuôi chứa cán bộ. Mẹ cười móm mém nói: “Hồi đó, gan lắm, không sợ gì hết đâu mấy đứa”.

12 tuổi, mẹ đã hăng hái giúp khi cách mạng cần. Những lần mẹ đội lá môn đi bán thì đội luôn trái lựu đạn cho du kích hay rải truyền đơn hoặc làm những gì các anh, các chú nhờ.

16 tuổi mẹ thành giao liên “băng đồng” chuyển thư. Mẹ còn nhớ như in những nút giao liên, những gốc cây, bụi chuối,… mà mẹ bỏ túi thư ở đó rồi đi về.

Mẹ Ở lấy chồng như một cái duyên cách mạng. Trần Văn Hào (bí danh Bảy Cụt) thường tới lui trú ẩn trong nhà mẹ rồi bén duyên.

Lấy chồng làm cách mạng, mẹ Ở không có đám cưới “đường hoàng” như mọi người, chỉ có mâm cơm cúng ông bà rồi theo chồng vào đồng trốn lính.

Bà nói “ổng thương tui hồi nào tui không biết, tui thì thương cái hoàn cảnh của ổng, cụt bàn tay mặt mà vẫn có gan làm cách mạng, thương cảnh gà trống nuôi con”.

Sau khi chồng hy sinh, mẹ vẫn tiếp tục góp sức mình cho cách mạng. Mẹ chỉ tay ra phía sau nhà, nói: “Hồi đó, tui đào hầm dưới cây rơm, không bự hung nhưng 12 người trốn được”.

Mỗi khi có cán bộ về trú dưới hầm, mẹ Ở lại xách đèn mo cau đi vòng vòng xem tình hình, nếu ổn không có lính thì “giơ lên giơ xuống cái đèn 3 lần, để anh em họ biết mà vô nhà nghỉ ngơi”.

Đối với mẹ, cách mạng cần là mẹ giúp, cách mạng kêu là làm. Mẹ lấy bột nếp in truyền đơn rồi giấu truyền đơn trong thúng rau mang ra chợ rải. Mẹ cùng anh em cuốc đất phá đường lộ Cái Sơn (Đường tỉnh 905) ngăn xe của lính.

Cuốc lộ phải “cuốc hình chữ L” để xe lớn, xe nhỏ đều không qua được. “Mỗi lần cuốc xuống đá, lộ lại nháng lên tia sáng, đồn giặc phát hiện xả súng xuống bắn đùng đùng”.

Những nỗi đau “đứt ruột”

Những chuyện lòng mẹ Ở không thể nào quên.
Những chuyện lòng mẹ Ở không thể nào quên.

Căn nhà thoang thoảng khói hương chúng tôi vừa thắp trên 2 bàn thờ. Mẹ ngồi đối diện với bức tường có tấm bằng Tổ quốc ghi công của chồng, con và Huy chương kháng chiến hạng nhất của mình, bàn tay gầy guộc nhăn nheo day day sống mũi. Nhắc đến chồng con, mẹ trầm ngâm, đôi mắt đượm buồn…

Giọng mẹ trầm xuống khi kể về chồng con, đặc biệt người con trai thứ hai- liệt sĩ Trần Văn Hùng.

Mẹ Ở nhắc đến người con trai đầu tiên trong câu chuyện kể “Tui nói thiệt, thằng Hai là con riêng của ổng.

Vợ ổng sanh khó mà chết để lại nó bơ vơ, nhưng tui thương nó như con ruột”. 15- 16 tuổi, ông Trần Văn Hùng đã tham gia du kích xã. Mỗi ngày ông dẫn trâu vào đồn ăn cỏ nên lính không nghi ngờ.

Năm 1972, khi ông 18 tuổi, được lệnh dẫn tiểu đội tấn công đồn. Không may thất bại, ông cùng 2 đồng đội bị địch bắt và giết dã man.

Mẹ Ở nghẹn ngào: “Tụi nó đè thằng Hai xuống, mổ bụng móc ruột móc gan hết mấy đứa ơi”- mẹ Ở lấy khăn lau mặt, mắt rưng rưng: “Chúng lấy gan xào ăn tại chỗ, còn bắt mấy người đè, mỗi người ăn một miếng”.

Câu chuyện của mẹ như chùng xuống, không gian yên lặng như tưởng niệm người liệt sĩ trẻ, chỉ có tiếng kim đồng hồ tích tắc gõ đều.

Rồi mẹ lại nói về chồng trong niềm tự hào, đôi mắt bỗng sáng long lanh: “Chồng tui làm công tác binh vận, nói chuyện nghe hay lắm, ổng còn được gọi là Năm Nhờ, Bảy Thành, Bảy Cụt”. Dù bị cụt bàn tay phải do chiến tranh, ông vẫn tham gia cách mạng, nuôi mẹ già con nhỏ.

Vợ trước của ông Hào chết do sanh khó, ông bồng con về quê nội ở xã Mỹ Thạnh Trung này. Do ông bị tên cảnh sát Sách ra lệnh truy sát “gặp thằng Bảy Cụt ở đâu thì giết đó” nên vợ chồng vào tận đất lâm (vùng đất phèn- trước đây là vùng sâu của huyện Tam Bình) sinh sống và tiếp tục tham gia cách mạng.

Cuộc sống của mẹ khó khăn đến mức: “Bận cái áo phèn cháo không, đầu tóc thì lúc nào cũng rối bù”. Mỗi ngày, ông bơi xuồng đi làm chuyện cách mạng, bà ở nhà mò cua bắt cá nuôi con.

Mỗi chiều hôm đợi tan tiếng súng, bà lại bơi xuồng đi tìm ông, miệng gọi “ông Bảy ơi, ông Bảy Cụt ơi, ông đâu rồi… Vậy là ổng lội ra”- mẹ Ở thở dài- “Nhưng cái bận tháng 4/1969 thì ổng không lội ra nữa”.

Bà bơi xuồng khắp đồng, gọi ông đến khan tiếng vẫn không gặp, đành quay về chòi thì được hàng xóm cho hay ông bị bắn, xác nằm giữa đồng bên Xẻo Hàn. Ban đầu bà không tin vào sự thật, cho đến khi nhìn thấy xác chồng…

“Thương nhớ dữ lắm, chiều nào cũng ngóng ổng, tự nói với lòng là ổng đi công tác chưa dìa”- mẹ bồi hồi. Mẹ nhủ với lòng có đau mấy, buồn mấy cũng ráng gượng mà sống tiếp nuôi 5 đứa con thơ, chờ ngày hòa bình.

Thưa mẹ ra về, chúng tôi nhớ như in con đường mòn nhỏ với những hàng cây xanh mát như tâm hồn mẹ. Dù có bao mất mát, đau thương nhưng cây vẫn hiên ngang đứng đó, luôn nâng niu mạch sống cho đời.

Nhìn về phía những vườn cây trái xanh tốt và con đường đan thẳng tắp trước nhà, mẹ Ở cười hiền hậu: “Chồng tui hay kể chuyện về Bác Hồ. Ổng nói sau này độc lập có lộ, điện, đường, ông sẽ sắm xe hơi chạy,… Lúc đó, tôi nói ổng nói chuyện tào lao”- mẹ Ở bâng khuâng nói tiếp- “Vậy mà, những lời ổng nói giờ thành sự thật,… nhưng chỉ còn mình tui chứng kiến…”

Bài, ảnh: CAO HUYỀN- PHƯƠNG THÚY