Mô hình khuyến nông đô thị của phụ nữ

Cập nhật, 13:37, Thứ Tư, 22/02/2017 (GMT+7)

Để nâng cao chất lượng sống, cải thiện điều kiện kinh tế, nâng cao thu nhập cho hộ cán bộ, hội viên phụ nữ ở đô thị, mô hình “Phụ nữ tham gia khuyến nông đô thị” đã được triển khai thực hiện tại TP Vĩnh Long, bước đầu mang lại hiệu quả khả quan.

Các chị tham gia trồng lan cho thu nhập khá.
Các chị tham gia trồng lan cho thu nhập khá.

Thực hiện Chương trình phối hợp liên tịch giữa Sở Khoa học- Công nghệ và Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Vĩnh Long về việc vận động đẩy mạnh các hoạt động chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ cho phụ nữ theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và để giúp các chị có việc làm thêm tại nhà lúc nhàn rỗi, tăng thu nhập, nâng tầm cuộc sống, mô hình “Phụ nữ tham gia khuyến nông đô thị” được triển khai tại TP Vĩnh Long. Theo đó, có 2 mô hình được thực hiện là trồng hoa lan và trồng nấm bào ngư.

Hiện nay, đã có 7 hộ hội viên phụ nữ tham gia trồng hoa lan cắt cành với 8.400 cây lan giống được hỗ trợ 100% chi phí mua cây giống, 30% vật tư thiết yếu không thu hồi và hỗ trợ 100% khảo sát, chi phí triển khai, quản lý, chi phí tập huấn chuyển giao kỹ thuật.

Về mô hình trồng nấm thì có trên 200 chị tham gia tập huấn kỹ thuật trồng và áp dụng thực hiện mô hình gần 1 năm nay, bước đầu đã thu được lợi nhuận tích cực.

Chị Mạch Thị Thành (Khóm 6, Phường 4) đã thành công với mô hình trồng hoa lan cho thu nhập khá. “Năm rồi, tôi được Hội LHPN tỉnh hỗ trợ 500 cây giống hoa lan tím và 1 giàn tưới tự động.

Từ đó, tôi phát triển ra được nghề trồng lan này, cứ vài ba hôm là cắt bán được hơn 100 bông. Thu nhập cũng đỡ lắm, nhờ đó mà chi tiêu trong gia đình khá hơn”.

Hộ chị Bùi Thị Huỳnh (Khóm 5, Phường 8) thì vợ chồng đều đi làm. Học hỏi từ bạn bè, anh chị đã mạnh dạn đầu tư trại trồng nấm trước sân nhà và mua 2.000 phôi nấm bào ngư xám về trồng để kiếm thêm thu nhập, phát triển cuộc sống.

Sau đó chị Huỳnh còn được đi học lớp tập huấn về kỹ thuật trồng nấm do Hội LHPN phối hợp mở. Đến nay, sau gần 7 tháng trồng, chị đã thu hoạch được 11 đợt, khoảng trên 500kg, giá bán ra được 30.000 đ/kg, chị thu lợi nhuận khoảng 10 triệu đồng.

Theo chị Hằng, nếu chăm sóc đúng cách thì khoảng 10 ngày là thu hoạch nấm bào ngư.
Theo chị Hằng, nếu chăm sóc đúng cách thì khoảng 10 ngày là thu hoạch nấm bào ngư.

Hộ chị Tăng Thị Cẩm Hằng (Khóm 3, Phường 8) là một trong những hộ trồng trước tiên và quy mô lớn với 6.000 phôi nấm bào ngư xám.

Chị cho biết: “Vợ chồng tự tìm hiểu nghiên cứu trên mạng và tự tìm mối mua phôi. Khi mới trồng cũng mày mò cách chăm sóc trên mạng và sau đó được đi tập huấn nên giờ đã vững tay nghề”. Chị Hằng đã trồng được 1 năm, thu hoạch khoảng 30 đợt, mỗi đợt từ 100- 120 kg/ 3.000 phôi.

“Lúc đầu, vợ chồng chị tự tìm mối bán ra, bỏ khắp các chợ và các mối lấy hàng, sau này tìm được mối lớn đến tận nơi lấy hàng với giá 35.000 đ/kg nên giờ rất yên tâm sản xuất”- anh Nguyễn Thanh Việt là chồng chị Hằng cho biết thêm.

Chị Hằng chia sẻ: “Loại nấm này cách trồng cũng đơn giản, tùy thuộc vào nhiệt độ để chăm sóc, chủ yếu là nền đất phải ẩm, mình phải tốn vài triệu tiền đầu tư làm trại.

Cứ thế, nếu chăm sóc đúng cách thì khoảng 10 ngày là có thu hoạch nấm bán. Tôi hiện ở nhà làm nội trợ, chỉ có chồng đi làm nên nhờ áp dụng mô hình này mà gia đình tôi tăng thêm thu nhập, bình quân khoảng 2 triệu đồng/tháng, cải thiện cuộc sống rất tốt”.

Bà Trần Hồng Thoa- Chủ tịch Hội LHPN Phường 8- cho biết, một số hộ trồng quy mô lớn thì có đầu ra ổn định, một vài hộ trồng ít thì phải bán nhỏ lẻ tại các chợ hoặc tại nhà. Hội LHPN phường đang tìm cách liên kết và thỏa thuận với các mối lái để các chị trồng ít này có được đầu ra ổn định.

Bà Phan Kim Quyên- Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh nhận định, mô hình bước đầu có hiệu quả, góp phần tăng thu nhập, phát triển kinh tế hộ gia đình cho cán bộ, hội viên phụ nữ một cách bền vững.

Hội cũng tổ chức các buổi tham quan học tập, chia sẻ kinh nghiệm các mô hình hay, có hiệu quả để nâng cao hiệu quả sản xuất theo hướng tìm thị trường bền vững cho sản phẩm của các mô hình.

Hướng tới, sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình tiến tới thành lập Tổ hợp tác hoa lan tại TP Vĩnh Long, tìm được một đầu mối tập trung, tin cậy hỗ trợ người trồng lan, trồng nấm trong thu hoạch, bảo quản và quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.

Bài, ảnh: HẢI YẾN