Nhân ngày Quốc tế người khuyết tật (3/12)

Chung tay vì người khuyết tật

Cập nhật, 05:57, Thứ Sáu, 02/12/2016 (GMT+7)

Với phương châm “Giúp cần câu hơn là cho con cá”, thời gian qua, tỉnh Vĩnh Long thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ người khuyết tật (NKT) và gia đình họ có việc làm, phát triển kinh tế để ổn định cuộc sống và hòa nhập với cộng đồng.

Được hỗ trợ xe lăn, chú Nguyễn Văn Thanh (xã Mỹ Thuận- Bình Tân) có thêm thu nhập từ việc bán vé số.
Được hỗ trợ xe lăn, chú Nguyễn Văn Thanh (xã Mỹ Thuận- Bình Tân) có thêm thu nhập từ việc bán vé số.

Cùng nhau vượt lên nỗi đau

Những NKT vốn dĩ không có được may mắn sống bình thường như bao nhiêu người khác. Chăm lo, bảo vệ và tạo điều kiện giúp họ vững tin, từng bước vươn lên ổn định cuộc sống là nhiệm vụ của các cấp chính quyền, đoàn thể và toàn xã hội.Nhiều NKT đã tự ý thức vươn lên trong cuộc sống, để không là gánh nặng cho gia đình, cho xã hội.

Tổ ấm nhỏ của 2 mảnh đời khiếm khuyết là anh Võ Văn Phong và chị Nguyễn Thị Thúy (xã Mỹ Thuận- Bình Tân) thêm rộn rã bởi tiếng cười con trẻ.

Đôi chân teo cơ yếu ớt là di chứng của căn bệnh sốt bại liệt của chị Thúy đã không làm chậm vòng quay của chiếc máy may để kiếm thêm thu nhập từ nghề sửa quần áo cho khách tại nhà.

Còn anh Phong đã vượt qua nỗi mặc cảm, tự ti để theo lớp nghề sửa chữa điện tử của Trường CĐ Nghề. Các ngón tay co quắp tưởng như khó mà tháo ráp, sửa chữa được cái ti vi, máy quạt, mô tưa…

Song, anh Phong sửa đồ điện tử rất “mát tay”, được bà con hàng xóm tin tưởng. Vợ chồng túc tắc mần, tuy cuộc sống vẫn còn lắm nỗi khó khăn. Đến khi anh chị gặp được chương trình “Thần tài gõ cửa” của Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long, với “3 điều ước”, anh chị may mắn “rút thăm” được 41 triệu đồng.

Chị xúc động: “Số tiền này sẽ giúp tui sửa lại nhà lành lặn hơn và sắm máy may, máy vắt sổ để may đồ đỡ vất vả hơn.

Còn ảnh thì sắm máy tiện, máy hàn sửa chữa đồ điện tử. Vợ chồng tui mang ơn chương trình đã giúp ước mơ có tiền mua sắm đồ nghề thành hiện thực”.

Cùng chung nỗi đau bất hạnh bị tật nguyền vì cơn sốt bại liệt, chú Võ Thành Mười Một (xã Quới Thiện- Vũng Liêm) mặc cảm với đôi chân teo tóp của mình.

Song, nghịch cảnh ấy ngày dần được khỏa lấp và “tiếp sức” cho chú vượt qua khó khăn bởi những người bạn đã tận tình chỉ dẫn chú đến với nghề thợ mộc.

Và hơn 20 năm qua, chú miệt mài với cưa, bào, đục, đẽo,... với những cây gỗ để đóng tủ, giường, bàn, ghế,… đủ lo cuộc sống cho chú và mẹ già.

Chú tâm sự: “Trước làm chưa quen mệt lắm, người đau nhức ê ẩm, giờ mần khỏe rồi. Nhà còn hơn nửa công vườn, tui trồng tắc (tứ quý) bán. Thu nhập chủ yếu từ nghề mộc, ngày kiếm cũng hơn 100 ngàn, mẹ con tui sống khỏe”.

Giúp “cần câu” cho NKT

Vĩnh Long có trên 18.300 NKT. Trong đó có khoảng 6.300 người còn khả năng lao động. Việc dạy cho NKT một nghề theo khả năng thích hợp và tạo việc làm cho họ chính là đã trao “cần câu” để họ tự làm chủ cuộc sống, từng bước hòa nhập cộng đồng.

Thời gian qua, các hoạt động hỗ trợ sinh kế, chăm lo đời sống cho NKT luôn được Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo Vĩnh Long đặc biệt quan tâm. 

Với phương châm “trao cần câu hơn là cho con cá”, hội đã tổ chức dạy nghề, giới thiệu việc làm và hỗ trợ vốn cho các đối tượng phát triển sản xuất, tăng thu nhập, ổn định
cuộc sống.   

Từ chương trình dạy nghề, tìm và tạo việc làm cho NKT, gần 2 năm nay, có trên 700 người được đào tạo nghề và 750 người được giới thiệu việc làm mới. 

Để tạo điều kiện cho NKT làm ăn, hội đã trao nhiều xe lăn, xe lắc để họ có phương tiện thay đôi chân đi lại làm ăn ổn định cuộc sống.

Em Nguyễn Thị Bích Châu (Phường 2- TP Vĩnh Long) cho biết: “Nhờ được học nghề đan giỏ bằng dây nhựa, em có tiền lo cho bản thân. Em thấy mình là người có ích và vượt qua mặc cảm khuyết tật”.

Ngoài ra, tỉnh Vĩnh Long có nhiều chương trình từ thiện giúp NKT vượt qua khó khăn, hòa nhập vào cộng đồng.

Cơ sở massage Ánh sáng và Niềm tin (địa chỉ số 71/17 Nguyễn Huệ, Phường 2- TP Vĩnh Long) do Hội Người mù tỉnh Vĩnh Long vận động xã hội hóa đã thành lập từ cuối tháng 3/2016. Đây là nơi cho hàng chục người khiếm thị làm việc, nhằm giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người khiếm thị.

Chương trình “Thần tài gõ cửa” của Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long đã giúp hỗ trợ vốn cho nhiều người nghèo chẳng may bị khuyết tật, có tay nghề và ý chí lao động cần cù, biết vượt lên gian khó được phát triển tay nghề. Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Vĩnh Long đã vận động gây quỹ giúp đỡ hàng ngàn nạn nhân chất độc da cam.

Cả xã hội đang chung tay, dồn sức hỗ trợ, giúp sức cho NKT, động viên NKT bằng những chương trình mang đầy ý nghĩa nhân văn. Qua đó, nâng bước ước mơ, mang niềm vui cho những người nghèo khuyết tật vốn chịu nhiều thiệt thòi sẽ tự tin hòa nhập vào cộng đồng.

Bằng các nguồn quỹ vận động, 2 năm qua, Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo Vĩnh Long đã trợ vốn sinh kế trên 1,8 tỷ đồng gần 1.500 NKT giúp họ tự tạo việc làm thêm, như: bán vé số, buôn bán nhỏ, sửa đồ điện tử, gia công đồ mộc, làm thủ công, chăn nuôi tại gia đình... Đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 4.500 NKT có việc làm ổn định với thu nhập từ 1 triệu đến vài triệu đồng/tháng.

 

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN