Lối đi nào cho cử nhân "vùng trũng"?

Kỳ 2: "Đầu xuôi" nhưng đuôi "chưa lọt"

Cập nhật, 09:39, Thứ Tư, 26/10/2016 (GMT+7)

 

Các trường đều đầu tư cơ sở vật chất khang trang, hiện đại nhưng bài toán tuyển sinh và chất lượng nguồn tuyển còn là bài toán khó.
Các trường đều đầu tư cơ sở vật chất khang trang, hiện đại nhưng bài toán tuyển sinh và chất lượng nguồn tuyển còn là bài toán khó.

Những cô cử, cậu cử không tìm nổi việc làm ở ĐBSCL, đã trở thành hiện tượng đáng báo động, nhưng bản chất của vấn đề là gì? Cần phải “bắt mạch” hiểu rõ nguyên nhân, mới có thể đưa ra những giải pháp “đủ liều” khả dĩ trị dứt “căn bệnh” thất nghiệp của trí thức trẻ hiện nay.

Mở ngành cho giảng viên có việc làm

Một lãnh đạo trường cho rằng, chúng ta vẫn nói đào tạo theo cái xã hội cần chứ không đào tạo theo những gì trường có. Nhưng, nếu các trường cứ chạy theo nhu cầu xã hội- mà nhu cầu này cũng không rõ ràng- lại quên đi nguồn giảng viên của mình thì các thầy cô lấy sinh viên (SV) đâu để giảng dạy?

TS. Trần Mạnh Hùng- Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bạc Liêu cho rằng: Nếu cứ không có SV là đóng cửa trường, thì mất công ăn việc làm của giảng viên nên vẫn tuyển.

Nhưng với các ngành sư phạm có nhu cầu ít, trường có thể chỉ tuyển vài chục chỉ tiêu để bù đắp vào số giáo viên thiếu cục bộ hàng năm. Việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện thì càng khó khăn hơn nhiều.

Theo ông, cử nhân trước hết không nên có suy nghĩ học xong là làm liền. “Học là để nâng cao kiến thức và tự tìm việc làm. Việc đào tạo cũng không chỉ gắn với việc làm mà trước là nâng cao dân trí, đào tạo nhân tài”- TS. Trần Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cửu Long Nguyễn Cao Đạt cho rằng việc mở ngành theo nhu cầu xã hội cũng mang tính chất tương đối. Nghĩa là khi mở một chuyên ngành nào đó, các trường thường dừng lại ở mức “nghe ngóng” chứ số liệu nhân lực cần cho ngành đó thì không biết chính xác được.

Theo ông, công tác tuyển sinh khó khăn càng ảnh hưởng hơn đến chất lượng đào tạo. Ông ví dụ: “Tuyển sinh khó thì hạ điểm và đầu vào thấp, như năm nay có nhiều trường lớn đều hạ điểm chuẩn còn bằng điểm sàn là 15”. Nếu tuyển không được thì phải liên kết đào tạo với các trường khác, chất lượng liên kết thì không trường nào giống trường nào!

GS.TS. Nguyễn Thanh Phương- Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ nói: “Tôi không đồng tình với quan điểm do các trường đào tạo nhiều nên thất nghiệp. Quá trình đào tạo là liên tục không thể vì kinh tế mà giảm chỉ tiêu, khi kinh tế khôi phục trở lại mình không đủ cung cấp thì sao?

Quá trình đào tạo là thường xuyên, việc làm là do kinh tế chuyển dịch trong toàn xã hội lúc nào cũng có độ vênh, cung phải liên tục. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng: “Riêng ngành sư phạm rơi vào những vị trí mà mình đã biết trước.

Đào tạo sư phạm phải tính kỹ tránh cử nhân ra trường thất nghiệp, họ rất khó tìm việc khác. Đây cũng là một lãng phí cho Nhà nước vì ngành này được bao cấp không phải đóng học phí”.

Thực tế, nhiều trường phải đào tạo những ngành nghề theo khả năng của mình để tạo việc làm cho giảng viên. Thêm vào đó, các trường ĐH địa phương, trường ĐH top dưới lấy điểm bằng điểm sàn hoặc chỉ xét học bạ thì làm sao chọn được SV có chất lượng thực sự. Đầu vào xem ra thật sự dễ dàng, nhưng còn đầu ra sẽ ra sao?

Cử nhân “3 không”

“3 không” nói đến ở đây là không đủ trình độ chuyên môn, không có kỹ năng xã hội và không có ngoại ngữ.

Những năm gần đây, khi tham gia tư vấn tuyển sinh, chúng tôi thường nghe học sinh hỏi “em nghe nói học quản trị kinh doanh ra trường cũng phải làm nhân viên bán hàng phải không?” hay “em muốn thi ngành báo chí nhưng nghe nói làm phóng viên phải thường xuyên đi công tác, em muốn làm biên tập được không?” Những câu hỏi gây sốc ban tư vấn bởi nhiều bạn trẻ sớm có tâm lý muốn “ngồi mát ăn bát vàng”.

Tốt nghiệp loại giỏi Trường ĐH Cần Thơ, sau 3 năm ra trường Đoàn Thị T.L. (Tam Bình- Vĩnh Long) hiện đang làm công nhân cho công ty may ở Khu công nghiệp Hòa Phú. Bất ngờ nhất là 3 năm kể từ khi ra trường, L. chỉ nộp hồ sơ cho một đơn vị đúng chuyên ngành.

Cô nói: “Sau thời gian tìm việc không thành công, tôi không muốn nộp hồ sơ xin việc nữa. Không thể ở không ăn bám gia đình hoài được nên tôi đi làm, dù làm công nhân chỉ cần học xong THCS là được tuyển thì tôi cũng đi”- L. chia sẻ.

“SV bây giờ có nhiều nghịch lý, tốt nghiệp loại xuất sắc, loại giỏi chưa hẳn đã có việc làm”- Ths. Bùi Hữu Thuận- Trưởng khoa Nông nghiệp Trường ĐH Cửu Long nói. Thực tế, có nhiều cử nhân có tấm giấy thông hành là bằng tốt nghiệp “đẹp như mơ” lại không tìm được việc làm.

Giải thích điều này, nhiều giảng viên cho rằng: những cử nhân, kỹ sư ấy quá tự tin vào bản thân mình, cứ kén cá chọn canh, thường nghĩ mình phải làm những việc cao siêu thu nhập khủng.

Bạn Nguyễn Thị P.T. (Tam Bình) tốt nghiệp Trường CĐ Kinh tế- Kỹ thuật Cần Thơ ngành tài chính ngân hàng hơn 1 năm vẫn đang trong tình trạng thất nghiệp.

Cô cho biết từng xin được việc là cộng tác viên bán hàng cho một công ty viễn thông nhưng “em thấy công việc cực khổ quá, phải đi mời khách hàng từng cái điện thoại, cái sim nên em nghỉ”. Mẹ của T. lắc đầu nói thêm: “Tội nghiệp lắm, đi làm cái đó có khi không được ngủ trưa nữa!”

Nguyễn Thị Thanh N.- cựu SV CĐ ngành tiếng Anh đang làm nhân viên bán hàng cho một doanh nghiệp tư nhân.

Bạn đã giấu bằng CĐ để được xin vào vị trí này, N. chia sẻ: “Thật sự vốn tiếng Anh của tôi quá ít, đi dạy cũng không được, làm biên dịch phiên dịch cũng không xong”. Là nhà giáo 30 năm, thầy Đặng Hoàng Dũng- Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Long cho rằng: “Học sinh bây giờ có điều kiện học tốt hơn nhưng nhân tài lại ít. Các em thiếu kỹ năng sống vì được bao bọc quá chu đáo từ cha mẹ”.

Vấn đề học ngoại ngữ đối với nhiều cử nhân khi ra trường giống như một biện pháp đối phó chứ không phải để sử dụng. Các trung tâm ngoại ngữ mọc lên ngày càng nhiều và chất lượng thì không đâu giống đâu.

SV cũng rất mù mờ về chuẩn tiếng Anh theo khung Châu Âu vì ở đâu cũng đào tạo chương trình này. Nhiều SV có chứng chỉ tiếng Anh nhưng khi đi xin việc ở các công ty liên doanh nước ngoài thì viết không xong một đơn xin việc bằng tiếng Anh.

Hội nhập là thách thức cũng là cơ hội, liệu những cử nhân có vốn tiếng Anh bập bẹ có thể cạnh tranh với lao động nước ngoài? Cử nhân thất nghiệp, trước hết nên nhìn lại mình, nên bắt đầu cải thiện bản thân để biến mình thành ứng viên tiềm năng cho doanh nghiệp.

Nhà tuyển dụng nói gì?

Là nơi nhận lao động, các doanh nghiệp cũng rất đau đầu và nhiều nơi còn đặt dấu hỏi “người làm được việc đang ở đâu?”

Ths. Lâm Tâm Nguyên- giảng viên Trường ĐH Bạc Liêu đồng thời cũng là chủ cơ sở sản xuất cua giống cho rằng: Trong trường, đào tạo kiến thức cơ bản là phần cứng. SV ra trường chỉ được nhiêu đó, khi tiếp cận vấn đề của doanh nghiệp phải huấn luyện đào tạo lại.

Còn về kỹ năng mềm thật sự, các em còn yếu, chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp nên cần có quá trình chuẩn hóa để phù hợp. “Hàng năm, tôi có nhận SV về thực tập nhiều, nhưng nhận lại làm không nhiều”- ông Lâm Tâm Nguyên nói.

Bởi nhiều SV chưa chuyên tâm cho việc học nghề. Đợt thực tập vừa rồi tôi nhận 4 em CĐ Kinh tế- Kỹ thuật Cần Thơ để tạo điều kiện nhận lại có trả lương, cuối cùng không nhận được, có 2 em không đáp ứng được công việc, 2 em tư tưởng ngại khó muốn thu nhập nhẹ nhàng”.

Ông Trần Hoàng Minh- Giám đốc HTX Lúa giống Tư Minh (An Giang) là nơi thường nhận nhiều SV các trường ở ĐBSCL đến thực tập. Ông nhận xét: “SV năm cuối ĐH mà mình đọc luận văn bắt lỗi chính tả muốn chết luôn…”.

Là một lão nông trí thức, ông Tư Minh cho rằng SV cần có quan điểm cá nhân, đề tài phải có giải pháp kiến nghị phù hợp: “Luận văn mà toàn lý thuyết, suông đuột từ trên tới dưới thì không được”.

Trong khi đó, Giám đốc Ngân hàng TMCP Thương Tín (Sacombank) chi nhánh Vĩnh Long Cao Hồng Sơn cho biết, hàng năm Sacombank luôn có nhu cầu tuyển dụng nhân viên và luôn ưu tiên cho người địa phương.

Trong năm 2016, ngân hàng này cần tuyển 40 nhân viên nhưng vẫn còn “đợi những người làm được việc”. Ông Cao Hồng Sơn lắc đầu nói thêm: “Ở Vĩnh Long mà các bạn không xem tin tức địa phương, thậm chí không biết Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh là ai, thì làm sao tôi tuyển dụng được”.

Hội nhập nhưng chưa phát triển, thậm chí lao động nước ta còn thua kém với các nước vì ngoại ngữ kém, trình độ chuyên môn… và còn “n” những thiếu sót, thì cử nhân cũng nên nhìn lại bản thân mình.

 

Ông Cao Hồng Sơn- Giám đốc Sacombank chi nhánh Vĩnh Long

“Tôi không biết nhiều người thích làm việc đã chạy đi đâu? Trong quá trình phỏng vấn lao động, tôi thường gặp những cô cậu cử không quan tâm công việc mình làm và không chịu nổi áp lực công việc. Trong khi rất nhiều người khác có thể chịu được áp lực đó và bất kỳ ngành nghề nào cũng có những khó khăn riêng”.

 

GS.TS. Nguyễn Thanh Phương-Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ

Đầu vào ảnh hưởng đầu ra, ví dụ mảng kinh tế đào tạo nhiều, có nhiều sự lựa chọn thì không có ông chủ nào muốn tuyển cử nhân “trung bình”. Đề án riêng là giải pháp giúp nhiều trường tuyển đủ chỉ tiêu và hiện thực hóa ước mơ vào ĐH của SV, tỷ lệ sàng lọc quá ít thì chất lượng nguồn tuyển không cao. Các em có thể được nâng cao năng lực qua quá trình đào tạo.

 

Ông Đặng Hoàng Dũng- Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Long

“Bây giờ, người ta vào ĐH vì nhiều lý do, trong đó có nhiều người vì sĩ diện. Sĩ diện vì con người khác cũng học ĐH thì tại sao con mình lại không”. Ông Dũng giải thích thêm: “Nhiều phụ huynh không biết năng lực con mình nên bằng mọi cách muốn con vào ĐH và chọn ngành theo ý cha mẹ, dẫn đến hệ lụy là thất nghiệp ngày càng tăng”. Và ảo tưởng về năng lực của cử nhân quá lớn nên “những việc nhỏ nhặt thì các em không chịu làm”.

>> Kỳ cuối: “Định vị” lại bậc đại học và nền kinh tế tri thức

™Bài, ảnh: CAO HUYỀN- NGỌC TRẢNG