Đô thị miền Tây loay hoay chống ngập

Cập nhật, 07:52, Thứ Tư, 26/10/2016 (GMT+7)

 

Nhân viên Công ty CP Công trình công cộng Vĩnh Long túc trực bơm thoát nước.
Nhân viên Công ty CP Công trình công cộng Vĩnh Long túc trực bơm thoát nước.

Mưa lớn, triều cường và đô thị ngập nước. Không riêng Vĩnh Long mà nhiều đô thị lớn ở miền Tây Nam Bộ cũng phải đau đầu trong công tác chống ngập. Cùng nhìn sang đô thị bạn để tìm mẫu số chung cho việc “thích ứng với nước”.

Ninh Kiều: 5 năm chống ngập đô thị

Nâng cấp hệ thống cống đồng thời nâng cao trình mặt đường đó là giải pháp mà đô thị Ninh Kiều thực hiện để chống ngập trong thời gian qua.

Ông Nguyễn Thái Bảo- Trưởng Phòng Quản lý đô thị quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) cho biết: Vào mùa lũ, quận Ninh Kiều ngập trên 20 tuyến đường.

Năm nay dự báo của khí tượng thủy văn mực nước dâng lên 2,1m, cao hơn năm trước (năm 2015 chỉ có 1,95m, năm 2014 là 2m). Sắp tới sẽ còn một đợt đỉnh lũ vào tháng 11 nên công tác chống ngập cũng được triển khai nhanh chóng.

Tuy nhiên, do cao trình ở nhiều tuyến đường nội ô thấp, chỉ từ 1,7m- 1,8m nên có nhiều nơi ngập đến 40cm, thêm vào những lúc mưa lớn có thể ngập đến 50cm nên công tác chống ngập cũng còn nhiều khó khăn.

Song, thời gian gần đây, mức độ thông thoáng đã tốt hơn. Quận đã cho đầu tư hệ thống thoát nước ở nhiều trục đường chính, đồng thời kết hợp việc xử lý thu gom rác thải, cải tạo các hộc thu nước ở các hố ga, thay bằng nguyên liệu composit có khả năng chống chịu lực cao và giúp thoát nước nhanh hơn. Mỗi năm, chỉ tính riêng chi phí nạo vét khai thông cống rãnh đã hơn 12 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, còn đầu tư thêm các cửa xả nước ở trục chính, tăng tốc độ thoát nước cho các hẻm lân cận, lắp thêm 115 van ngăn triều thoát nước. Đầu tư cải thiện hệ thống cống ở các tuyến đường như Nguyễn Văn Cừ, Hùng Vương, Trần Việt Châu, Nguyễn Trãi...

Cần Thơ cũng có chủ trương phục hồi hệ thống kinh rạch có khả năng thoát nước nhanh để giải quyết tình trạng ngập như hồ Xáng Thổi, Búng Xáng...

Do đó, tuy năm nay nước lũ lên cao hơn năm rồi nhưng ít ngập úng hơn. Thời gian ngập được rút ngắn, trước kia 2- 3 tiếng nước mới rút hết nhưng bây giờ chỉ cần 30 phút đến 1 tiếng. Thời gian tới, quận sẽ tiếp tục thực hiện các công trình chống ngập. Cụ thể trong năm 2017, sẽ hoàn thành dần hệ thống cống thoát nước.

Đồng thời lập đề án đánh giá khả năng phục hồi thoát nước ở các con kinh rạch bị người dân lấn chiếm. Nếu khả năng thoát nước kém thì kiến nghị xóa kinh rạch làm hẻm, đồng thời phục hồi các con kinh có khả năng thoát nước tốt.

Còn vào mùa mưa, cho nhân viên trực lũ, vệ sinh hố ga, đứng canh hố ga thoát nước để nước thoát cho nhanh. Ông Nguyễn Thái Bảo khẳng định, trong một vài năm tới, nước có thể ngập do chảy tràn bờ nhưng sau 5 năm sẽ không còn hiện tượng úng nước.

Mực nước mùa lũ năm nay cao hơn so với những năm trước.
Mực nước mùa lũ năm nay cao hơn so với những năm trước.

Vĩnh Long: Chỉ là những giải pháp tạm thời

Theo Công ty CP Công trình công cộng, tại TP Vĩnh Long, vào mùa mưa lũ, nước ngập là do nhiều tuyến đường ở thành phố thiếu đầu tư hệ thống cống. Mỗi đường có cống nối thông nhau nhưng không đồng bộ.

Nguyên nhân khiến đô thị ngập vì mưa là hệ thống cơ sở hạ tầng xây dựng không đồng bộ và việc quản lý vận hành chưa tốt, chưa kể thói quen không tốt của người dân đưa mọi thứ xuống cống.

Muốn cống thoát nước tốt, phải có nơi thu và thoát nước. Nhưng hiện nay, nhiều điểm thu nước bị đóng lại (do rác, bị chặn…), còn cửa xả bị lấn chiếm do làm nhà cửa, công trình.

Để chống ngập, công ty đã có những giải pháp ứng khó kịp thời để hạn chế tình trạng ngập lụt. Cụ thể, đã cho nhân viên trực mưa khai thông, bơm nước chống ngập khi trời mưa lớn, kết hợp thủy triều (vận hành các máy bơm điện lắp sẵn và tăng cường máy bơm dầu di động tại các vị trí cầu Hưng Đạo Vương, Bến tàu khách, cầu Bình Lữ, đối diện Trường THPT Vĩnh Long, đường Nguyễn Thị Út, đường Trần Văn Ơn).

Cụ thể, bố trí 3 máy bơm có công suất 150m3/giờ và 250m3/giờ trong các ngày đỉnh lũ, vận hành 4 trạm bơm điện lắp đặt sẵn công suất 60m3/giờ; từ 1- 5/11, sẽ bố trí 1 máy bơm có công suất 150m3/giờ.

Đồng thời, để ngăn lũ, công ty vận hành hệ thống van một chiều trong nội ô thành phố, đắp bao cát chặn tại các đầu hẻm, nhà dân bị tràn; bơm tát tại các trạm bơm.

Ông Ngô Thành Thía- Giám đốc Công ty CP Công trình công cộng cho biết:

“Nguyên nhân do chảy tràn qua nhà dân, nước tràn lên từ các con hẻm có cao trình thấp. Ngập nhiều nhất là ở các tuyến đường Trưng Nữ Vương, Nguyễn Thị Út, 30 Tháng 4... Công tác chống tràn rất khó, dù đã chuẩn bị bao cát sẵn nhưng vẫn không mấy hiệu quả. Công ty cũng đã nỗ lực tích cực thực hiện nhiều biện pháp chống ngập”.

Ông Ngô Thành Thía cho biết thêm, mực nước năm nay cao hơn so với năm trước, năm nay có hiện tượng chảy tràn nên các máy bơm hoạt động hết công suất vẫn không đáp ứng được. Hiện công ty có 4 máy bơm dầu diezen, 8 máy bơm điện nhưng công suất nhỏ.

Dự kiến năm tới, công ty sẽ trang bị thêm máy bơm có công suất cao hơn gấp 4 lần, tương đương 2.000 m3/giờ. Song song đó, trong khi thực hiện các phần việc chống ngập như đắp bao cát ngăn nước, có tình trạng một số người dân không hợp tác vì sợ nước tràn vào nhà nhiều.

Do vậy, chính quyền địa phương cần vận động người dân cùng tham gia chống ngập vì lợi ích chung. Tuy nhiên, đây chỉ là những giải pháp ứng phó tạm thời. Muốn hạn chế tình trạng ngập lụt phải hoàn thiện hệ thống kè ở các tuyến ven sông, nâng hẻm... Song, việc này rất khó vì cần nguồn kinh phí rất lớn.

 

Thời gian qua, TP Cần Thơ triển khai nhiều dự án góp phần cải thiện diện mạo đô thị, hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh và ứng phó biến đổi khí hậu.

 

Cụ thể, Dự án Nâng cấp đô thị TP Cần Thơ tập trung nâng cấp khu vực thu nhập thấp tại quận Ninh Kiều và Bình Thủy; 35 khu vực thu nhập thấp (gồm 245 hẻm), tương đương 40,8km đường hẻm, 5km đường lớn, 4km kinh rạch và 4,5km thoát nước đô thị. Cải tạo kinh và hồ Xáng Thổi rộng 6,5ha; cải tạo rạch Tham Tướng, rạch Cái Khế, rạch Sơn…

 

Dự án Nâng cấp đô thị vùng ĐBSCL- Tiểu Dự án TP Cần Thơ đang được thực hiện nâng cấp khu vực thu nhập thấp tại 4 quận (Ninh Kiều, Bình Thủy, Ô Môn và Cái Răng); 31 khu vực thu nhập thấp (94 hẻm) tương đương 44,26km đường hẻm, 35km hệ thống thoát nước. Ngoài ra, xây dựng hệ thống thoát nước Nguyễn Việt Hồng dài 500m; xây dựng hồ Búng Xáng với diện tích 17ha; cải tạo rạch Ngỗng, rạch Phía Nam…

 

Dự án Phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị do Ngân hàng Thế giới tài trợ cũng đang triển khai. Nhằm đảm bảo phát triển bền vững TP Cần Thơ trong bối cảnh biến đổi khí hậu, giảm tổn thương cho thành phố khi bị ngập; cải thiện, nâng cao tính kết nối khu trung tâm và các khu vực khác của thành phố; đảm bảo giảm tối thiểu tác động đến vùng và khu vực; nâng cao tính năng động và kết nối trong đô thị; góp phần phát triển TP Cần Thơ là đô thị xanh, đô thị sông nước.

 

  • ™Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN- THÀNH LONG