Tháng 4 rực rỡ

Kỳ cuối: Sức mạnh chính nghĩa

Cập nhật, 13:40, Thứ Ba, 08/05/2018 (GMT+7)

Trong lúc ngồi chờ anh em mình đưa tù binh Mỹ đến địa điểm trao trả, Thiếu tá Đinh Công Chất lên tiếng làm quen: “Chắc anh là nhà báo?”

Tôi chưa kịp trả lời thì Chất hỏi thêm: “Trẻ quá, bao nhiêu tuổi rồi?” “Được 25 tuổi anh à”- tôi đáp lại. Chất hỏi thêm: “Chắc chưa có vợ hả, mà có người yêu chưa?”

Tôi nghĩ bụng Chất hỏi vậy cho vui trong lúc không có chuyện gì để làm nên vui vẻ trả lời cho qua: “Tôi chưa vợ nhưng người yêu thì đã có rồi!” “Chắc anh định đến ngày hòa bình mới tuyên bố phải không?”

Tôi cũng chưa kịp trả lời câu hỏi này của Chất thì Chất lại hỏi tiếp: “Ủa, Hiệp định Paris là hiệp định hòa bình mà sao 2 người không tuyên bố?” Sau câu hỏi lần này của Chất, tôi cảm nhận được ý đồ nham hiểm của Chất.

Đó là Chất ám chỉ tôi ngoan cố kéo dài chiến tranh không muốn hòa bình, điều đó cũng có nghĩa cách mạng không muốn hòa bình, vi phạm Hiệp định Paris.

Nhưng sự nham hiểm của Chất không làm tôi lúng túng; trái lại tôi rất tự tin vào sức mạnh chính nghĩa của cách mạng nên chậm rãi trả lời: “Lẽ ra chúng tôi tổ chức tuyên bố rồi, nhưng như Thiếu tá vừa thấy đó, Hiệp định Paris có hiệu lực nhưng đến nay phía Mỹ và chính quyền Sài Gòn có chấp hành đâu mà có hòa bình?”- tôi tiếp- “Bằng chứng thì các anh cũng vừa chứng kiến tận mắt đó.

Nếu phía Mỹ và chính quyền Sài Gòn nghiêm chỉnh thực hiện Hiệp định Paris, đất nước Việt Nam được hòa bình, thống nhất chúng tôi sẽ tiến hành tuyên bố và khi đó nếu có điều kiện thuận lợi tôi sẽ mời anh đến chung vui với chúng tôi”.

Sau câu trả lời của tôi và với việc vừa chứng kiến tận mắt vi phạm Hiệp định Paris của quân đội Sài Gòn, Đinh Công Chất không hỏi thêm tôi điều gì nữa mà lặng lẽ đi ra ngoài.

Khoảng hơn 13 giờ ngày hôm đó, tù binh Mỹ tên Robert White- Thiếu tá phi công bị quân dân xã Trường Long Hòa bắn hạ máy bay khi đến đây gây tội ác và bị bắt sống đã được trao trả, sau khi hoàn tất việc kiểm tra sức khỏe tù binh Mỹ này. Đến lúc này, khó khăn mới phát sinh.

Đó là phái đoàn Mỹ và chính quyền Sài Gòn đề nghị lập 5 tờ biên bản như tại các lần trao trả trước và có cùng nội dung nhưng phía ta đề nghị lập 6 biên bản có cùng nội dung.

Khó khăn trên được các bên thảo luận trong hơn 1 giờ mà vẫn không có kết quả.

Thấy vậy, nhà báo Trần Quang Điện khều tôi ra khỏi lều bạt và nói: “Đồng chí vào nói với anh em đoàn tỉnh đây là trao trả tù binh không như những lần trước, vì tù binh này không có trong danh sách trao trả mà ta trao trả vì lòng nhân đạo nên phải có thêm 1 biên bản để địa phương giữ lại.

Nếu phía Mỹ và chính quyền Sài Gòn không đồng ý thì các bên trở về Sài Gòn bàn bạc thêm, chừng nào thống nhất thì hẹn ngày trở lại. Còn chúng tôi tiếp tục giữ Robert White ở đây”.

Sau khi nghe đồng chí Mười Lành- đoàn Ủy ban Cách mạng Trà Vinh- trình bày nội dung tuy ngắn gọn nhưng đầy dứt khoát theo ý kiến của nhà báo Trần Quang Điện, đại diện phái đoàn của Mỹ đứng lên phát biểu không một chút do dự là đồng ý thực hiện yêu cầu lập 6 biên bản mà đoàn của tỉnh Trà Vinh yêu cầu; kết thúc thắng lợi cuộc trao trả tù binh Mỹ ngoài danh sách mang đầy lòng nhân đạo của dân tộc.

TRỌNG LAI