Tháng 4 rực rỡ

Kỳ 1: Tội ác và tình người

Cập nhật, 13:39, Thứ Bảy, 05/05/2018 (GMT+7)

Lẽ ra, theo thỏa thuận của các bên liên quan, Hội nghị Paris về chiến tranh ở Việt Nam sẽ được ký kết vào cuối tháng 12/1972.

Tuy nhiên, trước phản ứng của chính quyền Sài Gòn về một số điều khoản mà chúng cho là bất lợi, Mỹ quay ra lật lọng với ý định đưa miền Bắc xã hội chủ nghĩa trở về thời kỳ “đồ đá” bằng sức mạnh không lực, trong đó có cả máy bay ném bom chiến lược B52 đánh phá ác liệt vào Hà Nội và Hải Phòng... với hy vọng buộc phía ta phải nhượng bộ thay đổi nội dung một số điều khoản theo yêu cầu của chúng.

Song chúng đã gặp phải lưới lửa phòng không và không quân của ta trừng trị đích đáng với nhiều máy bay phản lực tối tân; trong đó có hàng chục chiếc B52; lập nên chiến thắng vẻ vang 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không.

Cuối cùng, cuối tháng Giêng/1973, Mỹ và chính quyền Sài Gòn phải ngồi lại bàn đàm phán vô điều kiện cùng với 2 phái đoàn ta ký kết Hiệp định Paris.

Trong các điều khoản hiệp định này, có phần 2 bên thực hiện trao trả tù binh. Theo đó, địa điểm trao trả tù binh được các bên liên quan quy định là sân bay Nội Bài (Hà Nội), Tân Sơn Nhất (Sài Gòn), Thạch Hãn (Quãng Trị) và sân bay Lộc Ninh (sân bay thuộc vùng kiểm soát của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam).

Về việc trao trả tù binh, dù đã được quy định khá rõ trong Hiệp định Paris, nhưng vẫn không ít lần phía ta phải lên tiếng phản đối vì phía Mỹ và chính quyền Sài Gòn cố tình vi phạm, gây khó khăn trong việc trao trả.

Cuối cùng, trước đấu tranh của ta nên các bên liên quan cũng đã hoàn tất việc trao trả hết số tù binh có trong danh sách.

Đến lúc này, để bày tỏ thiện chí về chính sách nhân đạo của dân tộc, của Đảng và Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, phía phái đoàn ta thông báo cho phía Mỹ sẽ trao trả thêm 1 quân nhân Mỹ- đây là quân nhân Mỹ không có tên trong danh sách mà phía Mỹ yêu cầu trao trả.

Thực hiện chính sách này, một ngày đầu tháng 4/1973, tại Khoáng Tiều (xã Trường Long Hòa, huyện Duyên Hải), UBND cách mạng tỉnh Trà Vinh tiến hành tổ chức cuộc trao trả.

Hồi ấy, để xác định địa điểm trao trả, ta phải dựng lên 1 lều bạt hình nón, may bằng vải trắng có đường kính 8m, bên trong có đặt 4 bàn làm việc (1 bàn cho 2 phái đoàn ta, 1 bàn cho 2 phái đoàn của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, 1 bàn cho giám sát quốc tế và bàn còn lại dành cho đoàn UBND cách mạng tỉnh Trà Vinh); tăng 1 bàn so với các lần trao trả trước đó.

Khoảng 8 giờ ngày hôm ấy, từ hướng đất liền, 3 chiếc trực thăng, trong đó có 2 chiếc màu da cam trên thân có con số 4 và 1 chiếc màu trắng bay đến.

Sau đó, 3 chiếc máy bay này lần lượt đáp xuống khu vực lều bạt. Chiếc trực thăng đáp xuống đầu tiên chở 2 phái đoàn của ta, chiếc thứ 2 chở phái đoàn của Mỹ và chính quyền Sài Gòn và chiếc còn lại chở đoàn Ủy ban giám sát.

Sau khi các đoàn vào lều bạt, đồng chí Mười Lành thay mặt phía chính quyền cách mạng tỉnh Trà Vinh thông báo đến các đoàn cho biết do tù binh Mỹ được ta trao trả đang còn ở xa địa điểm này; lại gặp lúc nước cạn nên làm chậm thêm việc đưa tù binh ấy đến đây.

Do vậy, trong lúc chờ đợi, đề nghị các đoàn đi tham quan khu vực xung quanh. Gió biển lồng lộng thổi vào làm ai cũng cảm thấy mát mẻ nên khi nghe vậy các đoàn đều hài lòng và đi theo sự hướng dẫn của phái đoàn tỉnh Trà Vinh.

Cùng đi với các đoàn đến theo dõi cuộc trao trả tù binh này có 4 phóng viên nhà báo gồm: Thiếu tá Trần Quang Điện- phóng viên Báo Quân đội nhân dân; Trường Sinh- phóng viên Báo Quân giải phóng; Thiếu tá Đinh Công Chất, Trung úy Nguyễn Ngọc Nội- phóng viên Báo Tiền Tuyến (Sài Gòn).

Khi các đoàn rời lều bạt chưa đến 100m là bắt gặp ngay những hình ảnh nhà cháy, hoa màu bị nhổ gốc héo khô, nhiều hố bom pháo còn nám khói.

Đó là những hình ảnh để lại của quân đội Sài Gòn sau 1 trận càn cách đó mấy hôm. Chứng kiến hình ảnh vi phạm Hiệp định Paris của quân đội Sài Gòn, Đinh Công Chất, Nguyễn Ngọc Nội cũng như 2 phái đoàn Mỹ và chính quyền Sài Gòn vô cùng bối rối, càng đi càng thấy thêm nhiều tội ác của quân đội Sài Gòn.

Cùng khi đó, người dân Cồn Ông, Cồn Trứng, Nhà Mát... kéo đến mỗi lúc một đông thêm và lên tiếng kể lại tội ác của quân đội Sài Gòn trước các đoàn liên quan trong cuộc trao trả.

Trước tình thế đó, Đinh Công Chất, Nguyễn Ngọc Nội nhiều lần do dự không muốn đi thêm. Còn đoàn phía Mỹ và chính quyền Sài Gòn buộc phải đề nghị phía ta xin được trở lại lều bạt, hòng không phải tiếp tục chứng kiến hành động tội ác, vi phạm Hiệp định Paris của đồng bọn.

Trở lại lều bạt thì trời đã quá trưa, song tất cả thành viên của các phái đoàn vẫn chưa có gì vào bụng.

Thấy vậy, nhiều người dân địa phương dù vừa phải chịu đựng rất nhiều thiệt hại sau trận càn quét vừa qua của quân đội Sài Gòn vẫn trở về nhà, cố tìm những quả dưa hấu còn sót lại dưới gót giày của quân đội Sài Gòn mang đến lều bạt để đoàn UBND cách mạng tỉnh Trà Vinh tiếp đãi các phái đoàn- trong đó có phái đoàn của Mỹ và chính quyền Sài Gòn.

Cử chỉ vị tha ấy của người dân Trường Long Hòa càng thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tình người, thực hiện chính sách khoan hồng nhân đạo của Đảng và cách mạng.

(Còn tiếp)

TRỌNG LAI