Long Hồ dinh trong hành trình mở cõi

Cập nhật, 05:18, Thứ Sáu, 28/04/2017 (GMT+7)

Năm 1732, Long Hồ dinh chính thức được thành lập, đánh dấu quá trình hơn 100 năm khai phá vùng đất Nam Bộ đã thực sự hoàn thành.

Công lao của triều đình nhà Nguyễn chính là thiết lập bộ máy hành chính nhằm tổ chức, ổn định vùng đất mới; tuy nhiên, đi trước đó nhiều năm chính là những lớp di dân từ miền Trung đã có mặt từ rất sớm, họ tự thích nghi khẩn hoang, lập nên những xóm ấp đầu tiên ở khắp vùng đất Nam Bộ này.

Những đoàn ghe bầu vượt biển vào Nam

Di tích cây da Cửa Hữu (Phường 1- TP Vĩnh Long) vẫn hiện diện trong đời sống của người dân hôm nay.
Di tích cây da Cửa Hữu (Phường 1- TP Vĩnh Long) vẫn hiện diện trong đời sống của người dân hôm nay.

Sau khi đặt phủ Gia Định, dựng Trấn Biên dinh và Phiên Trấn dinh (vào năm Mậu Dần 1698), chúa Nguyễn (Ninh Vương- Nguyễn Phúc Trú) sai Thống suất Trương Phúc Vĩnh thiết lập ở phía Nam Phiên Trấn dinh đơn vị hành chính mới đặt tên Long Hồ dinh vào năm 1732.

Đó là những cột mốc lịch sử chính thức đánh dấu sự hoàn chỉnh của bộ máy hành chính của triều đình, nhưng theo GS Nguyễn Đình Đầu, thì quá trình khai phá và mở mang vùng đất Nam Bộ ngày nay của cư dân Việt diễn ra từ rất sớm, ngay từ những năm 1618- 1620.

Theo Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn ghi chép, miền đất hoang địa gần như vô chủ ấy chỉ thực sự được đánh thức khi lớp cư dân Việt đầu tiên đặt chân đến, khoảng đầu nửa thế kỷ XVII. Những ghi chép này hoàn toàn thống nhất nội dung với những nguồn sử liệu chính thống như:

Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, Đại Nam thực lục (Tiền biên), Đại Nam liệt truyện, Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn, cũng như Biên niên sử Khmer và nhiều tài liệu khác.

Hàng ngàn ngôi đình làng ở Nam Bộ chính là sự ghi nhận công lao to lớn của những bậc Tiền hiền, Hậu hiền dẫn dắt từng đoàn người vào Nam khai hoang lập ấp.

Trong đó, nhiều vị có công lao được triều đình nhà Nguyễn phong thần, họ chính là người đi làm “sổ đỏ” cho vùng đất mới phương Nam.

Những người đi tiên phong trong cuộc khai phá ấy phần lớn là những nông dân nghèo miền Trung không chịu nổi ách áp bức của chế độ đương thời, hoặc trốn tránh bệnh dịch, lao dịch trong cuộc chiến tranh tương tàn giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài.

Họ lần lượt tiến vào miền đất mới bằng đường biển, với phương tiện chủ yếu là thuyền buồm và ghe bầu.

Theo sử cũ, các điểm cư ngụ đầu tiên của họ là Mỗi Xoài (Bà Rịa) và Đồng Nai, sau tiến dần xuống Sài Gòn, Mỹ Tho, Hà Tiên. Đặc biệt, trong nửa đầu thế kỷ XVIII, người Việt tiếp tục di chuyển xuống vùng Long Hồ (Vĩnh Long), Trà Vinh, Ba Thắc- Bãi Xàu (Sóc Trăng, Bạc Liêu), Sa Đéc, Long Xuyên.

Quá trình nhập cư của người Việt gắn liền với việc hình thành những thôn ấp, trên vùng đất mới với rừng rậm bạt ngàn hay sình lầy, đầm phá mênh mông, lưu dân Việt luôn phải đối mặt với rất nhiều thử thách khắc nghiệt của thiên nhiên. Đó là nạn thú dữ, rắn độc, bệnh tật ốm đau.

Để sinh tồn, trụ vững, người dân Việt càng phải quần tụ, gắn bó, giúp đỡ tương trợ lẫn nhau trong việc khai hoang mở đất, chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt. TS Nguyễn Đức Nhuệ- Viện Sử học Việt Nam khẳng định:

“Bằng công sức của nhiều thế hệ trong quá trình chặt phá cây cối, cắt cỏ rậm, biến những bãi lầy hoang vu thành những vùng đất bằng phẳng phì nhiêu, có thể khẳng định trong công cuộc khai phá miền đất Nam Bộ từ đầu thế kỷ XVII trở đi, người Việt chiếm vai trò chủ yếu và quyết định”.

Từ sau năm 1698, việc di dân vào miền đất Nam Bộ trở thành chủ trương lớn của chính quyền các chúa Nguyễn ở Đàng Trong.

Đến năm 1732, khi Long Hồ dinh được thành lập, xem như hoàn thành toàn bộ công cuộc mở cõi Nam Bộ.

Tuy nhiên, phải đến năm 1744, chúa Nguyễn Phúc Khoát xưng Vương, tổ chức bộ máy hành chính thống nhất, chia toàn bộ đất Đàng Trong thành 12 dinh và 1 trấn phụ thuộc.

Các dinh đều đặt Trấn thủ, cai bạ và ký lục để cai trị. Đứng đầu là chức Đô đốc. Riêng khu vực Nam Bộ lúc đó gồm cả thảy có 3 dinh là: Trấn Biên, Phiên Trấn, Long Hồ và 1 trấn phụ thuộc là Hà Tiên.

285 năm Long Hồ dinh

Đơn vị hành chính mới ở phía Nam Phiên Trấn được thành lập năm 1732, đặt tên là Long Hồ dinh ở thôn An Bình, huyện Kiến Đăng, tục gọi là Cái Bè, địa điểm khu vực chợ nổi Cái Bè ngày nay.

Theo nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường, đây là địa thế vững chãi, phía trái là vàm sông Cái Bè có cù lao Tân Phong, bên phải có cù lao Đông Hòa Hiệp che chắn trước mặt, hợp thành thế “tả thanh long, hữu bạch hổ”.

Cũng vào năm 1732, chợ Long Hồ cũng được thành lập tại ấp Long Phụng, thôn Long Hồ; chợ phát triển phồn thịnh tạo nên cảnh trên bến dưới thuyền, nay là bến Thiềng Đức gần chùa Ông (Phường 5- TP Vĩnh Long ngày nay).

Trước đó vài năm, thì ở bến cá (cầu Cái Cá ngày nay), đã có quân của Trần Thượng Xuyên đóng sau khi dẹp loạn giặc Huỳnh Tấn.

Mãi cho đến năm Đinh Sửu (1757), Long Hồ dinh mới dời về xứ Tầm Bào, tức thôn Long Hồ. Lúc này thôn Long Hồ gồm có 4 ấp đã thực sự phát triển về giao thương, mua bán khá sầm uất.

Ngoài việc Long Hồ dinh là trung tâm trung chuyển giữa miền Tây và miền Đông qua đường Mỹ Tho tới Gia Định, thì đây cũng là vị trí quân sự quan trọng với 3 điểm đồn quân ở Quới Thiện (Vũng Liêm), vàm Trà Ôn và đình Khao (Phường 5- TP Vĩnh Long).

Sau khi ổn định tổ chức hành chính, Long Hồ dinh nhanh chóng phát triển. Theo Gia Định thành thông chí và Đại Nam nhất thống chí (Lục tỉnh Nam Việt), cư dân Long Hồ dinh thuở xưa đốn cây làm nhà, chặt lá dừa nước lợp mái, dừng vách, cưa xẻ gỗ làm ghe xuồng làm phương tiện đi lại, vận chuyển và đánh bắt thủy hải sản, trồng lác dệt chiếu, chặt tre trúc, bứt dây mây đan bện vật dụng sinh hoạt và dụng cụ đánh bắt cá trên sông rạch...

Làng nghề tàu hủ ky (TX Bình Minh) đến nay vẫn còn phát triển.
Làng nghề tàu hủ ky (TX Bình Minh) đến nay vẫn còn phát triển.

Từ tên gọi Long Hồ dinh (1732), đúng 100 năm sau- tức năm 1832, sau khi Tổng trấn Gia Định Lê Văn Duyệt mất, vua Minh Mạng cho bãi bỏ chức Tổng trấn thành Gia Định, sáp nhập 2 huyện Vĩnh Định và Vĩnh An của trấn Vĩnh Thanh vào đạo Châu Đốc thuộc trấn Hà Tiên, đổi các trấn thành tỉnh.

Toàn bộ vùng đất Nam Bộ được chia thành 6 tỉnh, gọi là Nam Kỳ lục tỉnh (bao gồm Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên).

Tên gọi tỉnh Vĩnh Long được bắt đầu từ đây, tên chữ Vĩnh Long với ý nghĩa sự tốt tươi, thịnh vượng dài lâu, vĩnh viễn. Trải qua nhiều lần thay đổi, năm 1992, tỉnh Vĩnh Long chính thức được tái lập đến nay đã vừa tròn một phần tư thế kỷ.

Về nông nghiệp, dần trồng trọt nhiều loại cây trồng chính như: lúa, nếp, đậu phộng, dâu tằm, bông vải, mía. Đặc biệt, trong khoảng 100 năm trở lại đây, Vĩnh Long hình thành nhiều làng nghề truyền thống như: xóm rèn, xóm bún, xóm rượu, làm tàu hủ ky, dệt vải,...

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG