Truyện ngắn

Tình người

Cập nhật, 07:53, Thứ Hai, 13/02/2017 (GMT+7)
Tốt nghiệp trung học phổ thông nhưng do gia đình nghèo không có khả năng tiếp tục học đại học, Trang lên Sài Gòn tìm kiếm việc làm. Với trình độ đó, khó có được chỗ làm tốt, lương cao nhưng Trang vẫn không nản lòng, vẫn miệt mài tìm kiếm.
 
Đối với Trang, có việc làm ổn định, lương đủ sống, không ăn bám gia đình là tốt rồi, còn có dư và có tiền gởi về phụ giúp cha mẹ hay không là do mình biết tiết kiệm hay không mà thôi.
 
Có công mài sắt có ngày nên kim, cuối cùng Trang cũng được nhận vào làm nhân viên lễ tân trong khách sạn tầm trung mang tên Thanh Châu.
Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)
Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)

Xưa nay, sắc đẹp là phương tiện hữu hiệu nhất đưa các chị em “một bước lên bà”. Nhờ có chút nhan sắc, Trang lọt vào tầm ngắm của Châu- con trai út của ông chủ khách sạn.

Cậu ấy lớn hơn Trang gần chục tuổi, hãy còn độc thân, thanh bai lịch lãm. Tình yêu không phân biệt tuổi tác, Trang nhanh chóng bị chinh phục bởi phong cách sống vừa tài tử vừa hiện đại của Châu và không lâu sau họ trở thành vợ chồng trong một hôn lễ linh đình, hoành tráng.

Cha mẹ Châu chuyên kinh doanh khách sạn, nhà trọ. Ngoài khách sạn Thanh Châu, họ còn có hai nhà trọ khá lớn ở Bình Dương do các anh chị của Châu quản lý.

Gần đây, họ lại xây một dãy nhà trọ hơn hai chục phòng gần Khu công nghiệp Hòa Phú ở Vĩnh Long- quê hương của Trang- cho công nhân thuê và giao cho vợ chồng Châu quản lý.

Họ còn cho cô cậu một chiếc ôtô bốn chỗ ngồi để gia đình cô cậu về thăm bên nội bên ngoại nhanh chóng, thuận tiện, dễ dàng.

Châu không chỉ là người chồng tốt, sau khi cưới Trang, cậu lần lượt giúp cha mẹ vợ xây lại căn nhà khang trang, mua sắm nhiều đồ dùng trong gia đình mà trước kia cha mẹ Trang không có, tặng một sổ tiết kiệm, gởi tiền cho ông bà tiêu xài hàng tháng. Mỗi lần về thăm cậu còn có quà biếu lũ khũ.

Gia đình cha mẹ Trang ở xã vùng sâu thuộc huyện Trà Ôn nhưng vẫn có đường trải đá rộng lớn, xe máy, ôtô lưu thông suốt hai mùa mưa nắng.

Mỗi lần vợ chồng con cái Châu về thăm cha mẹ vợ, cậu tự lái xe đến tận cổng nhà trước sự trầm trồ của hàng xóm. Vài người chép miệng xuýt xoa “vợ chồng Sáu Tỷ kiếp trước có tu nên con Trang có số đẻ bọc điều”.

Hôm Tết Dương lịch, Châu chở vợ con về thăm ông bà ngoại. Tại quán nhậu Ba Râu, Huy cùng ba thanh niên nhậu xong chếnh choáng lên hai chiếc xe máy ra về. Thấy chúng chạy lạng quạng, Châu bóp còi xin qua mặt. Huy nhìn theo chửi thề:

- ĐM, bộ có xe hơi ngon lắm sao mà bóp còi inh ỏi? Tao sẽ cho mầy biết tay.

Huy tăng tốc vượt qua mặt chiếc ôtô rồi lạng lách đánh võng trước đầu xe một cách thách thức. Bị khiêu khích quá mức nhưng Châu vẫn bình tĩnh, cho xe chạy chậm lại chứ không vượt qua xe của Huy do đường hẹp, nếu tranh nhau chắc chắn sẽ xảy ra va quẹt, tai nạn.

Tuy nhiên, cây muốn lặng nhưng gió chẳng ngừng, Huy dừng xe lượm mớ đá cục to bên đường, kêu thằng bạn lái xe, nó ngồi sau, rượt theo gần xe Châu, liên tục chọi đá vào xe, một cục làm bể tấm kính sau, con gái Châu hoảng sợ khóc ré.

Châu dừng lại coi cái xe như thế nào và con gái có bị thương không. Bất ngờ, Huy và ba thanh niên trờ tới. Huy dùng nón bảo hiểm đập gãy lọi kính chiếu hậu.

Bốn đứa phá lên cười thích thú rồi cùng nhau chạy đi. Sự việc được Châu báo cho công an điều tra làm rõ. Huy bị truy tố về hành vi “hủy hoại tài sản công dân”, bị tạm giam chờ ngày ra tòa lãnh án.

Huy mười bảy tuổi, con ông Ba Sự, ở cùng xóm với Sáu Tỷ. Gia đình Ba Sự sống bằng nghề buôn bán củi. Mua cây của những người phá vườn tạp hoặc phá vườn cằn cỗi, bị bệnh rồi cắt ra bán củi thước, lấy công làm lời. Huy nghỉ học năm mười hai tuổi, theo phụ giúp cha mẹ những chuyện nhẹ nhàng.

Hơn năm trước, ông Ba Sự lấy tiền tích cóp được mua chiếc xe máy cũ cho Huy chạy xe ôm kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Nào ngờ, ông đã tạo điều kiện cho nó bước vào con đường hư hỏng. Tiền chạy xe ôm, nó không bao giờ đưa cho cha mẹ mà để ăn xài, nhậu nhẹt say xỉn mỗi ngày.

Huy đã trả giá cho hành động côn đồ của nó và đó cũng là cái giá khá đắt của cha mẹ nó. Con dại cái mang, vợ chồng Ba Sự vô cùng lo lắng.

- Phá hoại tài sản của người ta chẳng những ở tù mà còn bồi thường thiệt hại nữa. Nghe nói cái kiếng sau và cái kiếng chiếu hậu cả chục triệu đồng, còn tiền công sửa chữa các chỗ móp méo trầy xước nữa, tiền đâu mà thường? Phen này chắc chắn mang nợ!- ông Ba Sự than thở.

Bà Ba Sự đề nghị:

- Hay mình đến năn nỉ anh Sáu Tỷ coi sao?

Ông Ba Sự lắc đầu:

- Chiếc xe của thằng chồng con Trang chứ đâu phải của anh Sáu?

- Thì mình nhờ ảnh nói với thằng Châu? Tiếng nói của ảnh dù sao cũng hơn tiếng nói của mình, biết đâu thằng Châu nghe theo thì sao?

Đau chân hả miệng, ông bà Ba Sự đến năn nỉ Sáu Tỷ khuyên Châu giơ cao đánh khẽ, tự thuận bãi nại cho Huy khỏi đi tù, còn tiền bồi thường thì họ xin trả dần. Dù Châu là nguyên đơn nhưng quyền quyết định là ba nó nên Sáu Tỷ không dám hứa chắc mà được tới đâu hay tới đó.

Hôm tòa xử, ngoài gia đình, thân nhân của bị cáo và nguyên đơn còn có nhiều người hàng xóm hiếu kỳ đến xem. Ông Thanh cũng xuống tham dự. Để có cơ sở quyết định trước tòa, ông hỏi nhanh ý kiến anh sui về chuyện Ba Sự:

- Nói cho ngay, trước kia tuy thằng Huy không phải là đứa trẻ ngoan nhưng cũng không hẳn là đứa trẻ xấu, chỉ lì lợm, nghịch ngợm thôi. Nó trở nên ngổ ngáo, côn đồ khi chạy xe ôm, chơi bời nhậu nhẹt với nhiều bạn xấu mới ra nông nỗi.

Còn chú thím Ba thì hiền từ chơn chất, ở đời không mích lòng ai, chí thú làm ăn, không hơn thua ganh tị với ai. Anh chị em thằng Huy cũng vậy, chỉ có nó là cá biệt.

Gia đình chú thím Ba sống bằng nghề buôn bán củi, lấy công làm lời. Khi không có ai kêu bán củi thì cuộc sống chật vật, khó khăn.

Mấy hôm trước, chú thím có qua năn nỉ tui, nhờ tui nói với thằng Châu bãi nại cho Huy khỏi đi tù, còn tiền bồi thường thì chú thím ấy xin trả dần. Tui nói với họ là phải chờ anh mới được.

- Theo anh thì nên giải quyết như thế nào?- ông Thanh hỏi Sáu Tỷ.

- Lúc đầu tui cũng giận lắm, muốn cho nó đi tù cho bỏ cái thói ngổ ngáo côn đồ. Nhưng, sau khi nghĩ lại thấy nó nông nỗi, phạm tội trong lúc say rượu lại mới phạm lần đầu nên có thể châm chước được. Hơn nữa, gia đình chú thím Ba tay làm hàm nhai chứ không có của ăn của để mà phải bồi thường số tiền lớn thì chắc chắn họ vướng lấy nợ nần.

Ông Thanh giàu có không phải nhờ hưởng của phụ ấm mà bằng đôi tay và khối óc của mình. Ông cũng đã từng trải qua một thời gian khó khăn gian khổ và vượt qua được bằng mồ hôi và nước mắt nên rất thông cảm với người nghèo. Phú quý sinh lễ nghĩa, ông cho thuê phòng ngủ, phòng trọ với giá mềm.

Tháng bảy mỗi năm, ông còn giảm năm mươi phần trăm, thường xuyên tham gia làm từ thiện, cứu trợ đồng bào nghèo, bị thiên tai bão lũ. Ông nói với Sáu Tỷ:

- Ý anh như ý tui. Cái gì tha thứ được thì không cố chấp. Vả lại, số tiền bồi thường không là bao đối với tui nhưng đối với họ khá lớn, phải đánh đổi bằng mồ hôi nước mắt một thời gian dài. Tuy nhiên, nếu bỏ qua thì không có tính răn đe mà còn tạo điều kiện cho người khác khinh nhờn pháp luật, nên tôi…

Ông Thanh bỏ lửng khi thấy vợ chồng Ba Sự đến. Họ năn nỉ ỉ ôi, van xin cầu khẩn ông bằng lời lẽ hết sức bi đát, thiết tha, gặp người nhẹ dạ chắc cầm lòng không đậu.

Ông Thanh tỏ ra bối rối, khó xử. Sáu Tỷ nhanh trí cứu bồ, nói với vợ chồng Ba Sự hãy để tòa án quyết định. Họ trở về chỗ ngồi, mặt mày buồn hiu.

Huy tỏ ra ăn năn, hối hận. Đứng trước vành móng ngựa nhưng không dám nhìn thẳng hội đồng xét xử và trả lời lí nhí những câu hỏi của vị chủ tọa phiên tòa. Nó và Châu không có xích mích, thù oán gì cả, xe của Châu cũng không lấn ép giành đường hay va quẹt với xe của nó.

Nó biết hành động của nó sai trái do uống rượu nên không kiềm chế được lý trí, bản thân. Nó nhận lỗi, xin nguyên đơn và xin tòa tha thứ, khoan hồng do nó mới phạm tội lần đầu. Khi vị chủ tọa hỏi vợ chồng Ba Sự có ý kiến gì không, họ cũng xin tha cho Huy, còn bồi thường thiệt hại họ sẽ trả dần.

Cuối cùng, vị chủ tọa hỏi nguyên đơn có lời gì để nói không thì vợ chồng Ba Sự cùng con cái họ đều nhìn ông Thanh và Châu với ánh mắt van lơn cầu khẩn.

Ông Thanh thay mặt con trai, nhìn lại họ và không để họ phải chờ đợi quá lâu, ông trình bày đại khái là hậu quả của vụ việc không lớn lắm, Huy trẻ người non dạ, gia đình Ba Sự nghèo nên ông thông cảm, xin hội đồng xét xử xem xét các tình tiết giảm nhẹ để miễn trách nhiệm hình sự đối với Huy và chỉ nhận một phần năm khoản bồi thường thiệt hại do nó gây ra.

Tòa xử Huy một năm cải tạo không giam giữ và bồi thường thiệt hại như ông Thanh đề nghị. Cả phòng xử án đều trầm trồ khen ngợi lòng rộng lượng bao dung của ông Thanh. Còn gia đình Ba Sự vỡ òa trong niềm vui và hạnh phúc.

TRƯƠNG HOÀNG MINH (Trà Ôn)