Trận Vân Đồn- trận thắng cơ bản và kỳ diệu

Cập nhật, 14:09, Thứ Ba, 14/02/2017 (GMT+7)

Trong một trò chơi truyền hình phát sóng trên kênh VTV3 có câu hỏi “Vị tướng nào chỉ huy trận Vân Đồn đánh chìm đoàn thuyền lương của quân Nguyên Mông thời nhà Trần?” Có ba đáp án: Phạm Ngũ Lão, Trần Khánh Dư và Trần Quang Khải.

Sẽ không có gì đáng nói nếu người chơi chính trả lời sai nhưng thật bất ngờ khi 69 đối thủ của người chơi chính lại trả lời không đúng!

Bất ngờ là vì đa số họ đều là sinh viên mà kiến thức về lịch sử nước nhà lại quá khiêm tốn đến thế! Bất ngờ vì Trần Khánh Dư là vị tướng tài, là “anh hùng bán than” và trận Vân Đồn là trận thắng cơ bản và kỳ diệu mà họ không biết.

Trong 3 lần kháng chiến chống quân Nguyên xâm lược, quân dân ta đã có nhiều trận đánh “lưu danh thiên cổ” như trận Đông Bộ Đầu, Vạn Kiếp, Tây Kết, Hàm Tử, Chương Dương, Vân Đồn, Bạch Đằng,…

Trong số đó, nổi tiếng nhất, oanh liệt nhất là trận Bạch Đằng, trận đánh kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến lần thứ ba, đồng thời làm thui chột luôn ý đồ xâm lược nước ta của vua nhà Nguyên.

Người có công đầu trong trận này không ai khác Hưng Đạo Vương. Tuy nhiên, có một điều mà ít người nghĩ đến là còn một người nữa cũng có công không kém Vương, đó là Trần Khánh Dư- tướng chỉ huy trận đánh Vân Đồn.

Mùa Xuân năm Ất Dậu (1285), quân Nguyên xâm lược nước ta lần 2. Mùa hạ, chúng bị quân ta đánh bại, Lý Hằng và Lý Quán bị giết trên đường tháo chạy, Thoát Hoan phải chun vào ống đồng mới trốn được về nước.

Quá nhục nhã trước thất bại của Thoát Hoan, qua năm Bính Tuất (1286), vua Nguyên hạ lệnh bãi bỏ việc đánh Nhật Bản, đưa quân sang đánh nước ta. Thượng thư Lưu Tuyên và viên Trấn thủ Hồ Nam Tuyến Ca đã lấy điều lợi hại, phải trái ra can gián ông ta mới thôi.

Nhưng, những lời can gián chí tình của 2 người bề tôi trên không phải là lời vàng ngọc của thánh nhân nên chỉ có tác dụng kéo dài thời gian thực hiện ý đồ đen tối chứ không thức tỉnh được ông vua ngoan cố.

Vào tháng 2 năm Đinh Hợi (1287), ông ta lại chuẩn bị 10 vạn quân thủy bộ cùng 500 chiến thuyền và 17 vạn thạch lương (sử cũ ghi 70 vạn) giao cho Thoát Hoan thống lãnh xâm lược nước ta lần 3.

Hay tin, vua Trần Nhân Tông hỏi Hưng Đạo Vương: “Năm nay thế của giặc ra sao?” Vương đáp: “Nước ta thái bình đã lâu, dân chúng không biết đến việc binh, vì thế năm trước quân Nguyên vào xâm lược có kẻ đầu hàng có kẻ trốn tránh.

May nhờ uy linh của tổ tông và thần vũ của bệ hạ nên đã quét sạch bụi Hồ. Nếu chúng lại sang, quân ta đã quen đánh giặc, quân chúng lại sợ đi xa, sợ cuộc thất bại của Lý Hằng, Lý Quán lần trước sẽ không có lòng chiến đấu. Theo ý thần thì chắc sẽ đánh tan được giặc”.

Vua mừng rỡ, hạ lệnh cho Hưng Đạo Vương thống lãnh chư quân, hạ lệnh cho vương hầu tôn thất làm thêm vũ khí, chiến thuyền, chiêu mộ trai tráng, tuyển người khỏe mạnh sung vào quân ngũ. Hưng Đạo Vương nói: “Quân cần tinh chứ không cần nhiều, hà tất phải làm vậy”. Từ đó quân ta thường xuyên luyện tập, thao dượt và thi thoảng tổ chức duyệt binh cho vua xem.

Tháng 11 năm đó, đại quân Nguyên đến ải Nam Quan. Thoát Hoan chia quân làm 3 đường thủy bộ vượt biên giới tiến vào nước ta. Hắn cùng Trình Bằng Phi đi đường phía Tây, Áo Lỗ Xích, A Bát Xích đi đường phía Đông, Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp theo đường biển vào cửa An Bang, Trương Văn Hổ chở 17 vạn thạch lương theo sau.

Địch đã vấp phải nhiều cuộc kháng cự quyết liệt của quân ta ở các đồn ải trên dọc đường tiến quân. Hưng Đức hầu Trần Quán đánh bại giặc ở trại Phù Sơn. Nhân Đức hầu Trần Toàn và Nội Minh tự Nguyễn Thức cũng thắng giặc ở bến Đa Mỗ và cửa Đại Than, bắt nhiều tù binh, thuyền chiến, khí giới dâng lên vua.

 Tuy vậy, thế và lực của giặc đều rất mạnh nên quân ta phải rút lui để bảo toàn lực lượng. Tháng Chạp, Trình Bằng Phi đánh chiếm Vạn Kiếp, lập 2 trại tại Phả Lại và Chí Linh rồi tiếp tục đánh chiếm các nơi khác. Chiếm được nơi nào thì Thoát Hoan dựng đồn trại nơi đó làm thế “ỷ giốc” nương tựa lẫn nhau.

Về phía Đông, 2 cánh quân thủy bộ của Ô Mã Nhi và A Bát Xích cũng gặp nhau tại sông Phú Lương, dưới chân thành Thăng Long. Thoát Hoan hạ lệnh cho chúng tấn công thành.

Quân Nguyên vốn giỏi đánh kỵ binh và công phá thành luỹ nên vua Nhân Tông không giữ thành, bỏ kinh sư, rước Thượng hoàng xuống thuyền về phía Nam, thực hiện sách lược “vườn không nhà trống” như lần trước. Chiếm được Thăng Long nhưng Thoát Hoan không ở đấy mà về Vạn Kiếp đóng đại bản doanh chỉ huy cuộc chiến.

Trong lĩnh vực quân sự ngày xưa, mỗi khi hành quân, ngoài số lương khô mà binh sĩ mang theo bên mình để ăn hàng bữa còn có những đội quân thủy bộ vận chuyển lương thực theo sau làm hậu cần.

Đại quân đến đã lâu mà thuyền lương vẫn chưa đến, số lương mang theo trên bộ đã cạn khiến việc hậu cần gặp khó, quân Nguyên phải vào làng mạc cướp bóc của dân mới đủ ăn. Tháng Giêng năm Mậu Tý (1288), Thoát Hoan sai Ô Mã Nhi đem thuyền chiến ra cửa biển Đại Bàng đón đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ.

Lúc này, Phó đô tướng Trần Khánh Dư đang lo việc biên phòng tại Vân Đồn. Thấy Mã Nhi chỉ dùng toán quân nhỏ và cỡi thuyền nhẹ, ông tung quân ra đánh, không ngờ bị giặc đánh bại.

Hay tin, Thượng hoàng sai viên Trung sứ ra bắt Khánh Dư về hành cung hỏi tội. Ông nói với sứ giả: “Tôi nhất thời hồ đồ nên thất bại, theo quân luật thì tôi cam chịu nhưng tôi xin hoãn lại hai 3 ngày nữa để lập công rồi về chịu tội cũng chưa muộn”. Viên Trung sứ đồng ý.

Chờ đón đoàn thuyền lương không được, Ô Mã Nhi quay lại Vạn Kiếp. Khánh Dư đoán biết giặc đang rất cần lương thực, Văn Hổ sớm muộn gì cũng đến, nếu cắt đứt được sự tiếp tế của Văn Hổ, quân Nguyên sẽ như con cọp bị chặn họng, bị bẻ hết răng, chặt hết móng vuốt thì còn gì phải sợ.

Khánh Dư bèn tập hợp số quân còn lại cho mai phục ở những nơi hiểm yếu, đón lõng đoàn thuyền lương. Văn Hổ không ngờ có cuộc phục kích này nên ngang nhiên dong buồm tiến vào. Đến ổ phục kích, Khánh Dư tung quân ra đánh. Bị tấn công bất ngờ, Văn Hổ trở tay không kịp phải tháo chạy về phía biển.

Khánh Dư thừa thắng đuổi theo đến Lục Thủy thì đánh bại hoàn toàn quân giặc. Văn Hổ một mình trốn về Quỳnh Châu. Ta bắt được nhiều tù binh, khí giới, lương thực, phần lớn còn lại lớp bị chìm, lớp bị quân ta đốt cháy trôi dạt vào một bãi biển nên nơi đó có tên là “Bãi Cháy” tới ngày nay.

Hay tin thắng trận, vua Nhân Tông bèn tha tội trước cho Khánh Dư và nói với quần thần rằng: “Cái mà quân Nguyên trông nhờ vào là lương thực và khí giới, nay những thứ đó đã bị ta tịch thu, phá hủy chúng sẽ không còn mưu may được nữa”.

Vua còn sai người đưa trả tù binh về trại quân Nguyên cho chúng báo tin làm hoang mang và rối loạn hàng ngũ của giặc. Đây là đòn tâm lý hữu hiệu mà các nhà quân sự ngày xưa thường hay dùng trong các cuộc chiến.

Không còn lương thực tiếp viện, cuộc sống của quân Nguyên vô cùng khốn khó, Thoát Hoan phải đưa quân đi đánh cướp các đồn trại xa xôi của ta.

Tuy nhiên, ta thực hiện sách lược “vườn không nhà trống” nên trong vùng giặc tạm chiếm đóng không có kho lẫm, làng mạc nào còn lương thực cho chúng cướp, chúng chỉ còn cách vào rừng núi săn bắt hái lượm kiếm sống qua ngày hoặc giết ngựa chiến mà dùng.

Quân ta lại bắt đầu phản công, tái chiếm nhiều lãnh thổ và đồn trại đã mất, dồn giặc vào thế bị động, co cụm cố thủ. Tình thế quân giặc ngày càng khốn quẩn, tồi tệ, tướng lĩnh lẫn binh sĩ đều mất hết tinh thần và ý chí chiến đấu, một mực đòi rút quân về nước.

Thoát Hoan động viên, khuyến khích chúng ở lại thì chúng nói: “Lương hết, ốm đau không thể chiến đấu được, không thể ở lại được”.

Trước tình cảnh đó, Thoát Hoan buộc lòng hạ lệnh rút quân và chia làm 2 đường rút. Hắn và Trình Bằng Phi theo đường bộ còn Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp về đường biển.

Đoán biết đoàn thuyền của Mã Nhi sẽ theo sông Bạch Đằng ra cửa An Bang, Hưng Đạo Vương bèn bày thế trận trên dòng sông này đánh chúng không còn manh giáp, tạo nên võ công oanh liệt nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta. Phía đường bộ Thoát Hoan cũng bị đánh thua tan tác.

xXx

Cổ ngữ có câu “Thực túc binh cường”, nghĩa là ăn no đủ quân lính mới mạnh. Hồi thế kỷ XIII, có thể nói quân Nguyên Mông hùng mạnh và thiện chiến nhất thế giới đã tung hoành khắp Đông- Tây, gieo biết bao kinh hoàng, chết chóc cho các nước từ Âu sang Á.

Tuy nhiên, dù hùng mạnh đến đâu, thiện chiến đến đâu mà cái bụng lúc nào cũng trống rỗng, đói meo, chân tay bủn rủn, thân thể rã rời, đi đứng còn không muốn vững thì đánh đấm nỗi gì?

Nắm bắt được nhược điểm đó, Khánh Dư nhanh chóng vô hiệu hóa sức mạnh của quân Nguyên, biến con cọp thành con mèo, biến đoàn quân thiện chiến thành đoàn quân bạc nhược bằng một đòn trí mạng.

Ngược lại, nếu Khánh Dư không nhạy bén, không thấy được cái nhược điểm trên, không làm được điều kỳ diệu ở Vân Đồn, để 17 vạn thạch lương vào đến Vạn Kiếp thì quân Nguyên sẽ như con cọp được chắp thêm cánh.

Từ đó có thể khẳng định rằng chiến thắng Vân Đồn đã xoay chuyển cuộc chiến 180 độ, đưa quân ta từ thế bị động lên thế thượng phong, đẩy quân giặc từ con đường cái quan vào con đường cùng khốn.

Nếu không có chiến thắng Vân Đồn sẽ không có chiến thắng Bạch Đằng, bởi vì chiến thắng trước là căn bản của chiến thắng sau (nói theo thuật ngữ hiện đại thì đó là một cuộc tổng diễn tập). Mưu tính và công lao của Khánh Dư cũng sâu sắc và vĩ đại như mưu tính và công lao của Hưng Đạo Vương.

Tóm lại, thắng lợi của cuộc kháng chiến chống quân Nguyên xâm lược lần 3 không phải do giặc không có lòng chiến đấu vì sợ đi xa, sợ cuộc thất bại của Lý Hằng, Lý Quán trước kia mà do giặc không còn lòng nào chiến đấu vì bị Trần Khánh Dư nhấn chìm hết tinh thần và ý chí chiến đấu dưới đáy biển Đông.

Thế nhưng, trận Vân Đồn chỉ vỏn vẹn một bài học nhỏ trong sách giáo khoa, thật chưa tương xứng với tầm vóc và giá trị lịch sử của trận đánh này!

 

Trần Khánh Dư là con của Thượng tướng Trần Phó Duyệt, không rõ sanh năm nào.

 

Ông là người có trí lược, có tài làm tướng, từng cầm quân đánh thắng người Man làm phản, đánh bại giặc Nguyên và quân Chiêm Thành.

 

Được Vua Thánh Tông nhận làm “Thiên tử nghĩa nam” (con nuôi vua), phong chức Phiêu kỵ tướng quân, tước Nhân Huệ hầu rồi Nhân Huệ vương. Sau bị tội phải giáng làm thứ dân về sinh sống ở Chí Linh bằng nghề bán than. Tháng 10 năm Nhâm Ngọ (1282), khi vua Nhân Tông ra hội nghị vương hầu ở Bình Than tìm kế sách đánh giặc, ông lại được vua phục chức Phó đô tướng quân trấn giữ Vân Đồn.

 

Ông mất năm Kỷ Mão (1339) đời vua Hiến Tông. Sử thần Ngô Thì Sĩ viết về ông như sau: “Xét Khánh Dư làm tướng có công đánh tan giặc Nguyên, trải thờ bốn đời vua (Nhân Tông, Anh Tông, Minh Tông, Hiến Tông) là bề tôi tôn thất của một đời. Ngoài Hưng Đạo Vương ra (Khánh Dư) có thể sánh với Chiêu Văn (Nhật Duật).

 

Đến khi ấy mất mà không nghe có lễ phong tặng đặc biệt cho nên sử không thấy ghi, sự đãi ngộ của Minh Tông (và Hiến Tông) cũng bạc đấy”!

 

  • ™TRƯƠNG HOÀNG MINH