Cội mai vàng

Cập nhật, 16:40, Thứ Hai, 30/01/2017 (GMT+7)

Không biết mẹ đem từ đâu về một cây mai nhỏ rồi kêu tôi trồng trước sân nhà. Vốn có tính ga lăng, luôn chiều mẹ, ba giành phần tưới nước và chăm bón mai.

Mẹ hiểu nhưng lại không muốn ba nhúng tay vào vì sợ đôi tay thô kệch của ba sẽ làm mai chết. Thế là nhiệm vụ đó được ba “ủy quyền” cho anh em chúng tôi chăm sóc.

Cứ mỗi sáng sớm, trước khi đi học, tôi múc vài gáo nước ngọt tưới đều quanh gốc mai. Buổi chiều đi học về tôi được rảnh tay đi chơi, vì anh Hai thay tôi làm nhiệm vụ này.

Nhờ sự chăm sóc tận tình của anh em tôi mà chẳng mấy chốc mai lớn nhanh như thổi, ngấp nghé đến ngang vai tôi. Rồi thời gian sau tôi cũng “nhổ giò” theo mai nhưng không còn kịp nữa. Tôi cao một thì mai lại cao mười.

Nhớ những buổi chiều, mẹ hay ra trước hiên nhà ngồi nhìn mai chăm chú mà không biết chán. Mẹ cười mãn nguyện nhưng rồi sau đó lại buồn, thỉnh thoảng tôi còn bắt gặp mẹ khóc.

Tôi gặng hỏi lý do nhưng mẹ không nói, chỉ trả lời bâng quơ. Sau này tôi mới hiểu nguyên cớ. Ngày xưa, trước khi sinh anh trai tôi vài năm, mẹ có sinh một người chị gái đặt tên là Mai.

Nhưng do bệnh tim bẩm sinh, chị ấy qua đời khi chưa tròn 2 tuổi. Mẹ đau buồn lắm, nhưng cũng gắng gượng để quên đi. Từ đó cả nhà không ai dám nhắc đến đứa con đầu lòng vì sợ mẹ buồn.

Chính vì chuyện này mà mẹ xem mai như đứa con của mình, luôn nâng niu từng lá, từng cành. Mai héo rũ, mẹ u sầu. Mai tốt tươi, mẹ vui vẻ. Ba chiều mẹ, thường đi tìm phân hữu cơ và nhiều lá cây mụt nát về cho tôi bón xung quanh gốc mai.

Thấm thoát mai đã sống chung với gia đình tôi được 5 năm. Mai cao chót vót bằng cả chiều cao của ngôi nhà, thân thẳng đứng, tán lá xòe rộng như hình tai nấm. Khoảng giữa tháng Chạp năm ấy, mẹ bảo anh em tôi: “Mai đã đến tuổi trổ hoa, các con tước lá cho mai đươm nụ”.

Chúng tôi háo hức lắm, vì từ trước đến giờ chỉ thấy cây mai nhà hàng xóm khoe sắc, chứ nào có được làm công việc “nghệ nhân” như thế này.

Tuy nhiên đến tết mai chỉ trổ lác đác vài cành hoa, ẩn sâu mình sau những chiếc lá xanh mướt to bè. Ba bảo: “Có lẽ do thời tiết thất thường, các con ạ!”. Còn mẹ thì không nói, chỉ thở dài não nuột.

Nhưng những mùa xuân năm sau thì khác. Mai bung cánh đúng vào ngày mồng một tết, rất đẹp! Cánh hoa nào cũng to tròn, xòe rộng, vàng rợp cả sân nhà. Mẹ tỉ mỉ chiết vài nhánh chưng trên bàn thờ, còn lại một ít đem biếu ông bà ngoại và bà con hàng xóm.

Mồng một tết, ba chở mẹ trên chiếc xe đạp cũ đến xông đất nhà ngoại. Nhà ông bà ngoại cách nhà tôi khoảng 2 cây số nên chẳng có trở ngại gì trong việc qua lại. Dạo ấy đường chưa được trải nhựa nên mặt đường rất xấu, đá lởm chởm rải rác.

Ba phải chạy thật chậm theo yêu cầu của mẹ, vì mẹ sợ những nhánh mai đang ôm trong mình rụng cánh. Ngày tết xe chạy đông đúc và lao nhanh vùn vụt nên mẹ thường ngồi sau nhắc chừng ba cẩn thận. Ba nghe lời mẹ răm rắp, chỉ chạy sát mép lề. Nhưng than ôi, chuyện đời khó lường được chữ ngờ.

Một chiếc ôtô lao nhanh qua chiếc xe cũ kỹ của ba, vướng vào những nhanh mai đang vươn mình đón nắng. Ba mẹ ngã lăn ra đất và ngửa mình xuống những tảng đá…

Mẹ ra đi khi trên tay vẫn còn ôm chặt bó mai trong lòng. Ba thì quỳ bên mẹ khóc thống thiết… Cái tết năm ấy cả nhà rất buồn, chưa bao giờ buồn hơn thế. Nhà có đám tang thì vui nỗi gì? Hai anh em tôi đầu chít khăn tang trắng xóa, lặng lẽ ra ngồi bên gốc mai mà khóc. Ba nhẹ nhàng lấy một mảnh vải trắng cột quanh thân mai.

Rồi thời gian chóng vánh vơi đi nỗi buồn. Ai cũng luôn nghĩ về “người phụ nữ” của mình nhưng là để trong tim, trong trí óc chứ không còn biểu lộ ra mặt nữa. Mẹ đi rồi, ba thay mẹ bảo vệ gốc mai, cố gắng không để mai tàn, mai héo.

Chúng tôi đã trưởng thành, không còn là những thằng nhóc nghịch ngợm như thuở nào. Mai cũng thế, già đi rồi, cội đã to, sần sùi và gồ ghề, thân cứng cáp như bức tường thép.

Tuy vậy mai vẫn trổ đều và đẹp mỗi năm, không thua gì những cây mai trẻ. Đó là nhờ sự chăm sóc chu đáo của ba và cả anh em chúng tôi. Dù bận rộn với việc học, nhưng cuối tuần chúng tôi vẫn về thăm nhà, thăm ba và ngắm nhìn mai cho đỡ nhớ mẹ.

Thấy ba thui thủi một mình, nhiều lần anh hai đề nghị nghỉ học để về chăm sóc và lo lắng cho ba nhưng ba khoát tay từ chối.

Ba nói: “Tụi con còn nhỏ, phải lo học để có tương lai, giúp ích cho gia đình và xã hội. Chứ không có bằng cấp gì thì sau này làm sao lo cho vợ con, lo cho ba được! Cứ yên tâm mà học hành, ở nhà ba có mai rồi, không tẻ nhạt đâu!”. Nghe ba nói cũng phải nên chúng tôi không đề cập đến chuyện này nữa.

Mỗi khi tết đến, thiếu vắng bóng mẹ, ba cha con tự tay trang hoàng nhà cửa, đi chợ, gói bánh và tước lá mai. Nhìn ba cực khổ tỉ mẩn gói từng đòn bánh tét một cách khó khăn, tôi đề nghị ra chợ đặt mua nhưng ba không chịu.

Ba nói mẹ chỉ thích đồ ăn ở nhà nấu và ba muốn cho mẹ thấy đôi tay ba không còn thô ráp như trước đây nữa. Mồng một tết, ba chiết vài nhánh mai đem chưng bàn thờ ông bà và mẹ.

Ba làm một mâm cơm để giỗ mẹ và cúng ông bà. Đứng trước di ảnh của mẹ, ba cha con cầu nguyện cho cả nhà luôn hạnh phúc, dồi giàu sức khỏe và được ấm no. Ba còn cầu mong ở nơi suối vàng, mẹ phù hộ sao cho mai luôn khỏe mạnh, sống thọ để mỗi khi xuân về mai vẫn ban sắc đẹp, lộc và niềm vui đến cho gia đình.

Nguyễn Quốc Nguyên