Nghiên cứu, lý luận, phê bình

Tình yêu của Hoàng Phước qua thi phẩm "Chân trời mới"

Cập nhật, 10:26, Chủ Nhật, 04/12/2016 (GMT+7)

Có khi ý thơ xuất hiện như một ngẫu hứng (P.inspiration fortuite). Điều này thì ít khi xảy ra. Nhưng dù xảy ra thì thật sự ý thơ đó đã được ấp ủ, thai nghén lâu dài từ trong tiềm thức. 

Thế nên, ý thơ thông thường là trong sáng, hiền lành, đầy nhân bản tính. Về ngôn từ, lời thơ được đầu tư suy nghĩ chín chắn; có khi cả tuần, cả tháng cứ mãi chọn lọc, viết đi, chỉnh lại vỏn vẹn chỉ mỗi một từ.

Thơ còn là tiếng nói của đáy lòng sâu thẳm, nhằm giải tỏa tâm tình, tự sự… Thế nên, thơ cần phải chân thành, phản ánh chính xác rung động của con tim, cảm hứng có thật. Thiếu yếu tố rung động, cảm hứng thì thơ không còn là thơ nữa và nhà thơ chỉ còn là thợ xếp chữ mà thôi.

Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu tác phẩm “Chân trời mới” của Hoàng Phước.

Cốt tủy của nghệ thuật không có tên gọi

Trong trào lưu ta cho là thơ mới, khoảng nửa đầu thế kỷ XX, nổi lên một số nhà thơ tiêu biểu như Thế Lữ, Xuân Diệu, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng,…

Thật ra, họ không mới hoàn toàn. Thông thường, họ phối hợp hết sức hài hòa giữa cũ và mới. Các bài thơ 7 tiếng /câu phần lớn được làm theo luật dành cho thất ngôn tứ tuyệt. Mỗi đoạn 4 câu và bài thơ được ghép bằng nhiều đoạn. Điển hình như bài “Giây phút chạnh lòng” nổi tiếng của Thế Lữ:

“… Lấy câu khẳng khái tiễn đưa nhau,

Em muốn cho ta chẳng thảm sầu.

Nhưng chính lòng em còn thổn thức,

Buồn kia em giấu được ta đâu.

(“Giây phút chạnh lòng”- Thế Lữ)

Trong tập “Chân trời mới”, Hoàng Phước sử dụng một thể loại hết sức đặc biệt khiến chúng ta không thể xếp vào loại nào cho ổn. Chẳng hạn bài “Đôi bờ chung thủy”:

“Cầu treo ví tợ đứa con ngoan!

Sợi dây thắt chặt của đôi đàng,

Đôi bờ Mỹ Thuận tròn một kiếp!

Phu xướng phụ tùy đã… hả hê!”

Thể là tứ tuyệt, nhưng luật và vần thì lại không. Thêm một trường hợp khác, đó là bài “Bác còn, mời Bác đến cầu treo” như sau:

“Ước gì Bác còn ở thế gian!

Chúng cháu mời Bác đến cung đàn

Tấu bản cầu treo cùng non nước

Tiếng đàn réo rắt thỏa ước mơ.

Bác ơi! Cầu treo không lắt lẻo,

Xuân mới trải dài trên thôn xóm.

Ánh mắt hồng, chói rực non sông”.

Chúng ta cho bài này là thơ mới thì không đúng, nhưng nếu xếp nó vào thể thất ngôn bát cú Đường luật thì cũng sai tuốt vì nó không hề tuân thủ niêm luật vần khe khắt của Đường luật, đúng với nhận định của Huệ Viên:

“Người nghệ sĩ sáng tác… không phải vì muốn thể hiện những khái niệm ngôn ngữ…” Hoàng Phước sáng tác “bởi có sự thôi thúc tự nhiên trong mình”, thôi thúc đến nỗi anh không thể cưỡng lại được và phải cầm cây viết để viết ra một chút gì đó, không viết là ấm ức không chịu được. Vì vậy, anh đâu cần phải gò bó theo luật lệ nào.

Cốt yếu là cảm quan phi ngôn ngữ

Cũng như đa số nhà thơ chuyên nghiệp, Hoàng Phước coi cảm quan là quan trọng hàng đầu và ngôn từ chỉ là phương tiện diễn đạt được bao nhiêu hay bấy nhiêu.

Cảm quan phi ngôn ngữ đích thực là cảm hứng vượt lên trên ngôn từ bởi vì ngôn từ dầu phong phú thế mấy vẫn không sao phản ảnh trung thực và đầy đủ cảm quan. Trong “Chân trời mới” có nhiều câu tối nghĩa vì ngôn từ không “theo kịp” cảm hứng:

“Nấc nở lên!

Những lời ly biệt

Tâm hồn con khập khễnh…

Chân đứng chẳng yên

Sao bỗng dưng?

Lại ướt đầm “núm đá”

(“Sống mãi”)

Có lẽ cũng vì lý do trên mà một số từ được dùng “hơi lạ”. Thí dụ: khoe khuẩy (thay vì ngoe ngoẩy- “Sống cùng với lũ”); nấc nở (thay vì nức nở- “Sống mãi”); mốm mồi (thay vì mớm mồi- “Vĩnh Long vùng châu thổ”) v.v…

Có lẽ cũng do vì quá chú trọng cảm xúc mà tác giả thờ ơ với chính tả nên có nhiều “lỗi” đối với các từ thông dụng. Chẳng hạn: dả tạo (giả tạo- “Vàng son một thuở”), mổi nất con lớn lên (mỗi nấc- “Tuổi học trò”).

Đến đây, thiết tưởng cũng nên có chút ý kiến về mấy bài lục bát.

Đối với các bài lục bát thì phải nói là hay vì đầy “ấn tượng”. Thơ thuộc thể này không được sáng tác nhiều: chỉ khoảng 5, 6 bài thôi. Đặc biệt trong các bài này, vần điệu rất chuẩn, dư âm buồn man mác, thấm sâu vào lòng người:

… Đêm đông dạ mẹ bùi ngùi!

Chim dừng tung cánh, cá dừng vẫy đuôi...

Mẹ già! Nhũn cánh, đành chui,

Kiếp nào, tròn kiếp? Mẹ nuôi con khờ…

(“Mùa đông”)

Hoặc:

Dừng chân tìm bóng cô đò,

Hoàng hôn sắp đến, giọng hò ngân vang...

Khoan thai mái đẩy dịu dàng,

Chao ôi! Chẳng phải cô nàng năm xưa…

(“Thuyền rời bến cũ”)

Thật là thâm trầm não nuột biết bao mà lại rất nên thơ!

Với hoa và thơ

“Chân trời mới” là một tập thơ. Phân tích tập thơ này xoay quanh khái niệm thơ có thể coi là tạm đủ. Chúng ta thử phân tích tập thơ trong “phạm trù” hoa theo định nghĩa ở phần đầu. Nếu hiểu hoa là tinh túy của thực vật thì thơ là tim gan của nghệ sĩ.

Qua nội dung thi phẩm, đàng nào ta cũng thấy ít nhiều tâm sự nhà thơ. Hoàng Phước cũng không thể đứng ngoài thông lệ đó. Đó là tình yêu: yêu đời cục mịch thật thà, yêu nông thôn yên bình, yêu cha, yêu tình thủy chung, son sắt một lòng.

Yêu đời cục mịch thật thà

Có thể nói Hoàng Phước là nhà thơ của nông dân tay lấm chân bùn. Trong suốt quảng đời thanh niên dài 22 năm, anh là một chiến sĩ giải phóng hay đúng hơn là một phóng viên chiến trường. Trong suốt đoạn đời này, anh hết sức gắn bó với các cuộc đời cục mịch thật thà với nông thôn mới:

Đất yên lành! Chim tụ về đông đủ

Hót vang những lời, hơn vạn bài ca.

(“Đường về”)

Hay:

Tâm hồn trong sáng! Con đường sáng…

Nhịp bước thăng hoa dãy non đoài.

(“Trăng vàng ảo ảnh”)

Yêu nông thôn yên bình

Những cuộc đời cục mịch, thật thà thường được ươm mầm trên mảnh đất yên bình của nông thôn thanh vắng. Trong từng mạch máu của mình, Hoàng Phước hình như được ươm mầm, tưới tẩm bằng nguồn nước và phù sa của chín cửa sông Rồng. Có rất nhiều ý thơ trong “Chân trời mới” bắt nguồn từ nông thôn Nam Bộ yên bình và sau đây là một vài điển hình:

Thôn xóm dân cư

Hụt hẫng tiếng chim kêu gà gáy sáng

Bỗng dưng tâm hồn anh!

Cuốn hút vào trang tình sử yêu thương…

(“Quê hương em”)

Ở một đoạn khác:

Xuân mới trải dài trên thôn xóm.

(“Bác còn, mời Bác đến cầu treo”)

Những ý như vậy còn nhiều, rất nhiều và phảng phất thơm trong suốt tập thơ. Nhưng cái đáng yêu quý nhất ở nhà thơ là tấm lòng thủy chung, son sắt.

Tình cha và tình yêu trai gái thủy chung, son sắt

Với anh, trên tình yêu nam nữ là tình phụ tử thiêng liêng.

Đây là tình cha con trước sau như một:

Tổ quốc thanh bình

Con quay gót về quê

Hồn phách con bay… vòng khu mộ

Tai lắng nghe từng tiếng

Cõi âm vang…

(“Sống mãi”)

Chiếm lĩnh đỉnh cao trong lòng người bao giờ cũng là tình yêu đôi lứa.

Tuổi trẻ vốn hay quên trong tình yêu. Đặc biệt là với những kẻ lang bạt kỳ hồ, rày đây mai đó. Thật ra, tật quên cũng có mặt tích cực: giúp chúng ta dễ sống, dễ hòa hợp với đời. Thế nên, thời @ của chúng ta ngày nay, tình yêu trai gái quá dễ rơi vào hố thẩm ăn xổi ở thì. Vui thì sum họp, buồn thì chia tay, đường ai nấy đi. Có khi 2 người trong cuộc còn tổ chức tiệc chia tay nữa chứ. Những trường hợp “Đêm đêm tưởng dải Ngân hà, mối sầu Tinh đẩu đã ba năm trường” (Ca dao) chỉ còn là chuyện đời xưa.

Hoàng Phước thuộc thế hệ đàn anh, thế hệ của “Lan và Điệp”, khi tình yêu dang dở, không nhảy xuống sông hồ được thì chàng và nàng chỉ còn cách “thế phát, quy y” như “Lan” mà thôi!

Chính vì thế, Hoàng Phước đã rơi lệ khi nói về cố nhân:

Trong màn suối lệ!

Hồng nhan dáng chập chờn

Ji Na em! Dìu anh tháng năm

Khắc sâu vào ký ức…

(“Dấu chân xưa”)

Hoặc:

Choáng mắt mờ!

Chung tình! Săn đuổi trên đầu súng

Chẳng hề phai nhạt!

(“Hương tình trên đỉnh sóng”)

Thay lời kết

Hoàng Phước và tôi cùng sinh hoạt tại CLB Văn học Văn Xương các tỉnh Vĩnh Long. CLB họp mỗi tháng một lần, chỗ ngồi của từng người gần như cố định.

Chúng tôi ngồi khá xa nhau. Tôi do hoàn cảnh riêng “lặn” thường xuyên. Chính vì thế mà chúng tôi ít tiếp xúc nhau… Tôi cứ tưởng anh là một lão nông nào… Mãi về sau này tôi mới biết anh rõ hơn.

Càng biết, tôi lại càng kính mến anh bởi tác phong “nông dân chân chất”: trước cũng như sau, lúc trẻ cũng như lúc già. Giấy dù rách hay lành cũng cần giữ lấy lề, con người dù sang hay hèn cũng cần giữ lấy gia phong nền nếp: không kiêu bạc, không hãnh tiến, không thay lòng, đổi dạ.

Theo tôi, giá trị “Chân trời mới” của nhà thơ Hoàng Phước chính là ở chỗ đó.

CHÍNH HỒ (TP Vĩnh Long)