Truyện ngắn

Con Vện

Cập nhật, 06:31, Thứ Bảy, 23/04/2016 (GMT+7)

Con Vện ngồi xổm, chống hai chân trước và giương đôi mắt già nua buồn bã nhìn vô nhà. Căn nhà mới cất xong tuần trước, bữa nay người ta tổ chức mừng tân gia. Chủ nhà là Hai Đế. Nếu ai chỉ nhìn y và biết y lúc này, sẽ không tưởng tượng được trước kia y chỉ là “bạn ở” cho một chủ tàu đánh cá.

Ảnh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)
Ảnh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)

Bầy con trai bốn đứa của y, không đứa nào biết chữ. Vừa được bảy tám tuổi, tụi nó đã vô nhà chủ vá lưới kiếm cơm. Cha làm mướn, con cũng làm mướn. Bốn thằng con trai ăn nhiều, mau lớn.

Cứ qua tuổi mười bốn, mười lăm, tụi nó lại được xuống tàu, đi biển. Mình đồng da sắt. Đứa nào cũng vạm vỡ như những tượng đồng. Những năm có phong trào vượt biển, đám con y, mỗi đứa chạy theo một chuyến. Thằng Chèo, thằng Chống thuận buồm xuôi gió, đi ba ngày tới đảo.

Thằng Biển, thằng Sông lênh đênh hằng mấy chục ngày trên biển vì tàu chết máy. Con nít, người kém sức khỏe lần lượt ra đi. Xác quăng xuống biển.

Còn lại tám người, không đồ ăn, không nước uống. Mấy thùng nhựa đựng nước sông đem theo đã được trút tới giọt cuối cùng. Phù sa đọng lại như chén thuốc tán vậy mà mỗi người chia nhau một hớp, nuốt qua cổ họng lại thấy ngọt như đường phèn.

Thằng Biển ngẫm nghĩ: “Hồi còn ở nhà, uống nước sông có thấy ngọt như vầy đâu chớ!” Nó lại nhớ quê nhà. Biển thì vẫn mênh mông trước mắt. Nó thầm vái “ông cậu bà cậu” phù hộ cho chuyến tàu tụi nó được cứu vớt! Và có lẽ, lời nó vái linh thiêng, ngày hôm sau, tụi nó được một chiếc tàu buôn Ý vớt…

Mấy anh em thằng Chống, Chèo, Sông, Biển lại gặp nhau trên đảo. Không đứa nào biết chữ nên phải học. Mấy lá thơ đầu gởi về, tụi nó phải nhờ người ta viết.

Hai Đế ở nhà ngày đêm đốt nhang cầu nguyện. Ngày nhận được thơ con, y mừng như lượm được vàng. Con Vện lúc đó vừa được ba tuổi. Nó vốn là con nhà nòi. Thường, những tay nuôi chó săn chuyên nghiệp rất ưng mấy con chó lông vằn vện.

Người ta cho là tụi nó có bộ lông giống cọp nên khôn ngoan và hung dữ. Con Vện từ nhỏ đã tỏ rõ bản lĩnh của mình. Mẹ nó là con chó nhà chủ. Hai Đế xin nó về coi trước coi sau và làm tay mắt cho ông Năm- người cha mù lòa của y.

Những ngày cả nhà đi làm mướn, con Vện vừa coi nhà, vừa tha củi cho ông Năm nấu cơm. Nó khôn ngoan và quấn lấy ông như hình với bóng. Mấy xề khô phơi chưa bao giờ mất một con nào. Khi nào thèm quá, nó tha một con vô cạ cạ vào tay ông.

Chừng nào ông Năm lên tiếng “cho con đó” thì nó mới ăn… Nó đã từng cứu mạng ông Năm. Lần đó, cả nhà Hai Đế theo chuyến đánh cá ngoài khơi xa. Vợ Hai Đế suốt ngày ở nhà chủ xẻ khô, vá lưới. Con Vện vẫn nhiệm vụ coi nhà, coi chủ. Ông Năm vẫn đi tới đi lui làm những việc thường ngày.

Bỗng ông nghe chóng mặt, đầu đau như búa bổ, chân tay không còn cảm giác, rồi ông quỵ xuống. Con Vện thấy chủ khác lạ hơn ngày thường nên chạy tới liếm vào mặt ông.

Ông Năm vẫn nằm im bất động. Con Vện phóng chạy như bay qua miếng vườn tạp, rồi chạy thẳng vô bếp nhà Ba Muôn- người hàng xóm gần nhất của ông Năm. Vợ Ba Muôn đang nấu cơm. Con Vện đứng ngay cửa sủa vang. Vợ Ba Muôn nhìn thấy, biết con Vện rồi.

Nhưng sao thấy nó lạ lùng vậy. Chị gạt lửa nồi cơm rồi đứng lên. Con Vện bỗng chạy tới cắn lấy ống quần chị có ý lôi đi. Chị Ba sinh nghi vội chạy theo nó…

Nhờ đó mà ông Năm được cấp cứu kịp thời. Nhưng cũng kể từ đó, ông đã bị liệt nhẹ nửa thân người. Con Vện được coi như anh hùng. Nhưng nó không biết nó là anh hùng. Nó chỉ làm những điều nó thấy cần thiết!

Sau này, Hai Đế có tiền của bốn thằng con gởi về, y bỏ nền đất cũ ra thị xã mua đất cất nhà. Y mua một miếng rồi mười miếng.

Chỉ trong vòng mười bốn năm sau ngày mấy thằng con ra đi, y đã trở thành người khác. Căn nhà này là căn nhà lớn nhất mà y cất để chứng tỏ sự giàu có của mình. Vợ chồng y bây giờ vàng vòng đeo thiếu điều muốn gãy cổ. Bốn thằng con thay nhau gởi tiền về. Cứ có tiền là y mua đất, cất nhà bỏ đó.

Ai thắc mắc, y nói để tụi nó về chơi có chỗ mà ở. Mỗi căn nhà cất tốn ngót năm bảy trăm triệu vậy mà cứ bỏ không. Lâu lâu lại mướn người quét dọn. Không giống như nhiều người ở nước ngoài, ăn nên làm ra, khi về nước thường giúp đỡ bà con, láng giềng nghèo, đi làm từ thiện hay cúng chùa cúng miễu.

Đám con Hai Đế không như vậy. Mỗi lẫn về, tụi nó tụ tập đám bạn hoang đàng ăn nhậu thỏa thuê. Tụi nó lui tới mấy quán bia ôm, bao đám gái ở đó ăn chơi xả láng.

Vài ba người bà con tới thăm, Hai Đế chỉ đem cho một ít dầu gió, xà bông, chứ tiền thì đừng hòng đụng tới. Y đã thay đổi. Ngày xưa quần rách áo vá, chân đất đầu trần, bữa đói bữa no.

Bây giờ, nhà cao cửa rộng, một bước lên xe… Hai vợ chồng chỉ ăn rồi đi chơi. Y mướn một người làm chăm sóc ông Năm hai năm nay đã nằm một chỗ. Ông Năm vẫn được nằm ở căn nhà cũ kế bên.

Căn nhà mới của y cất cả năm mới xong, đã tiêu tốn cả tỷ đồng. Y đã nhìn thấy mấy căn nhà lớn trong thị xã rồi, không căn nào lớn bằng nhà y. Y muốn mình nổi trội nhất. Y đã mua không biết bao nhiêu đồ trang trí nội thất để trang trí cho ngôi nhà số một của mình.

Phòng khách được chất đống hai bộ salon với hai kiểu khác nhau. Rồi nào là tủ ly, tủ chén, ba cái tủ lạnh được đặt ở ba góc phòng (dường như y không hề biết tủ lạnh chỉ được đặt ở nhà bếp). Màn cửa thì treo đủ thứ màu xanh đỏ tím vàng, nhìn giống như rạp hát cải lương.

Y cũng mua về hai con chó Bẹc-giê mấy chục triệu đồng. Hai con chó Nhật chính hiệu nhỏ bằng mấy con chó được trưng bày trong mấy cửa tiệm.

Riêng bầy chó, mỗi ngày, y đã tốn ngót trăm ngàn. Hai con chó Bẹc-giê được xích kỹ trong sân, hai con chó Nhật được ngồi trên hai cái nệm trước nhà để phô trương thêm sự giàu có của y. Con Vện đã mười tám tuổi rồi.

Bây giờ, nó đã là con chó già còm cõi, lông rụng chỉ còn lưa thưa như mạ thất mùa. Nó đi đứng chậm chạp không như thời còn trai trẻ. Nó đã là quá khứ. Cái quá khứ nghèo đói của một bạn chài. Mọi thứ đã thay đổi, nhưng chỉ có tấm lòng trung thành của nó là y cũ.

Nó vẫn thương, vẫn quý người chủ đã nuôi nó từ nhỏ, đã từng chia sẻ những bữa cơm nghèo. Từ quê ra chợ, từ nhà lá tới nhà tường rồi từ nhà tường tới nhà lầu… Chủ nó thay đổi nhiều mà nó thì vẫn vậy. Ngày Hai Đế đem con Bẹc-giê về đã bắt nó nằm trước mặt “người mới” để làm quen.

Nó buồn lắm. Nó nhìn Hai Đế với ánh mắt dỗi hờn. Nó đã làm hết sức mình để rồi chẳng còn gì? Nó đã giữ nhà, lượm củi, bắt chuột, đuổi chồn,…

Nó đã phải ở với ông già Năm nằm bất động bên căn nhà cũ. Hai con chó Nhật được chạy giỡn tung tăng trong phòng khách trải thảm. Được ngồi ở bất kỳ chỗ nào tụi nó muốn. Còn nó, những lúc nhớ chủ, nó chỉ được đứng ngoài rào buồn bã nhìn vô.

Bữa nay cũng vậy. Nó thấy nhà chủ kẻ ra người vô tấp nập. Tiếng nhạc từ hai cái máy hát hiện đại phát ra đến hàng mấy trăm thước còn nghe làm nó đinh tai nhức óc.

Nó mon men đến ngồi dưới gốc mai chiếu thủy chín tầng, biểu hiện quyền uy vua chúa. Nó ngóng vào trong. Hai con Bẹc-giê cũng nhận ra nó là “người nhà” nên không phản ứng gì.

Nó buồn bã ngồi quan sát và nhớ lại những ngày tháng đã qua. Vợ chồng Hai Đế bỗng từ nhà bước ra. Bữa nay thị mặc bộ váy đầm loại dành cho người có tuổi, cổ đeo ba sợi dây chuyền đủ cỡ. Vừa thấy con Vện, thị đã quát lên:

- Đứa nào ra đuổi con Vện về bên bển coi! Bữa nay sao nó lại qua đây?

Một đứa cháu vội chạy ra. Con Vện là con chó khôn. Chỉ nhìn thái độ, nó đã biết người ta không muốn cho nó có mặt ở đây. Nó đứng dậy buồn bã bỏ đi.

*

* *

Ông Năm vừa tỉnh dậy sau giấc ngủ chập chờn. Tiếng nhạc quá lớn, đến nỗi một người đã chết phân nửa còn nghe được. Thân thể tuy không cựa quậy gì được nhưng cái đầu ông vẫn còn tỉnh táo lắm. Ông vừa “mắc” mà thằng Lựu lại vừa chạy đi đâu. Thằng Lựu được mướn để chăm sóc ông.

Từ ngày nằm một chỗ, ông có mùi hôi. Cho dù Hai Đế đã không tiếc tiền lấy dầu thơm xịt cho ông, nhưng cái mùi hôi, mùi bệnh, mùi của những thứ trong người ông thải ra vẫn phảng phất quanh căn phòng ông nằm. Thằng Lựu cũng dân làm mướn.

Nó nhận lời chăm sóc ông Năm không phải vì món tiền Hai Đế trả cho nó. Nó thương ông Năm. Từ khi còn nhỏ, ông đã thường cho nó trái chuối, củ khoai. Bây giờ, thấy ông nằm một mình trong cảnh ốm đau bệnh tật mà con trai với con dâu chẳng đoái hoài, nó càng thấy thương ông hơn.

Nó vừa đút cháo cho ông ăn xong, thấy ông nằm ngủ, nó chạy qua nhà lớn kiếm chút gì bỏ bụng. Thằng Lựu đang ăn, Hai Đế đã sai nó:

- Mầy bỏ đó, chạy đi kiếm thằng quay phim liền cho tao. Tao điện nãy giờ mà không gặp nó.

Thằng Lựu dạ một tiếng rồi bỏ đũa, đi liền. Khách tới mỗi lúc một đông. Người thân, kẻ sơ. Có những kẻ ngày xưa đã từng rẻ rúng, khinh khi Hai Đế, bây giờ cũng xun xoe tới chúc mừng. Vợ chồng Hai Đế hả hê lắm. Y cầm cái điện thoại di động trong tay, đi tới đi lui chỉ huy, quát tháo.

Thỉnh thoảng chuông điện thoại lại reo vang, một vài người khách cáo lỗi không tới được nhưng vẫn báo tin cho người đem quà tới…

Ông Năm vừa “tè” ra giường. Ông không còn kiềm giữ được. Bao nhiêu cháo vừa ăn xong đã chạy thẳng một mạch ra ngoài. Hệ tiêu hóa của ông đã thôi không hoạt động nữa. Hai chân ông lạnh ngắt.

Cái lạnh lan dần lên tới thắt lưng. Tay ông buông thỏng, hơi thở ngập ngừng yếu ớt. Con Vện vừa thất thiểu bước vô nhà, nó đánh hơi liền cái mùi ông Năm vừa toát ra. Nó rón rén đến bên ông.

Cái mũi khịt khịt đánh hơi. Nó vòng xuống chân ông rồi cạ cái mũi ướt của nó vào bàn chân lạnh ngắt của ông. Nó gát mõm lên bàn chân ông và nằm buồn bã.

Từ hai khóe mắt già nua của nó, hai dòng nước mắt chảy ra… Bên nhà lớn, tiếng nói tiếng cười, tiếng nhạc vẫn rền vang một thứ âm thanh hỗn tạp. Bên căn nhà cũ, ông Năm vừa hít một hơi cuối rồi lặng lẽ ra đi.

*

* *

Mãi đến xong bữa tiệc, Hai Đế mới biết ba mình đã chết. Con Vện vẫn nằm cạnh ông Năm, nó không thèm nhìn ai hết, mắt chỉ lim dim như đang chìm vào giấc ngủ. Vậy là đám tang lại liền sau đám tân gia. Mấy thằng cháu nội gấp rút về nước để “chịu tang báo hiếu”.

Xác ông Năm được ướp lạnh chờ bốn thằng cháu trở về. Đám tang lớn ơi là lớn. Nhà đẹp nhất thị xã, đám tang cũng lớn nhất. Hai Đế cho mời đủ ba giàn nhạc: nhạc lễ của người Kinh, nhạc lễ của người Hoa và giàn nhạc ngũ âm của người Khmer.

Tăng ni của mấy chục ngôi chùa lớn nhỏ cũng được mời về tụng kinh tế độ vong linh cho ông Năm. Ba con bò và gần chục con heo cũng được hóa kiếp theo. Đám tang mà đãi ăn y như đám cưới. Rượu bia thì toàn loại đắt tiền. Hai Đế muốn cho người ta thấy rằng mình là đứa con có hiếu.

Chỉ riêng con Vện, nó vẫn buồn bã trong thế giới của riêng nó. Nó nằm phục dưới quan tài suốt những ngày làm đám và không thiết tha gì chuyện ăn uống. Ngày đưa ma ông Năm, nó nằm lại khu mộ. Đến ngày thứ năm khi khu mộ đã hoàn thành, nó cũng ra đi.

Những người thợ xây đã rớt nước mắt khi thấy nó lết đến sát bên bia mộ và cất tiếng tru thảm thiết. Đó là tiếng lòng của con chó suốt đời trung thành với chủ.

TRẦM NGUYÊN Ý ANH (Trà Vinh)

Các tin khác: