Chuyện làng văn nghệ

Từ "Chiều nhọ cánh cò" đến "Cái sân chơi biết đi"

Cập nhật, 19:09, Thứ Bảy, 20/02/2016 (GMT+7)

Năm 1990, tuần báo Văn nghệ có đăng một phóng sự “kêu cứu” về Hoàng Tá- một tác giả chuyên viết thơ cho thiếu nhi, hội viên Hội văn nghệ Vĩnh Phúc, sau này là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam- bị tật nguyền nặng, đang gặp khó khăn.

Nhờ thiên phóng sự ấy, một số bạn đọc hảo tâm gửi tiền, tặng quà cho Tá qua báo Văn nghệ. Mấy tháng sau số tiền lên tới hàng triệu, nhà thơ Hữu Thỉnh lúc đó là Tổng Biên tập của báo đã mua một chiếc xe lăn về tận Vĩnh Phú trao cho Tá.

Hoàng Tá (sinh năm 1945, quê xã Tân Chính huyện Vĩnh Lạc), bị mất một chân, phải đi nạng. Hoàng Tá đã xuất bản 3 tập thơ cho thiếu nhi. Tập thơ thứ ba có tựa đề “Cái sân chơi biết đi” do nhà xuất bản Kim Đồng năm 1993 ấn hành, năm 1994, được giải A văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam. Hoàng Tá từng có thơ trong sách giáo khoa bậc tiểu học.

Vào một buổi chiều hạ năm 1993, Hoàng Tá đi ôtô từ Vĩnh Phúc về Hà Nội. Bước xuống bến xe Kim Liên, đi bộ vào trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam (số 9 Nguyễn Đình Chiểu) tìm gặp nhà thơ Phạm Hổ khi ấy là Chủ tịch Hội đồng Văn học thiếu nhi.

Một lát, nhà thơ Phạm Hổ từ trên gác xuống, nhìn Hoàng Tá tay chống nạng gỗ, tay lấy khăn mặt lau mồ hôi đang nhễ nhại, trên vai đeo cái túi xách, trong túi có tập bản thảo “Chiều nhọ cánh cò” khoảng 40 bài thơ viết trong 20 năm. Nhìn Tá, nhà thơ Phạm Hổ xúc động, vì ông biết hoàn cảnh của Tá quá nghèo (qua báo Văn nghệ).

Lần ấy, Tá nhờ nhà thơ Phạm Hổ đọc góp ý cho tập bản thảo “Chiều nhọ cánh cò”. Mặc dù Tá đến lúc đang bận có khách ở Nam ra, nhưng nghe chị thường trực cho biết có Hoàng Tá ở Vĩnh Phúc xuống gặp, ông vui vẻ dành mấy chục phút góp ý từng bài thơ cho Hoàng Tá. Ông khuyên Tá không nên tham in nhiều cả 40 bài mà chọn khoảng 30 bài trở lại, càng ít bài thì giá trị tập thơ càng cô động và thế mới không trùng, loãng…

Còn cái tên “Chiều nhọ cánh cò” nghe có vẻ văn chương, mỹ miều quá, không trẻ con lắm, nên tìm một cái tên khác cho lạ, hóm hỉnh, thiếu nhi hơn. Nói rồi, ông lật đi lật lại thấy trong tập có bài “Cái sân chơi biết đi”, đọc kỹ rồi vỗ vai Tá: “Lấy bài này đặt tên cho cả tập, thích lắm”.

Hoàng Tá suy nghĩ giây lát từ tốn đáp: “Vâng ạ, em cũng thích”. Đúng là như vậy, cái tên “Cái sân chơi biết đi” gợi trí tò mò của trẻ thơ, cũng như cách đây hơn 30 năm, ông đã từng đặt tên một tập thơ của ông là “Chú bò tìm bạn”. Xin chép bài “Cái sân chơi biết đi”:

“Chiều bên kệnh nước xanh rờn

Lưng bè mát rượi từng cơn gió hè

Hai anh em sáo bay về

Tung tăng khắp trên lưng bê hiền lành

Sáo cười : “Hy hý kìa anh

Cái sân chơi của chúng mình đang đi”

Lưng bê- đúng là “Cái sân chơi biết đi” thật chứ bạn?

Lê Hồng Thiện