Lương công chức cao hay thấp?

Cập nhật, 09:46, Thứ Năm, 05/05/2016 (GMT+7)

Theo Nghị quyết của Quốc hội, từ 1/5/2016, lương cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang được tăng từ 1.150.000đ lên 1.210.000đ (tăng khoảng 5%).

Với người làm công ăn lương thì chuyện tăng lương là tin vui nhất nhưng lần này tin tăng lương được đón nhận rất thờ ơ.

Trước đó, vấn đề tăng lương công chức, viên chức được bàn thảo khá nhiều, bởi gần 3 năm nay, gần 3 triệu công chức, viên chức vẫn hưởng lương cơ sở ở mức 1.150.000đ.

Với mức tăng 60.000 đ/hệ số đối với người ăn lương “thờ ơ” vì mức tăng không đáng kể. Tuy nhiên, khoản tiền lương tăng này là nỗi lo lớn của Chính phủ về cân đối ngân sách.

Trong bối cảnh nền kinh tế nước ta hiện nay, lương của đại bộ phận công chức đang ở mức cao hay thấp là vấn đề luôn được đặt ra.

Đánh giá về lương của cán bộ công chức cần đặt trong mối quan hệ giữa thu nhập với thị trường và mọi chi phí sinh hoạt và đặt trong bình diện của xã hội và theo từng ngành nghề, địa phương.

Nếu như so sánh với người trồng lúa thì lương công chức quả là rất cao, nhưng với nhiều ngành nghề khác hoặc ở đô thị thì đồng lương công chức rõ là… “3 cọc 3 đồng”!

Cách đây vài năm, đã có vị lãnh đạo đưa ra con số có tới 30% cán bộ công chức sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về. Với những người này thì rõ là họ lãnh lương cao.

Bởi vậy, lương tăng kèm theo đó là hàng loạt nỗi lo về cân đối ngân sách, về hiệu quả hoạt động của bộ máy công quyền, về chất lượng của từng cán bộ công chức, viên chức… và liệu rằng, tất cả đều xứng đáng được tăng lương?

Vậy nên, có thực tế là lương không cao nhưng nhiều người vẫn cứ mong muốn, có nguyện vọng vào làm trong khu vực nhà nước. Đó là điều bất thường đang tồn tại. 

HOÀNG HÀ