Quản chặt thuốc bảo vệ thực vật

Cập nhật, 07:48, Thứ Tư, 20/01/2016 (GMT+7)

Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2015 và triển khai kế hoạch năm 2016 của Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) mới đây, nhiều ý kiến đề nghị siết chặt quản lý thuốc BVTV ở tất cả các khâu và xây dựng phương án giảm thiểu.

Trong quá trình sản xuất nông nghiệp, vai trò của BVTV nói chung, thuốc BVTV nói riêng rất quan trọng, góp phần đảm bảo để mùa màng được mùa, duy trì sự tăng trưởng bền vững, an toàn. Tuy nhiên bên cạnh tích cực, thị trường kinh doanh thuốc BVTV luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ và đang là vấn đề đáng quan tâm.

Theo số liệu thống kê của ngành nông nghiệp, mỗi năm nước ta tiêu thụ khoảng từ 70- 100 ngàn tấn thuốc BVTV; trong đó 24% là thuốc trừ sâu, 23% thuốc trừ bệnh, 44% thuốc trừ cỏ, còn khoảng 12% thuốc phục vụ bảo quản nông sản, hàng hóa khác,…

Theo Cục BVTV, qua thực hiện 808 đợt thanh tra, kiểm tra về sản xuất, buôn bán thuốc BVTV tại 11.167 cơ sở sản xuất, buôn bán, đã phát hiện 2.169 cơ sở vi phạm, chiếm 19,42%.

Các hình thức vi phạm gồm: không đủ điều kiện buôn bán; không có giấy phép kinh doanh, buôn bán thuốc ngoài danh mục; sản xuất, buôn bán thuốc vi phạm nội dung ghi nhãn; sản xuất, buôn bán thuốc kém chất lượng; giả mạo dấu hợp quy để gắn lên sản phẩm, hàng hóa, sản xuất thuốc giả.

Nếu xét về tổng thể, chi phí về thuốc BVTV so với chi phí chung trồng trọt không nhiều. Thế nhưng một khi xuất hiện sâu, bệnh mà mua phải thuốc giả, thuốc kém chất lượng thì tác hại khôn lường, có thể thiệt hại từ 50- 80% giá trị sản xuất. Đó là chưa kể tác động khác nếu không may sử dụng thuốc ngoài danh mục, thuốc cấm.

Chúng ta đã có những bài học rất đau xót, khi hàng hóa bị trả lại do còn dư lượng thuốc BVTV ngoài danh mục gây nguy hại người sử dụng, gây ô nhiễm môi trường, mất lòng tin người tiêu dùng với khách hàng về nông sản Việt Nam. 

HOÀNG HÀ