Kỳ vọng mới cho người nghèo

Cập nhật, 08:40, Thứ Ba, 19/01/2016 (GMT+7)

Hiện nay, việc đo lường nghèo của nước ta không còn phù hợp với xu thế mới. Một số nhu cầu cơ bản của con người không thể quy ra tiền (như tham gia xã hội, an ninh, vị thế xã hội,…) hoặc không thể mua được bằng tiền (tiếp cận giao thông, thị trường, đường sá và các loại cơ sở hạ tầng khác, an ninh, môi trường, một số dịch vụ y tế- giáo dục công…).

Thực tế, có một số hộ có thu nhập trên chuẩn nghèo thì trong một số trường hợp thu nhập đó sẽ không chi tiêu cho những nhu cầu tối thiểu. Thay vì chi tiêu cho y tế, giáo dục thì lại chi cho thuốc lá, rượu bia… và các mục đích khác.

Với cách tiếp cận theo thu nhập như trên, đổi mới cách tiếp cận giảm nghèo từ đơn chiều sang đa chiều, các bộ, ngành, Trung ương và địa phương đang trông chờ chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016- 2020 được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 10 hôm 12/11/2015.

Đã thành truyền thống, năm nào vào thời điểm này, Thủ tướng cũng có chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương chăm lo tết cho người có công, các đối tượng chính sách khác và người nghèo.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đã có chỉ đạo từ rất sớm. Chẳng hạn về công tác an sinh xã hội, bộ đã chỉ đạo các địa phương thực hiện theo Nghị định 67/2007/NĐ-CP, 136/2013/NĐ-CP... trong đó, có cả phần thường xuyên và đột xuất (thiên tai, hỏa hoạn). Ngoài ra, riêng về gạo, địa phương nào có khó khăn sẽ báo cáo Thủ tướng xem xét.

Tinh thần chung, việc chăm lo tết cho người nghèo do các địa phương tự chủ động cân đối (bằng nguồn ngân sách địa phương, nguồn xã hội hóa). Sở Lao động, Thương binh và Xã hội các tỉnh tham mưu, đề xuất mức trợ giúp cho các đối tượng này.

Năm nay, tình hình lạm phát ổn định, giá cả không leo thang; thu nhập, đời sống của nhân dân có khởi sắc; lương thưởng của công nhân tương đối ổn định, nên dự báo tết năm nay sẽ đầm ấm và tươm tất hơn.

Năm đầu tiên thực hiện giảm nghèo đa chiều. Mọi việc đang khẩn trương. Một cái tết mang nhiều hy vọng cho người nghèo. 

HOÀNG HÀ