Công xưởng thế giới

Cập nhật, 05:44, Thứ Ba, 27/10/2015 (GMT+7)

Một bài báo cách nay 5 năm viết: “Cách đây vài thập kỷ, Đài Loan- Hàn Quốc- Trung Quốc là những quốc gia và vùng lãnh thổ được các nhà đầu tư thuộc lĩnh vực dệt may Nhật Bản nhắm tới để tận dụng lao động giá rẻ. Nay đến lượt Việt Nam lọt vào tầm ngắm…”

Tại hội thảo khoa học quốc tế “Việt Nam trở thành một trung tâm chế biến, chế tạo mới của thế giới sau năm 2015” tổ chức ngày 24/10 tại Hà Nội, nhiều chuyên gia nhận định, dệt may chính là 1 trong 5 ngành trọng tâm để đưa Việt Nam trở thành “miền đất hứa” theo xu hướng dịch chuyển các công xưởng trung tâm của thế giới.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), cứ 1 tỷ USD Việt Nam sẽ tạo ra 100.000 người lao động trong các doanh nghiệp may mặc và 50.000- 100.000 người lao động trong các doanh nghiệp hỗ trợ khác. Kim ngạch xuất khẩu Việt Nam năm 2020 ước đạt 50 tỷ USD, như vậy, số lao động trong ngành dệt may ước khoảng 3- 3,5 triệu người, cho thấy dư địa khai thác lao động cho ngành công nghiệp dệt may còn rất lớn, triển vọng phát triển ngành này của Việt Nam trong tương lai còn rất rộng mở.

Một chuyên gia kinh tế về dệt may cho rằng: Dệt may thường được đưa ra làm ví dụ để cổ vũ cho việc Việt Nam gia nhập TPP trong lúc Việt Nam cũng có năng lực cạnh tranh tốt về ngành dệt may. Việt Nam có cơ hội trở thành một trong những tay chơi lớn cung cấp hàng dệt may trên thế giới. Tuy nhiên, nguyên tắc TPP là bắt đầu từ sợi, vì vậy cần sản xuất được sợi tại Việt Nam, đó là điều chúng ta đang yếu. Tuy nhiên, sản xuất sợi ảnh hưởng lớn đến môi trường, nên nhiều tỉnh còn ngại.

Có thể khẳng định: Việt Nam cũng có cơ hội để trở thành trung tâm chế biến, chế tạo mới của thế giới sau năm 2015 bởi các lợi thế về vị trí địa lý, nguồn nhân lực. Tuy nhiên, thách thức đặt ra rất nhiều. Hiệp định TPP là cơ hội lớn, nhưng cũng là thách thức lớn. Cơ hội không tự tạo ra lợi ích. 

HOÀNG HÀ