Những vấn đề đặt ra sau đợt mặn kỷ lục đầu mùa khô 2020

Cập nhật, 05:30, Thứ Tư, 11/03/2020 (GMT+7)

Trong tháng 1, tháng 2 vừa qua, tỉnh Vĩnh Long và cả vùng ĐBSCL lại hứng chịu kỳ xâm nhập mặn lịch sử nữa kể từ năm hạn, mặn kỷ lục 2016. Vấn đề đặt ra là tỉnh sẽ đối phó với thiên tai này như thế nào trong năm tới?

Xâm nhập mặn đã lên cao hơn dự báo

Tại Kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH) trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long được Chủ tịch UBND tỉnh ban hành theo Quyết định số 3183/QĐ-UBND ngày 30/12/2016, các kịch bản BĐKH đều dự báo yếu tố xâm nhập mặn có xu hướng lên cao hơn so với hiện trạng năm 2016.

Theo kịch bản phát thải trung bình: Đến năm 2020, ranh mặn 1‰ (phần ngàn) sẽ lên tới ranh giới Vĩnh Long- Trà Vinh (trên sông Hậu) và ranh mặn 6‰ sẽ xuất hiện trên sông Cổ Chiên. Đến năm 2030, ranh mặn 2‰ sẽ lên tới ranh giới Vĩnh Long- Trà Vinh (trên sông Hậu) và ranh mặn 8‰ sẽ tiến sâu vào thêm 1km.

Theo kịch bản phát thải cao: Đến năm 2030, ranh mặn 0,5‰ (trên sông Hậu) sẽ lên tới thị trấn Trà Ôn, ranh mặn 1‰ lên tới xã Thiện Mỹ (Trà Ôn) và ranh mặn 2‰ sẽ lên vượt qua ranh Vĩnh Long- Trà Vinh khoảng 2km (thuộc xã Tích Thiện).

Trên sông Cổ Chiên, ranh giới mặn 8‰ sẽ ảnh hưởng tới xã Trung Ngãi, Trung Nghĩa, Trung Thành Đông và xã Thanh Bình (Vũng Liêm); ranh giới mặn 5‰ sẽ vượt qua cù lao Dài (Vũng Liêm); ranh mặn 1‰ sẽ ảnh hưởng tới xã Mỹ An (Mang Thít); ranh mặn 0,5‰ sẽ ảnh hưởng tới xã Đồng Phú, xã Bình Hòa Phước (Long Hồ)…

Tuy nhiên, theo số liệu quan trắc của cơ quan chức năng, thực tế diễn ra trong 3 tháng mùa khô năm 2019- 2020 (từ tháng 12/2019 đến tháng 2/2020) trên địa bàn tỉnh cho thấy, độ mặn đã vượt đỉnh mặn kỷ lục năm 2016, mặn xâm nhập sâu vào đất liền-nhất là phía sông Hậu, diện ảnh hưởng rộng; ranh mặn đều cao hơn mức dự báo tại Kịch bản phát thải trung bình và cao hơn cả Kịch bản phát thải cao.

Cụ thể: Độ mặn cao nhất tại các điểm đo cố định ở Vũng Liêm và Trà Ôn so với đỉnh mặn năm 2016: Cống Nàng Âm:10‰ (+0,4‰), vàm Măng Thít: 6,2‰ (+0,9‰), Tích Thiện: 7,8‰ (+2,9‰), vàm Trà Ôn: 2,2‰, (+0,5‰ so với năm 2019).

Trên sông Hậu, độ mặn 2‰ đã vượt qua vàm Trà Ôn, đến tận rạch Chanh (xã Mỹ Hòa- TX Bình Minh), độ mặn 1‰ đã lên tới rạch Phù Ly (xã Đông Bình- TX Bình Minh).

Trên sông Cổ Chiên, độ mặn 10‰ ảnh hưởng tới xã Trung Thành Đông và xã Thanh Bình (Vũng Liêm); ranh giới mặn 6‰ đã vượt qua cù lao Dài (Vũng Liêm), qua vàm Măng Thít; ranh mặn xấp xỉ 1‰ ảnh hưởng tới xã Bình Hòa Phước (Long Hồ). Trên sông Măng, độ mặn 1‰ đã xuất hiện tới rạch Sao Phong (xã Tân Long Hội- Mang Thít).

Đặc biệt, trên sông Tiền giáp tỉnh Tiền Giang, lần đầu tiên ghi nhận độ mặn khá cao từ 2,6- 4,4‰ tại xã Bình Hòa Phước (24/2- 1/3), chưa từng thấy xảy ra tại đây. Nếu như năm 2016 chỉ có 3 huyện bị ảnh hưởng (Vũng Liêm, Trà Ôn, Mang Thít) thì năm nay số huyện bị ảnh hưởng biên mặn từ 1-10‰ là 6 huyện, thị (trừ Bình Tân và TP Vĩnh Long).

Nên điều chỉnh kịch bản BĐKH và quy hoạch chuyên ngành có sử dụng nhiều nước

Không riêng về Kịch bản xâm nhập mặn, tại Kế hoạch hành động ứng phó BĐKH tỉnh Vĩnh Long năm 2016, kịch bản về lượng mưa, mực nước đều rất khác biệt so với thực tế đã xảy ra.

Chẳng hạn như về mưa, Kịch bản BĐKH dự báo: Lượng mưa trung bình nhiều năm (TBNN) có xu hướng tăng dần qua các năm. Đến năm 2020, lượng mưa năm khoảng 1.492mm; đến năm 2030, tăng từ 1.497mm (kịch bản thấp) đến 1.506mm (kịch bản cao).

Tuy nhiên, lượng mưa trong tỉnh có xu thế giảm trong 10 năm gần đây (2005- 2015). Năm 2018, lượng mưa chỉ đạt từ 387,6- 2.376,6mm, thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái từ 143- 962mm (hụt khoảng 21- 71%). Năm 2019, lượng mưa trung bình chỉ đạt 1.220mm, thấp hơn năm 2018 từ 248- 454mm (hụt khoảng 18- 21%). Từ tháng 2- 4/2020, lượng mưa thấp hơn so với TBNN.

Về mực nước, Kịch bản BĐKH dự báo: Mức nước dâng theo kịch bản phát thải trung bình, đến năm 2020 tăng 9cm, đến năm 2030 tăng 14cm.

Tuy nhiên, các năm 2016- 2019, mực nước sông, rạch trong tỉnh luôn ở mức rất cao, liên tục tăng- năm sau cao hơn năm trước.

Cụ thể: Trên sông Tiền, tại trạm Mỹ Thuận, mực nước cao nhất năm 2016 đạt mức 1,92m, năm 2019 lên mức 2,12m (tăng 10cm); trên sông Hậu, tại trạm Cần Thơ, mực nước cao nhất năm 2016 đạt mức 2,03m, đến năm 2019 lên mức 2,25m (tăng 22cm).

Từ việc thay đổi bất thường có tính liên tục của các yếu tố khí tượng- thủy văn, thiên tai nêu trên, thiết nghĩ tỉnh cần tổ chức cập nhật, điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH năm 2016 của tỉnh đến giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 trên cơ sở kế hoạch của khu vực ĐBSCL và của cả nước, để lồng ghép yếu tố BĐKH vào các chương trình, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, phát triển ngành, lĩnh vực trong tỉnh, đồng thời đề xuất các chương trình/dự án ứng phó với BĐKH, phòng chống thiên tai sẽ diễn biến phức tạp, khó lường trong thời gian tới.

Được biết, sau hạn, mặn kỷ lục năm 2016, các quy hoạch chuyên ngành của tỉnh có liên quan đến sử dụng nguồn nước đã được điều chỉnh, bổ sung, được phê duyệt và triển khai thực hiện.

Đa số các quy hoạch đều có lồng ghép các nhiệm vụ, đề xuất những chương trình, dự án ưu tiên để ứng phó với BĐKH- nước biển dâng, hạn, mặn… trong đó đáng kể nhất là các quy hoạch trên các lĩnh vực nông nghiệp, thủy lợi và cấp nước sạch.

Tuy nhiên, tình trạng thiếu nước trong mùa khô những năm gần đây xảy ra càng gay gắt hơn, xâm nhập mặn lịch sử các tháng đầu năm nay tiếp tục kiểm chứng lại khả năng thích ứng của các mô hình sản xuất nông nghiệp- thủy sản, khả năng “chống, chịu” của các công trình hạ tầng kỹ thuật hiện có (thủy lợi, giao thông, nhà máy- trạm cấp nước sạch), cũng như tính khả thi, tính cấp thiết của các chương trình/dự án theo quy hoạch sẽ triển khai thực hiện.

Trước xu hướng độ mặn lên cao, xâm nhập sâu, duy trì dài hơn trước đây, việc thiếu hụt nguồn nước mặt càng gay gắt hơn trong mùa khô buộc phải xem xét lại thời vụ, cơ cấu mùa vụ (nhất là vụ Đông Xuân, Hè Thu), loại cây trồng, vật nuôi…; buộc phải rà soát lại quy hoạch tài nguyên nước trong thời gian tới (như xác định lại tổng lượng nước, phân vùng cấp nước, nhu cầu nước từng ngành, lĩnh vực, từng thời kỳ, tính toán lại tính khả thi và hiệu quả của khai thác tài nguyên nước ngầm…); phải rà soát lại quy hoạch cấp nước sạch đô thị và nông thôn (xem lại vùng thu nước, đối tượng, loại hình cấp nước, liên kết vùng trong cấp nước, chuyển tải nước sinh hoạt từ vùng ngọt sang vùng bị nhiễm mặn…; và phải rà soát, đề xuất thêm các công trình ngăn mặn, trữ ngọt ở vùng Bắc sông Măng Thít, ở 3 xã huyện Long Hồ thuộc vùng cù lao Minh và cả vùng Bắc QL1A…).

Về thủy lợi, một giải pháp công trình mới cần xem xét bổ sung là vận dụng những kinh, rạch ngoài vùng đê bao làm nơi trữ nước ngọt, tăng thêm diện trữ nước ngọt bằng các kinh, rạch trong vùng đê bao như hiện nay đã làm; cân nhắc giải pháp xây dựng hồ chứa nước ngọt ở vùng bị nhiễm mặn cao vì tốn kém, ít hiệu quả do mất đất canh tác, thấm lậu, bốc hơi...

Hiện trong tỉnh có trên 3.000 tuyến kinh, rạch nằm ngoài vùng đê bao có khả năng trữ và dẫn nước rất lớn nhưng hầu hết đều để thông thương, không có cống đầu kinh (trừ một số kinh, rạch liên thông với nhau ở huyện Vũng Liêm, Trà Ôn đã được xây cống (như cống Nàng Âm, cống Rạch Bàng, cống Vũng Liêm, cống Tân Dinh).

Tăng cường khuyến khích áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cũng là giải pháp thích ứng tốt trong điều kiện hạn mặn có xu thế cao hơn.

Hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước cấp cho sản xuất và dân sinh trong vùng ĐBSCL được dự báo còn khó khăn hơn trong tương lai.

Việc thực hiện rà soát, điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch hành động ứng phó BĐKH tỉnh và các quy hoạch chuyên ngành có sử dụng nguồn nước là rất cấp thiết để phù hợp với tình hình mới. Các giải pháp công trình đối phó với hạn, mặn cần thực hiện đồng bộ, khép kín và cần có sự liên kết vùng để đạt hiệu quả cao nhất.

TRUNG CHÁNH